Thu Trân
(VNTB) – Những ngày này ở một năm trước là Sài Gòn bắt đầu bước vào chuỗi thời gian được gọi là “giãn cách”…
Một.
Nhanh quá, mới đó mà đã một năm bắt đầu thời điểm bùng Covid ở Sài Gòn, bắt đầu từ cái hội truyền giáo Phục Hưng gì đó ở Gò Vấp. Mà có lẽ không ai nghĩ rằng Covid đã khiến Sài Gòn tang thương đến thế.
Covid đã lấy đi của riêng Sài Gòn hơn ba vạn người vô tội. Những ngày ấy, Sài Gòn tan hoang, có việc đi trên phố như đi trong một thành phố ma, không bóng người, chỉ có tiếng còi hụ của xe cứu thương, cảm giác rợn người, đến giờ nghĩ lại vẫn còn rợn!
Hai.
Đại dịch bùng, không chuẩn bị gì nhiều, chết nhiều là phải.
Số người chết từ vài trăm mỗi ngày, rồi lên đến vài ngàn, mà cả Sài Gòn ban đầu chỉ có 40 cái máy thở. Cán bộ ngồi lại với nhau, nhân dân ngồi lại với nhau, bàn cách chống dịch. Khả năng chỉ có thể là không cho tập trung từ hai người trở lên.
Nhiều người ấm ức hỏi, tiền vận động toàn dân để mua vắc-xin Covid lên đến hàng tỷ VNĐ ngay từ đầu năm 2021 mà sao không triển khai tiêm cho toàn dân, để chết chi chết nhiều vậy. Dịch đến chân mới nhảy, cho nên vắc-xin chỉ đủ tiêm cho cán bộ họp hành và những người trực tiếp chống dịch.
Ba.
Tang thương chồng tang thương, sai lầm chồng sai lầm khi người ta bắt đầu chiến dịch thu gom những người F1, F0.
Gom lại nhốt để tránh lây lan cho cộng đồng là chính, chứ phác đồ điều trị thì chơi vơi, không chính thống, không rõ ràng. Bí thư Sài Gòn đã xác nhận điều này. Và đây là lý do khiến người nhiễm Covid chết nhiều.
Họ tuyệt vọng và không đủ người chăm sóc. Chính cái “cộng đồng” F1, F0 lây lan nhau dữ dằn hơn, không có biện pháp khống chế khả dĩ nên họ chết nhiều là phải.
Bốn.
Thật thú vị khi tự hỏi lại, trong 4 tháng Sài Gòn đại dịch cách ly toàn dân toàn diện trường kỳ ấy, mọi người ăn cái gì để sống?
Bên cạnh hệ thống siêu thị hoạt động suốt ngày đêm, còn có hàng đống chợ chui. Trốn công an đi chợ chui thật vui. Cãi và “lý sự cùn” với công an cũng thiệt nhiều.
Chỉ là một ngày phải đi mua đồ hai lần vì cái tội cần đủ thứ. Cãi hoài đến nỗi chú công an quen mặt bảo: “Các chị tưởng chúng tôi ra đứng đường như này vui sướng lắm sao, tiếp xúc người suốt ngày, chúng tôi cũng sợ lây lan chứ!”. Lần sau gặp, chú công an không buồn thổi còi bắt lại nữa, chỉ lừ lừ mắt nhìn “đối tượng”, vẻ chán đời.
Năm.
Rồi có một ngày đang dịch đỉnh cao, bỗng dưng người ta chi viện cho Sài Gòn ào ào xe tăng và bộ đội.
Bộ đội thì đi chợ dùm, còn xe tăng, quả tình không biết để làm gì trong dịch. Thôi, chuyện nhà nước, nhà nước tự biết. Tội bộ đội! Chiến dịch “đi chợ dùm dân” thất bại, đành trở về nghề cầm súng.
Vậy mà cũng gây tranh cãi ì xèo đủ thứ, dịch mà, dịch mà không có chuyện để cãi, sao gọi là “mắc dịch” được!
Sáu.
Giờ vẫn dịch. Mọi người đã sống chung và sống bình thường với dịch.
Covid được xem như cúm mùa vì đã có hằng hà những vắc-xin huyền diệu. Ai cũng đã được tiêm ít nhất hai mũi vắc-xin. Nên Coronavirus có tấn công thì cũng chỉ đau đầu sổ mũi, nhưng mọi người vẫn cố giữ cho đừng lây lan.
Bảy.
Chỉ có một bài toán vắc-xin mà người Sài Gòn sống hai thời kỳ rõ rệt: sống hay là chết khi nhiễm Covid, và nhiễm Covid chỉ là một loại cúm bình thường, hay lây.
Chúng ta, những người còn lại hôm nay may mắn rơi vào thời kỳ thứ hai. Phải nói là “may mắn”. Chỉ có thể nói hai từ “may mắn”, vì chúng ta thoát hiểm khi chưa được tiêm ngừa Covid trong những tháng ngày sinh tử đó.
Nếu mà chưa tiêm, mà dính cũng đành tro bụi nơi Bình Hưng Hoà thôi!
Tám.
Và những người chấp nhận phần xui để nhường cho chúng ta sự may mắn đó, không ai khác hơn là hơn 3 vạn người Sài Gòn đã tan thành tro bụi vì Covid, vì họ chưa được tiêm vắc-xin Covid.
Chờ mãi mà không thấy Sài Gòn bàn để làm một tượng đài tưởng niệm những người tro bụi vì Covid. Họ xứng đáng được tưởng niệm như những anh hùng đã chết vì sự sống của tương lai!
Tôi ước có cái đài tưởng niệm ấy ở Sài Gòn. Chắc là hoa sẽ mãi tươi và nhang khói sẽ suốt ngày đêm nơi đài tưởng niệm ấy. Để nhắc nhớ mọi người phải luôn sống tốt và biết yêu thương nhau hơn, vì tai hoạ có thể ập đến với loài người nhỏ nhoi bất lực bất cứ lúc nào…