Việt Nam Thời Báo

VNTB- Có dễ kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm 2022.

 

Tại buổi thảo luận ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng chủ trì chiều 30-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tới, Chính phủ sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng.

Đồng thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5 – 7%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm khoảng 32 – 34% GDP, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỉ lệ bội chi ngân sách bình quân năm khoảng 3,7% GDP.

Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gần 200% so với GDP, trong bối cảnh hàng hóa thế giới tăng cao như hiện nay thì rủi ro nhập khẩu lạm là không thể tránh khỏi. Hiện giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng rất cao, thêm vào đó chiến sự Nga- Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhất là mặt hàng xăng dầu sẽ tạo áp lực lên chi phí tiêu dùng dân cư.

“Mặt khác, dù Việt Nam là quốc gia có sự chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong CPI nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ giá của thế giới, nên áp lực lạm phát năm nay đạt được mục tiêu 4% là không đơn giản” – bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lưu ý.

Ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), nhìn nhận yếu tố khó lường nhất hiện nay là giá xăng dầu, nó quyết định đến việc thành công thực thi các kịch bản điều hành giá làm sao phù hợp. Trong kịch bản xấu nhất, Bộ Tài chính cũng đã tính đến mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đấy yếu tố kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong góc nhìn khác, có ý kiến, lạm phát cao có nhiều điểm lợi rất lớn: Một là giảm nợ. Nếu lạm phát 5% thì tổng nợ công giảm thật 5%, và mọi doanh nghiệp đang có nợ tồn đọng đều được giảm nợ 5%.

Hai là lạm phát giảm giá thật của nhiều chi phí như tiền lương, tiền thuê nhà xưởng, trả lãi vay,…, giúp doanh nghiệp và nhà nước dễ thở hơn và cạnh tranh tốt hơn. Ba là lạm phát làm hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn vì làm giảm giá tiền Đồng, tức là tăng giá các đồng tiền khác, khiến hàng Việt rẻ hơn bán dễ và bán được nhiều hơn khi mua bằng những đồng tiền khác.

Bốn là lạm phát giảm chi phí vốn. Lạm phát làm giá trị thật của chi phí lãi vay giảm thấp, ví dụ nếu lãi vay là 7%/năm và lạm phát là 5% thì lãi thật chỉ có 2%. Năm là lạm phát khiến tài sản, đặc biệt là bất động sản, xì hơi bong bóng giúp thị trường ổn định hơn…

Tuy nhiên nhìn chung thì các đánh giá trong nước và quốc tế đều cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu, hàng hóa nhập khẩu tăng, và điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

Về lạm phát, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh, các nhu cầu sản xuất hàng hóa (phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu) cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Song, mặt bằng giá nhìn chung cơ bản được kiểm soát tốt.

Lưu ý, dự báo của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cho rằng trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát của Việt Nam, do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài.

Thậm chí, tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của Covid-19 cùng với việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm đó là rủi ro chính trị khi có đồn đoán vào tháng 10 tới đây, rất có thể chức vụ Tổng bí thư Đảng của Việt Nam sẽ có sự thay đổi, và điều này khiến chính trường Việt Nam trở nên khó lường hơn khi vấn nạn tham nhũng quyền lực trong môi trường không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị vẫn là nan đề.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tư bản Úc bán “xiềng” cho Trung cộng “xích” nước Úc.

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao cần công khai bệnh tình của nguyên thủ quốc gia?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo