Hiền Lương (ghi)
(VNTB) – Rất nhiều công chức trong ngành y tế chọn việc rời nhiệm sở thuộc Nhà nước để vào làm việc ở các cơ sở tư nhân.
Bộ Chính trị yêu cầu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2021, phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 – 2026.
Bộ Chính trị yêu cầu trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao.
Các nội dung trên được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.
Trên thực tế thì không chờ chuyện “giảm biên chế”, đã có rất nhiều công chức trong ngành y tế chọn việc rời nhiệm sở thuộc Nhà nước để vào làm việc ở các cơ sở tư nhân.
Bác sĩ N.P.T.D., nói rằng dạo gần đây cứ mở báo ra là thấy Ủy ban kiểm tra Trung ương cảnh cáo đồng chí X, rồi công an bắt đồng chí Y, viện kiểm sát phê duyệt bắt khẩn đồng chí Z…
Lướt mạng thì hàng trăm công chức nghỉ việc tỉnh A, bệnh viện B hàng chục bác sĩ nghỉ việc, thành phố C có nhiều đồng chí lãnh đạo vừa xin nghỉ việc dù tuổi đời đang phơi phới, cơ hội thăng tiến còn nhiều… Facebook, Tiktok thì tràn ngập sự nỗi loạn của Gen Z đi làm thì thái độ bất cần, thích thì làm thích thì nghỉ, năng lực thì kém mà đòi lương ngất ngưởng, nhảy việc như tôm sống vào chảo lửa…
Vậy có liên quan gì câu chuyện đốt lò, công chức không còn mặn mà công việc nhà nước, Gen Z đòi hỏi quá đáng, thái độ không chuẩn và ảo giác về năng lực…
“Với tôi, đây là một sự tất yếu của một giai đoạn mà bất kỳ xã hội nào cũng trải qua, đó là giai đoạn quá độ để đưa về giá trị thật của nó, giai đoạn biến đổi về chất để đưa mọi thứ theo đúng quy luật tự nhiên.
Tại sao là nhân quả? Chắc chắn ai cũng hiểu rằng sự vận hành xã hội luôn theo một quy luật cung cầu của thị trường và đúng bản chất triết học vật chất quyết định ý thức.
Hãy xem đâu là Nhân – Quả để có cái nhìn khách quan về hiện tượng xã hội bây giờ và nhận thấy rằng đây là xu thế tất yếu, là điều lẽ ra thay đổi từ sớm hơn chứ không phải bây giờ mới xảy ra.
Tại sao công chức không còn mặn mà công việc của nhà nước, có những vị trí gọi là mơ ước của nhiều người, có những vị trí mà muốn vào phải lót tay rất nhiều tiền… giờ thì họ rủ bỏ một cách dễ dàng…
Thật phi lý khi một bác sĩ thi vào trường y thì phải là tốp đầu, học gọi là 10 năm mới gọi là biêt chút nghề, chi phí học mỗi năm chắc tầm 200 triệu/ trường công, 350 triệu/ trường tư! Vậy mà ra trường lương 5 triệu, có hợp lý không?
Một công chức, tốt nghiệp đại học chính quy danh tiếng, làm việc hơn 20 năm mà lương loanh quanh 10 triệu? Vậy, lấy gì để nuôi cả một gia đình tại một thành phố đắt đỏ này? Anh ta phải suy nghĩ nát óc, phải chạy vạy khắp nơi, phải tìm mọi cách để có đủ số tiến 30 – 50 triệu/tháng để cho một gia đình như thế này? Tiền đó từ đâu?
Sẽ có một số người làm việc thật sự không lấy vụ lợi từ công việc mình để kiếm tiền, nhưng cũng không ít số còn lại phải lấy lợi thế là công việc mình đang làm để nhũng nhiễu, móc ngoặc, tham ô… từ việc này, anh kiếm được 100 đồng thì xã hội mất 1000.000 đồng… Anh ta lo chu toàn một gia đình thì hàng trăm gia đình khác phải đói nghèo vì việc làm của anh ta…
Vậy khi lò đốt thì bắt họ phải không được làm bậy, phải sống đúng đồng lương mà nhà nước đang cấp! Sao sống được, phải nghỉ thôi. Đó là sự ra đi của hàng loạt công chức, rồi chúng ta là ầm ỉ lên, chảy máu chất xám, họ ra đi nhưng họ vẫn làm việc ở một nơi mà họ phải lao động đúng sức lực và trả lương hợp lý, và cảm thấy tự hào về sự đóng góp và công việc họ đang làm.
Còn tại sao Gen Z phải nổi loạn, đòi hỏi quá mức, nhảy việc như tôm, năng lực không tương xứng. Khoan vội chụp mũ mà nhìn toàn diện, chúng ta vẫn bình quân, cứ tốt nghiệp đại học là lương theo tiêu chuẩn dăm ba triệu, cứ là một vị trí đã phân định là một mức lương đã sẵn, lương đại học thì phải hơn cao đẳng, cao đẳng thì phải hơn trung cấp… Nhưng chúng ta quên mất rằng tất cả phải trả đúng về bản chất thật, chúng ta chi bao nhiêu tiền của để học, công sức để có một nghề nghiệp, bằng cấp đó có thật sự là bằng có giá trị về năng lực, nhu cầu của xã hội, khả năng đóng góp và thái độ của từng người khi làm việc.
Có những bạn rất trẻ nhưng năng lực và sự đóng góp tạo ra năng suất những người gọi là thâm niên, có những bạn không học đại học nhưng tạo ra năng suất hơn nhiều tiến sĩ.
Bên cạnh đó là sự mất kiểm soát chất lượng và số lượng của rất nhiều trường đại học, trường nghề đã tạo ra một lượng lớn nhân sự nửa vời mà họ ngộ nhận rằng mình cũng có bằng cấp, chứng chỉ hẳn hoi… mà thành phần này không hề nhỏ, nó sẽ kéo tụt và đánh đồng… Và chính chúng ta cũng chưa có những công cụ để đánh giá đúng năng lực nhân sự một cách toàn diện hoặc chúng ta vẫn chưa dám thoát ra khỏi cái nếp cũ để tạo ra sự khác biệt trong quản lý nhân sự.
Chúng ta muốn trong sạch, công bằng nhưng chúng ta vẫn duy trì sự mập mờ, không nhìn nhận sự vận hành của quy luật Nhân – Quả. Lương không đủ sống, cào bằng, thậm chí cướp công, người gánh ngàn cân kẻ tựa vai, vịn tay trong một đám đông mà không phân biệt đâu là sự đóng góp thật, năng lực thật của từng cá thể…” – bác sĩ N.P.T.D, diễn giải, và có lẽ những nội dung trên đã nằm ngoài nội dung mà vị Thường trực Ban Bí thư lúc đặt bút ký yêu cầu về các chỉ tiêu “giảm biên chế”.