Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân có được quyền chỉ trích chính phủ?

Nguyễn Hòa

(VNTB) – Nhân dân trao quyền cho bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại, không được bảo vệ, hoăc có được bảo vệ thì người dân cũng phải “chạy”.

Có nhiều vụ việc cơ quan công quyền làm ngơ trước khiếu nại, đề đạt nguyện vọng của người dân, thậm chí còn sử dụng quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

“Lạm dụng quyền lực nhà nước” không phải là một chỉ trích mang tính phiếm chỉ mà hoàn toàn có thể được chỉ tận tay, day tận trán nếu như không ngại các cáo buộc quy chụp chính trị về các điều luật hình sự như 117, 331.

Nhìn từ diễn biến các vụ án vẫn đang giai đoạn điều tra như “chuyến bay giải cứu” lúc căng thẳng dịch giã Covid-19 mà nhiều quan chức Bộ Ngoại giao đang vướng vòng lao lý, cho tới kit test Việt Á liên quan đến cả Bộ Quốc phòng, cho thấy bên cạnh dân chủ không được thực thi đúng nghĩa, còn là chuyện trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, việc lạm dụng quyền lực của cán bộ, công chức còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Xin được diễn đạt tiếp theo đây bằng văn phong quen thuộc của các tiết lên lớp bồi dưỡng chính trị, đó là bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng do một bộ phận không nhỏ cán bộ trong các cơ quan công quyền suy thoái nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ xa rời, sai lệch với bản chất Nhà nước.

Khi cán bộ công chức suy thoái thì quyền lực do họ nắm giữ cũng bị tha hóa. Khi quyền lực bị tha hóa thì việc sử dụng quyền lực luôn hướng vào mục đích cá nhân. Và vì thế mà quyền lực nhà nước thể hiện cụ thể trong nhiều trường hợp mâu thuẫn, xung đột, trái chiều với bản chất gốc rễ của nhà nước.

Đơn cử cho nhận định trên trong lãnh vực lập pháp.

Luật bầu cử và các quy định khác về bầu cử ở thể chế chính trị của Việt Nam so với nhiều nước, thì cần thẳng thắn nhìn nhận là quyền dân chủ còn bị hạn chế. Mặt khác trong thực tế khi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân chưa được phát huy triệt để dân chủ, nếu không muốn nói là mất dân chủ.

Việc chỉ trích trên không hề phản động chút nào bởi câu chuyện của hơn một năm trước, ai cũng thấy rõ là nội dung thông tin tuyên truyền về nhân sự cho bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vẫn là mù mờ, phần lớn cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân không nắm rõ được người được bầu, ai xứng đáng hơn ai, và có xứng đáng nằm trong danh sách bầu cử hay không.

Cử tri đi bầu chủ yếu là thực hiện quyền bầu cử, còn điều kiện và cách thức để họ chọn ra đại biểu có xứng đáng không lại rất hạn chế, bất cập.

Mục đích của cơ quan được lập ra để tổ chức bầu cử là để làm cho xong việc, chứ không phải làm cho được việc, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng đại biểu, họ chỉ quan tâm tỷ lệ cử tri đi bầu, tiến độ bầu cử nhanh, hoàn thành việc bầu cử sớm.

Thậm chí có nơi công dân đi bầu cử được vận động định hướng bầu cử cho ai. Quyền bầu cử không được phát huy do xem nhẹ tính mục đích của bầu cử. Còn quyền ứng cử cũng bị hạn chế. Nhiều người muốn ứng cử tự do nhưng chưa chắc đã lọt vào danh sách bầu cử, vì phải qua hiệp thương, qua cấp ủy Đảng…

Người viết cho rằng Đảng cần chấp nhận những lời phê phán ‘chói tai’, chấp nhận những lời chỉ trích cả ở cấp Bộ Chính trị. Bởi vấn nạn “hợp thức hoá” dân chủ, và lạm dụng quyền lực nhà nước đã đưa hoạt động của nhiều cơ quan công quyền xa rời và sai lệch với bản chất của cái gọi là nhà nước pháp quyền.

Không hoá giải được những vấn nạn này, sự nghiệp xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động xem chừng vẫn là nan đề.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ tiếp tục làm ‘đệ nhất đả nữ’ giang hồ mạng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dư luận viên cần gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vietnamthoibao là báo lá cải?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo