Văn Nguyên Dưỡng
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#050ce8″]
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng hiện sống tại Hawaii, nguyên trưởng phòng 2 ( Phòng Tình Báo) bộ tư lệnh sư đoàn 5 BB. Người tham dự trận chiến An Lộc từ bắt đầu đến kết thúc. Trong bài viết của ông dưới dây có thể có một vài chi tiết khá nhạy cảm với một vài người.
[/ads_custom_box]
Khi Tướng Nguyễn văn Minh đưa ra kế hoạch tăng viện Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bằng chiến thuật hai mũi giáp công để chiếm lại phần phía bắc thị xã An Lộc bị mất từ hôm trước thì Đại tá Miller rất tán thành. Tuy nhiên, sau khi tôi đón Đại tá LQL, Lữ đoàn trưởng LĐ1ND, về căn hầm BTL/HQ Sư đoàn gặp Tướng Hưng xong thì mọi việc đã đổi khác. Đại tá Lưỡng trình bày chiến thuật hơn thiệt rất hợp lý và chứng tỏ ông là một nhà chiến thuật lỗi lạc và nhiều kinh nghiệm trong những trận đánh lớn.
Ông cho rằng, nếu đổ hơn hai nghìn hai trăm quân Dù ở vùng ruộng trống trơ gốc rạ nằm giữa cầu Cần Lê và sân bay Đồng Long, thì vì bất ngờ, líp (lift) thả đầu tiên bằng C-47 của KLHK hay KQVN, đơn vị Dù nhảy xuống đầu tiên đó có thể sẽ an toàn. Nhưng từ líp đổ quân thứ hai trở đi các đơn vị Dù sẽ là mồi ngon cho pháo binh CSBV tập trung. Tổn thất sẽ rất cao, có thể lên đến 50%, hay cao hơn nữa. Người ta sẽ không thể mở một cuộc tấn công vào sân bay Đồng Long với một số tử thương và thương binh cao -dù bị bỏ họ lại ở bãi chiến hay dìu họ theo. Hơn nữa, nếu thả các đơn vị Dù ở LZ (Landing Zone) theo kế hoạch, thì cũng chỉ thả được các đơn vị Dù tác chiến bộ binh mà không thể thả Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù với các loại trọng pháo, đại pháo dã chiến, để đánh nhau liền. Cho rằng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào được mục tiêu chỉ định, thì với lực lượng còn lại cũng sẽ không ̣đủ sức tấn công lực lượng địch đã chiếm giữ sân bay và mặt bắc thành phố từ ngày hôm trước mà chúng ta không hiểu rõ chúng có bao nhiêu quân và ở cấp bộ nào? Yếu tố thành công không có, mà sự thất bại đã thấy rõ trước mắt. Cho dù Lữ đoàn Dù chiếm được mục tiêu thì lực lượng còn lại chỉ trên dưới một Tiểu đoàn, sẽ không chịu đựng nổi những trận tấn công kế tiếp của quân CSBV. Một cánh quân mạnh tinh nhuệ cũng sẽ trở thành một đơn vị què quặt thì sự tăng viện họ vào An Lộc là… vô ích. Với các lý luận này, Đại tá LQL đề nghị một kế hoạch khác.
Quan niệm hành quân của Đại tá LQL là tăng viện Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào An Lộc không chỉ là tăng quân để phòng thủ vị trí chiến lược then chốt này, mà còn để đáp ứng nhu cầu giúp cho vị tư lệnh mặt trận tạo niềm tin trong binh sĩ phòng thủ là An Lộc được tiếp viện, chẳng những đủ sức phòng thù chống mọi cuộc tấn công của địch quân, mà còn có thể phản công khi tình hình cho phép, chớ không thể sử dụng đơn vị này như lực lượng xung kích đánh ngay vào vị trí địch đang chiếm đóng trong thành phố trong trận tấn công trước mà chúng ta chưa biết được thực lực của chúng lớn mạnh ở qui mô nào. Cấp liên Trung đoàn hay Sư đoàn? Thực tế chỉ biết phòng không và trọng pháo dã chiến của chúng rất mạnh. Nếu tấn công địch quân ngay khi đổ quân ở vùng ruộng trống phía nam cầu Cần Lê thì sẽ rơi vào trường hợp nêu ở trên. Nếu chiếm lại được sân bay Đồng Long ở phía bắc thành phố cũng sẽ không dùng được nữa vì nơi đó đã… và sẽ trở thành mục tiêu tập trung pháo đã được điều chỉnh từ trước. Các loại phi cơ vận tải hay trực thăng đáp xuống chỉ để bị banh xác mà thôi.
Kế hoạch khả thi là nên đổ quân Dù bằng trực thăng của KQVN hay KLHK ở một bãi đáp bí mật (a secret landing zone -or LZ) ở phía đông nam thị xã. Toàn bộ quân Dù sẽ an toàn khi đổ quân vì tạo được yếu tố bất ngờ, pháo binh địch sẽ không đủ thì giờ chỉnh tác xạ vào LZ mật đó. Từ bãi đáp an toàn này, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đơn vị đổ quân đầu tiên sẽ tức tốc di chuyển tấn công chiếm lại Đồi Gió và Đồi 169 chừng 3 hay 4 km phía đông nam thị xã bị địch chiếm trong trận đánh ngày hôm trước, là hai cao điểm chế ngự toàn thành phố. Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù sẽ đổ quân sau và vào vị trí khi Tiểu đoàn 6 Dù chiếm xong hai ngọn đồi nói trên. Hai Tiểu đoàn này sẽ do Trung tá Lê văn Ngọc, Lữ đoàn phó, chỉ huy. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, Đại đội Trinh sát, Tiều đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 sẽ đổ quân tiếp theo trong ngày kế tiếp.
Tiểu đoàn 5 sẽ yểm trợ cho Tiểu đoàn 8 tiến vào đầu xa lộ (hay QL-13) xuất phát từ phía nam thị xã, chạy về hướng đồn điền cao su Xa Cam cách thị xã chừng 3, 4 km, về hướng nam. Khúc xa lộ này mặt đường rộng trên dưới 20m, hai bên đường trước đó các đơn vị Hoa Kỳ đã phát hoang sâu vào bìa rừng, mỗi bên rộng chừng 800m đến 1,000 nên rất trống trải có thể mở làm “một sân bay trực thăng tạm” rộng rãi, các loại trực thăng lớn nhỏ của KQVN và KLHK đều có thể đáp xuống được. Sau đó, Tiểu đoàn 8 Dù của Trung tá Văn Bá Ninh sẽ trấn đóng ở khu vực này phụ trách giữ an ninh và điều hành sân bay trực thăng tạm để các đơn vị phòng thù có thể tản thương các thương bệnh binh và tiếp nhận quân bổ sung thay thế.
Tiểu đoàn 5 Dù của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu sẽ tiến về khu vực gần vòng đai tây nam tỉnh lỵ và trấn đóng ở đó làm lực lượng trừ bị cho Lữ đoàn và cho Tướng Hưng. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn được Đại đội Trinh sát bảo vệ, sẽ đóng chung với Bộ Chỉ huy Tiểu khu, nằm gần hai Tiểu đoàn nói trên. Đại tá LQL cho rằng, “nếu Lữ đoàn Dù mở được sân bay trực thăng tạm và bung rộng ra giữ được an ninh ở khu vực đầu xa lộ nói trên, thì lực lượng phòng thủ có thể tản thương và thay quân, hay tiếp tế được, các đơn vị sẽ có quân mới, khoẻ. Lực lượng sẽ mạnh dần. Sau khi đánh không quân cắt đứt đường tiếp vận của quân CSBV vào thành phố và “cô lập” được cánh quân này của chúng với các đơn vị hậu cần TWC/MN ở bên ngoài thì lực lượng địch sẽ mòn dần. Lực lượng phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng chờ khi bắt tay được với các cánh quân của SĐ21BB từ Chơn Thành tiến lên sau khi giải tỏa được các chốt chặn của địch quân ở khu vực suối Tàu-Ô, lúc đó sẽ mở các cuộc hành quân chiếm lại các khu phố ở phía bắc thành phố và sân bay Đồng Long. Đó là kế sách an toàn cho An Lộc chống giữ lâu dài và quân CSBV sẽ mòn mỏi dần khi họ bị tấn công dồn dập bởi KQVN và KLHK –nhất là không lực chiến lược với loại bom sát thương rộng lớn và dữ dội B-52. Đó cũng là ưu sách để chiến thắng. Vì chúng ta giữ được thành và đánh được địch.”
Dựa trên tình hình chiến sự diễn ra lúc đó thì quan niệm và kế hoạnh hành quân của Đại tá LQL là tối ưu. Sau hơn một giờ bàn luận với Tướng Lê văn Hưng và được vị tư lệnh chiến trường này hết lòng yểm trợ, Đại tá LQL lên trực thăng về Lai Khê trình bày lại với Tướng Nguyễn văn Minh. Kế hoạch tức khắc được chấp thuận cho áp dụng. Từ chiều ngày 14 đến ngày 15 tháng 4, mọi cuộc đổ quân bằng trực thăng vận của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã gây bất ngờ cho Bộ Tư lệnh TWC/MN của Tướng Trần văn Trà. Toàn bộ các đơn vị Dù trực thuộc vào An Lộc trong ngày 17, với tổn thất tương đối nhẹ (chỉ dưới 4%) khi cánh quân lớn này vào trận địa đang nóng bỏng lúc đó. Yếu tố bất ngờ và sự chọn bãi đổ quân (landing zone –LZ) thận trọng nên không bị tổn thất khi đổ quân. LZ là khu vực hương lộ 245 con đường nhựa chạy ngang sóc Srok Ton Cui, hướng tây nam và gần hai ngọn đồi Gió và 169 (xem bản đồ đổ quân vào An Lộc của LĐ1ND). Mọi chi tiết của kế hoạch do Đại tá LQL cũng được thực hiện chu đáo.
-Tiểu đoàn 6 Dù của Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, từ khu vực đổ quân đã tiến vào mục tiêu và tấn công vào các đơn vị quân CSBV trên hai ngọn đồi ở khu vực đông nam thành phố này. Ngay trong buổi chiều 14, chừng hơn một giờ sau khi đổ quân, Tiểu đoàn đã chiếm xong hai mục tiêu, Đồi Gió và Đồi 169.
-Toàn bộ đại bộ phận của Lữ đoàn 1 Dù gồm Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù đã đổ quân hoàn tất vào khoảng 3giờ chiều ngày 15 tháng 4 ở bãi đáp gần đồi Gió. Cũng trong ngày này, từ sáng sớm Bộ Tư lệnh Tiền phương TWC/MN đã mở một cuộc tấn công chiến xa và bộ binh vào các tuyến phòng thủ của Tướng Hưng sau khi đã giập hơn năm ngàn quả đại pháo vào thành phố. Cuộc tấn công này diễn ra có vẻ vội vã ở mặt tây và tây bắc vì chiến xa từ hướng này tiến vào thành phố không có bộ binh tháp tùng. Ở mặt đông bắc thì áp lực tấn công của lực lượng địch rất nặng. Riêng ở mặt đông nam thì địch không thể tấn công vì quân Dù đã chiếm trọn khu vực hai ngọn đồi nói trên và ng̣ọn đồi thấp hơn ở sóc Srok Ton Cui. Đặc biệt ghi nhận là thiết giáp địch vào thành phố chạy lạc lõng, lơ ngơ, không biết đường lối hay mục tiêu tấn công, để bị bắn hạ… dễ dàng. Có không ít đôi ba lý do để giải thích. Nhưng nguyên nhân chính là ngày hôm trước, tức ngày 14 tháng 4, nhằm mục đích làm giảm áp lực địch và sự tăng viện quân của chúng vào thành phố sau khi chúng tấn công mạnh ở hướng tây bắc ngày hôm trước và cũng để đánh lạc chú tâm của địch, yểm trợ cho Dù đổ quân, sau khi họp xong với Đại tá LQL, Tướng Hưng chỉ thị cho tôi vẽ mười boxes B-52 (mỗi boxe dài chừng hơn 2km và rộng 1km) chuyển cho Đại tá Miller, yêu cầu Không Quân Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện; trong đó có hai boxes đánh xuống Ấp Phú Lố cách thị xã chừng hơn ba dặm, và Ấp Phú Bình chỉ các vòng đai phòng thủ của quân bạn ở hướng tây chừng 800m. Xin thực hiện ngay trong ngày hôm đó.
Buổi trưa trước khi Tiểu đoàn 6 Dù đổ quân vào LZ ở đông nam thị xã thì KQ Chiến lược Hoa Kỳ đã đánh xong hai boxes B-52 vào các ấp Phú Lố và Phú Bình ở tây thị xã. Tám boxes khác đánh xa hơn trên trục chuyển quân của chúng. Cư dân ở hai ấp này đã hoàn toàn di tản vào thành phố ngay trong những ngày 7 và 8 tháng 4. Ở các nơi đó chỉ còn vườn không nhà trống tuy nhiên vẫn còn là nơi thích nghi cho các đơn vị CSBV với các nước giếng ngọt, rau cải và cây trái, nhà cửa. Chúng có thể tạm dừng trên lộ trình tiến quân, lo cơm nước, để chuẩn bị tấn công vào thị xã. Sau này chúng tôi được biết chính hai boxes B-52 ngày 14 tháng 4 này ở hai ấp nói trên đã tiêu diệt trọn Bộ chỉ huy Trung đoàn 271, hai Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn này và các đơn vị phòng-không tháp tùng, là cánh quân lớn của Sư đoàn Công trường 9 TWC/MN, và là mũi tấn công chính vào mặt tây và tây bắc An Lộc. Nhưng ngày 15/4, mũi nhọn chủ lực này đã… không bao giờ vào thành phố mà đã phơi thây ở hai ấp Phú Lố và Thanh Bình rồi. Các chiến xa vào thành phố trong ngày này không có bộ binh tháp tùng đã chạy lang bang trên các con đường phố, không biết bạn ở đâu, ví trị của quân phỏng thủ ở đâu, thì chỉ là những con mồi ngon cho loại súng chống chiến xa M-72 mà thôi. Trong ngày đó, 10 chiếc T-54 và PT-76 cùa CSBV bị hạ trong thành phố).
Cũng trong ngày 15 tháng 4 này, vì giữ được LZ nên Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, các Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù cũng đã đổ quân an toàn ở bãi đổ quân vùng sóc Srok Ton Cui. Tuy nhiên vì thành phố đang bị tấn công nên Tướng Hưng liên lạc chỉ thị cho Đại tá LQL tạm giữ lực lượng Dù ở khu vực vùng ba ngọn đồi đông nam đó, chưa vào thành phố trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau Đại tá LQL chia quân Dù làm hai cánh vào thành phố.
Cánh thứ nhất, gồm có Tiểu đoàn Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, các Đại đội Trinh sát và Công binh cùng với Tiểu đoàn 5 của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu tiến vào vòng đai phòng thủ của Tiểu khu theo ngã ấp Sóc Gòn. Cánh quân thứ hai do Trung tá Văn Bá Ninh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Dù chỉ huy, tiến vào mục tiêu chỉ định là đầu xa lộ phía nam tỉnh lỵ, gần Bộ Chỉ huy Tiểu khu theo ngã ấp Phú Hòa chỉ cách vòng đai phòng thủ thị xã chừng 1 km về hướng đông. Ấp Sóc Gòn cách ấp Phú Hòa hơn một km về hướng đông bắc. Cả hai cánh quân này đều chạm địch. Tuy cánh quân do Trung tá VBN chỉ huy là TĐ8ND vào ấp Phú hòa trước, chỉ chạm nhẹ, nhưng đã đóng quân đêm 16/4 tại ấp này để yểm trợ cho cánh quân của Tiểu đoàn 5 và các Đại đội Trinh sát và Công binh Dù do chính Đại tá LQL chỉ huy, chạm súng nặng với một Trung đoàn của SĐ-5/CS trong suốt ngày và đêm 16 đó ở ấp Sóc Gòn. Địch quân tấn công vị trí dã chiến của Dù ở Sóc Gòn nhiều đợt, rất mạnh. Chúng xung phong biển người với cả bộ binh và chiến xa, nhưng đều bị Dù đẩy lui. Kết quả cuộc chạm súng này các đơn vị của Đại tá LQL đã bắn hạ 4 T-54, tịch thu 7 súng cộng đồng, 20 súng AK-47, và địch quân bỏ lại tại trận 85 xác chết. Lực lượng Dù có 3 tử thương và 13 bị thương.
Điều đáng nêu lên là cả trong ngày và đêm 16/4 đã có hơn 20 phi tuần yểm trợ của KQVN cho đơn vị Dù của Đại tá LQL. Đặc biệt là trong các đêm này lần đầu tiên ghi nhận Không Quân Chiến Thuật Hoa kỳ đã đưa một loại vũ khí mới diệt chiến xa địch ban đêm vô cùng hữu hiệu gọi là “Spectre” -tức là loại máy bay C-130 cải biến thành chiến đấu cơ, trang bị hồng ngoại tuyến, với các loại sensors dò tiếng động của động cơ và tự động điều khiển dàn súng đại bác 105 ly không dật, cộng thêm 18 khẩu đại liên 50 ly, đặt ở ba vị trí khác nhau mỗi nơi 6 khẩu, và hai dàn hỏa tiễn gồm 12 ống, tùy theo loại mục tiêu di động hay gây tiếng nổ trên mặt đất nhiều ít hay nặng nhẹ đến mức độ nào các loại vũ khí đó sẽ tác xạ thẳng tiêu diệt mục tiêu, chính xác trăm lần như một, không trật. Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại, bao vùng và diệt chiến xa và các loại xe chuyên chở pháo, hay các khẩu pháo di động của CSBV nhiều nhất trong trận chiến An Lộc -nhất là bên ngoài thành phố. Nên ghi nhận rằng tại An Lộc và vùng bao quanh, từ khi chiến trận diễn ra, toàn bộ chiến xa và các loại xe của các đơn vị phòng thủ hoàn toàn không còn nữa, chỉ còn một ít xe jeep không hề được sử dụng di chuyển trong đêm, do đó khi tiếng động cơ nổ ban đêm thì chỉ là chiến xa và các loại xe chở pháo và chở quân hay tiếp liệu của quân CSBV. Hai động cơ nổ là hai máy điện của BTL/SĐ5BB và của BCH/Tiểu khu Bình Long, cố định và có tọa điểm chính xác, nên các chiến đấu cơ Spectres, thường gọi là Hoả Long –xuất phát từ căn cứ Không quân Hoa Kỳ Utapao ở Thái Lan– không thể bắn nhầm vào vị trị của các đơn vị phòng thủ. Hàng nhiều chục chiến xa và các loại quân xa của CSBV bị Hỏa Long bắn hạ trên các trục giao thông ngoài An Lộc ở những ngày đêm sau đó, đã triệt mất đường tiếp vận của chúng.
Sáng ngày 17 tháng 4, các đơn vị Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã hoàn toàn vào các vị trí đã dự trù đúng theo kế hoạch của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tức là ngoài Tiểu đoàn 6 Dù và mấy pháo đội của Tiểu đoàn 3 Dù trấn đóng trên hai ngọn đồi 169 và đồi Gió và Srok Ton Cui, do Trung tá Lê văn Ngọc, Lữ đoàn phó chỉ huy, toàn bộ thành phần lớn hơn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù do chính Đại tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã vào các vị trí trong thành phố như đã dự trù. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và Đại đội Trinh sát đóng chung với Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Tiểu đoàn 5 Dù làm trừ bị đóng gần đó. Quan trọng nhất là Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, do Trung tá Văn Bá Ninh chỉ huy, chiếm trọn khu vực rộng lớn đầu xa lộ phía nam thành phố xuống đến gần đồn điền Xa Cam trong buổi sáng ngày 18/4. Tại khu vực này Tiểu đoàn đã chạm nặng với một đơn vị của SĐ Công trường 7 của CSBV, địch bỏ lại hơn 40 xác chết, nhiều súng cộng đồng và cá nhân. Sau đó TĐ8NH và Đại đội Công binh Dù đã tu bổ dọn trống thêm quãng xa lộ sát liền với phía nam BCH Tiểu khu, làm thành bãi đáp tạm cho các loại trực thăng và chinooks của KLHK và KQVN. Tiểu đoàn này đã giữ sân bay trực thăng tạm này an toàn suốt những trận tấn công sau đó của lực lượng CSBV vào thành phố. Trực thăng của KQVN và HK đã bay lên đáp xuống khá an toàn, dù không tránh khỏi bị pháo kích, đã đưa được hàng trăm thương bệnh binh các đơn vị trú phòng ra khỏi trận địa và mang vào quân bổ sung, thực phẩm và trang bị nhẹ vào cho các cánh quân đó, mặc dù tiếp tế thực phẩm khô và đạn dược hay trang bị nặng khác vẫn do KLHK tiếp tục thả dù như trước đó.
Trước đó, trong ngày 16 tháng 4, Liên đoàn 81 Biệt Cánh Nhảy Dù, chừng dưới năm trăm quân do Trung tá Phan văn Huấn chỉ huy, cũng được BTTM tăng viện cho Tướng Minh và được đưa vào An Lộc bằng trực thăng vận và đáp ở bãi đáp bên suối Rô, gần bãi đổ quân Sóc Srok Ton Cui của Lữ đoàn 1 Dù. Cuộc đổ quân an toàn và hoàn tất vào khoảng hơn 5 giờ chiều. Trung tá PVH bắt tay được với Trung tá LVN, Lữ đoàn phó Dù. Sau đó tiếp xúc âm thoại được với Tướng Hưng và nhận chỉ thị tiến lên hướng bắc thành phố theo lộ trình cặp theo đường rầy xe lửa. Tuy nhiên vì trời tối nên phải đóng quân dã ngoại đêm đó; chỉ chạm súng nhẹ. Sáng ngày, trên lộ trình này Trung tá PVH đã liên lạc được với hai Đại đội của Liên đoàn 3 BĐQ đã tách rời đơn vị mẹ trong cuộc tấn công ngày 13/4. Buổi chiều 17/4 cả Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhày Dù vào thành phố. Ngay tối đêm đó, từng toán quân nhỏ thiện chiến của Liên đoàn tấn công và chiếm lại một vài khu vực quân CSBV chiếm mấy ngày trước gần khu Chợ An Lộc. Đến hết ngày 18/4 chiến sĩ Liên đoàn đã hoàn toàn kiểm soát khu vực được chỉ định và bung ra hơn trăm thước về hướng bắc. LĐ81BCND sở trường tấn công vị trí địch quân bằng những toán quân nhỏ cấp Tiểu đội hay bán Tiểu đội như vậy.