Việt Nam Thời Báo

RFA – An ninh gây áp lực khiến nhà phê bình văn học không dám nhận giải thưởng của Văn Việt

Dù được xướng tên là người nhận giải thưởng Văn Việt lần thứ bảy trong lĩnh vực phê bình văn học do những nhà văn nhưng tác giả không dám nhận vì sức ép từ chính quyền.

Vào ngày 5 tháng 4, Văn Việt – một diễn đàn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập – đăng tải bức thư có tựa đề “Còn khổ bao lâu nữa?” của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy, người được trao giải với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại”.

Mở đầu bức thư, tác giả Tịnh Thy viết “Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.”

Theo nhà phê bình văn học này thì dù rất vinh dự nhưng bà không thể nhận giải thưởng do Văn Việt trao bởi vì áp lực mà phía chính quyền gây ra.

Cụ thể, bà cho biết đã bị an ninh tiếp cận và đề nghị không đi nhận giải với lý do “để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung”.

Sự việc này xảy ra hai tháng sau sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị an ninh mặc thường phục hành hung nhằm ngăn cản ông đi nhận giải thưởng cũng của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, một tổ chức do các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc lập ra nhằm bảo vệ quyền tự do sáng tác.

Phóng viên Đài Á châu Tự do đã liên hệ với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy để đề nghị phỏng vấn, nhưng bà cho biết đã nói hết thông qua bức thư được đăng trên diễn đàn Văn Việt, và từ chối nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, cho biết sự việc xảy ra với tác giả Tịnh Thy là sự tiếp nối của một chuỗi các hành động sách nhiễu và đàn áp của chính quyền nhắm vào Văn Việt.

Cái việc gây áp lực để người này phải rút bài, người kia rút bài, rồi rút giải thưởng, rồi ngăn chặn thậm chí đánh đập không phải bây giờ mới xảy ra.

Xin nói rằng chuyện của Tịnh Thy là nằm trong cả một cái chuỗi mà nhà nước ứng xử với Văn Việt nói riêng và nói chung là văn chương ngoài luồng. Người ta luôn luôn sợ hãi.”

Phó Giáo sư Hoàng Dũng lý giải nguyên nhân chính quyền sợ hãi là vì sự yếu đuối của thế chế chính trị, dẫn đến những phản ứng hoảng hốt và tiêu cực đối với các hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ. “Họ nhìn đâu cũng thấy địch” ông nói.

Ông cũng cho rằng kiểm soát văn chương là chính sách lâu dài và xuyên suốt của Đảng Cộng Sản chứ không phải mang tính tạm thời hay cục bộ. Để minh chứng cho điều này, Phó Giáo sư Hoàng Dũng đặt câu hỏi kể từ khi lên nắm quyền thì Đảng Cộng Sản đã bao giờ cho văn chương được tự do chưa, và cũng tự ông đưa ra câu trả lời là “chưa từng”.

Bất chấp sự đàn áp và cản trở liên tục từ phía chính quyền, nhưng vị trí thức người Huế khẳng định Văn Việt sẽ tiếp tục các hoạt động của mình. Khi được hỏi về ý nghĩa của việc người cầm bút vẫn tiếp tục viết trong môi trường hà khắc hiện tại, Phó Gáo sư Hoàng Dũng nói:

Trước hết là nó cho mọi người, cho đồng bào thấy rằng vẫn còn có những trí thức có lương tâm, có can đảm để chịu đựng những chuyện (đàn áp) đó. Và mong ước đất nước có ngày vấn đề tư tưởng được cởi mở hơn. Thực sự là một tập hợp trí tuệ của toàn dân để xây dựng đất nước.

Cái quan trọng là làm sao để cho mọi người thấy rằng đây là đất nước của mình, rồi góp tiếng nói để sao cho đất nước càng ngày càng tốt đẹp hơn.”

Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy thì bà đặt ra câu hỏi trong cuối bức thư của mình rằng, “nhà văn An Nam còn khổ bao lâu nữa?”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/security-forces-pressure-prevents-literature-critic-from-receiving-awarded-prize-05052022090902.html

 

*****

[ads_color_box color_background=”#f5f0f0″ color_text=”#444″]

‘Dám ngoái đầu nhìn lại’ – công trình ‘nóng’ về văn học đương đại Trung Quốc

Những năm qua, giới nghiên cứu phê bình trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại, nhưng có lẽ cuốn Dám ngoái đầu nhìn lại là “một công trình học thuật chuyên sâu đáng quý” như nhận xét của TS.Nguyễn Thị Minh Thương trong “Lời giới thiệu”.

TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy (giảng viên khoa Văn trường Đại học Sư phạm Huế) mấy năm qua đã công bố 2 tác phẩm được bạn đọc chú ý: Tự sự kiểu Mạc Ngôn(NXB Văn học, 2013) và Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương (NXB Khoa học xã hội, 2017) – chuyên luận về “văn học sinh thái”. Dám ngoái đầu nhìn lại cũng có thể gọi là một “chủ đề nóng”, do tập trung nghiên cứu 5 nhà văn nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc (từ đây, xin được gọi họ là “Ngũ hổ” – NV). 

Họ là những tác giả “dám ngoái đầu nhìn lại” những sai lầm, đổ vỡ, những bi-hài kịch mà xã hội Trung Quốc đã phải chịu đựng trong gần một thế kỷ vừa qua. Đó là Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn (cả hai từng đoạt giải Nobel) và Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa. Mỗi nhà văn một sở trường, một phong cách – tác giả nhấn mạnh những điểm nổi trội của mỗi người, như “Lý Nhuệ phản tư”, “Mạc Ngôn dấn thân”, “Cao Hành Kiện hồi cố”, “Dư Hoa phẫn nộ”, “Diêm Liên Khoa nghịch dị”, nhưng thật ra cả “Ngũ hổ” đều chứa đựng những tố chất đó, chỉ đậm-nhạt và văn phong khác nhau thôi. Điều dễ nhận thấy hơn cả là không chỉ Mạc Ngôn, mà cả 5 nhà văn đều quyết liệt dấn thân và họ đã chọn “những điều không được phép viết” và “động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn”; “dám ngoái đầu nhìn lại” những ký ức đau thương đến cùng cực của cá nhân và dân tộc” như chính tác giả đã viết trong “Lời mở đầu” sách.

Với sự phân tích thấu đáo, “không tránh né những vấn đề được cho là “nhạy cảm về văn hoá lẫn chính trị”, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã giúp bạn đọc hiểu biết sâu về nhiều phương diện của “Ngũ hổ” – từ quan điểm nghệ thuật, nội dung tác phẩm đến những bình luận của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế…

Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Ngũ hổ” đã kế thừa và phát triển mạnh mẽ khuynh hướng sáng tác của văn hào Lỗ Tấn. “…Trong tác phẩm của Lỗ Tấn, con người bất hạnh do lễ giáo phong kiến ngàn năm trói buộc”, thì không chỉ trong Kinh Thánh của một người (tiểu thuyết đoạt giải Nobel của Cao Hành Kiện) mà trong nhiều tác phẩm của “Ngũ hổ”, độc giả sẽ thấy rất nhiều con người bất hạnh do các thứ “lễ giáo kỳ dị” đã áp chế lên dân chúng Trung Quốc mấy chục năm, từ “Cải cách ruộng đất”, “Đại nhảy vọt” đến “Cách mạng văn hóa”… Tất nhiên với quyền hư cấu và phong cách của mỗi nhà văn, những điều “kỳ dị” hiện ra lắm vẻ, nhưng có thể nói “Ngũ hổ” đều sáng tạo chủ yếu với triết lý “phản tư”. Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “phản tư (phản tỉnh, phản khảo – reflection) vốn là một thuật ngữ triết học có hàm nghĩa phản tỉnh, hồi cố, suy nghĩ lại, bình xét lại, hoài nghi những kết luận đã có trong lịch sử…” 

Ngũ hổ” không chỉ “hồi cố, suy nghĩ lại” những bi-hài kịch thời trước, mà hướng đến cả thời “Cải cách – mở cửa” gần đây. Giai đoạn này, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nhất là về kinh tế, nhờ tận dụng công nghệ hiện đại phương Tây và giá lao động rẻ. Tuy vậy, xã hội vẫn xuất hiện những “lễ giáo kỳ dị” khiến con người bất hạnh ở những phương diện khác. Trong tác phẩm Đinh trang mộng, Diêm Liên Khoa đã miêu tả thôn Đinh Trang “chỉ trong một đêm, từ một trạm máu chẳng ai lui tới bây giờ đã mọc lên mười mấy cái trạm máu… Bán máu là có tất cả… Đình Trang phồn hoa rồi… Người bị bệnh viêm gan A, B, C cũng có thể bán máu năm lần mỗi tháng…”. Nhưng rồi điều gì đến đã đến. “Mười năm sau, cả thôn Đình trang bị mắc bệnh AIDS… Hầu như nhà nào cũng có người chết…”

Cảnh bán máu được dựng lên chính từ những câu chuyện có thật mua bán trẻ con, nội tạng… mà báo chí từng tố cáo. Nhà văn Dư Hoa thì đã dựng câu chuyện “kỳ dị” với nhân vật Lý Trọc trong tiểu thuyết Huynh đệ: “…Trung Quốc bước vào thời kỳ Cải cách mở cửa… Lý Trọc trở thành “vua phế liệu”, Lý xưởng trưởng, Lý Tổng giám đóc, Lý hội đồng nhân dân…” Và chính Lý Trọc đã sáng tạo ra cuộc thi “Người đẹp trinh tiết” – một “chiêu thức kinh doanh vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa làm mãn nhãn tất cả đàn ông trong thị trấn…”. Bạn chỉ cần đọc câu sau đây sẽ rõ: “… Người đẹp trong cả nước nhao nhao vào khoa sản bệnh viện, nhao nhao làm phẩu thuật hàn gắn lại màn trinh…” Thật là “kỳ dị” quá sức tưởng tượng! Lại phải nhắc lại rằng: Đó là nhà văn hư cấu. Nhưng thế mới… xứng với những sự thật kỳ dị đã diễn ra trong “Cách mạng văn hóa” và “Đại nhảy vọt” mà nhiều người đã biết!

Điều cần nói thêm là có lẽ nhờ có các nhà văn như “Ngũ hổ” đã “dám ngoái đầu nhìn lại”, nên lớp người có vai trò xoay chuyển thế cuộc ở Trung Quốc đã “thức tỉnh”, đưa đất nước hơn một tỉ dân này vượt lên… Còn Nguyễn Thị Tịnh Thy, qua “Ngũ hổ” đã nêu cao vai trò cũng như trách nhiệm của nhà văn Việt Nam khi tác giả đã viết trong phần “Kết luận” của Dám ngoái đầu nhìn lại rằng: “Thiết nghĩ, một nền văn học có nhiều thành tựu là nền văn học có nhiều nhà văn dám viết, dám tin rằng đối với người nghệ sĩ, để tái hiện chân tướng của lịch sử và chân diện của sự thật, không có giới hạn hay rào cản nào là tuyệt đối, quyền sáng tạo và sức tưởng tượng là vô biên…”.

Nguồn: Thanh Niên

[/ads_color_box]

 


 

Tin bài liên quan:

RFA – Việt Tân khẳng định “không cử thành viên” gặp bà Nguyễn Phương Hằng để giải cứu sư Thích Minh Tuệ

Bùi Ngọc Dân

RFA – Trung ương họp bất thường: Tân Tổng bí thư Tô Lâm có chia sẻ quyền bính?

Bùi Ngọc Dân

Nghệ sĩ cải lương có mấy ai nghĩ đến ngày mai

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo