Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bà quyền bộ trưởng y tế là dân bán bảo hiểm, vậy mà vẫn… bí?

Mai Lan

 

(VNTB) – Mọi chuyện vẫn dừng lại ở các hoạch định, các dự tính, các tuyên bố làm đẹp chính sách.

 

Ở đâu cũng thiếu

Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), thống kê đối với 34/63 sở y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và hai bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy: 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Có 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai-mũi-họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu…

Tại một số bệnh viện tại Hà Nội, bệnh nhân ung thư phải tự mua bộ dây truyền dịch tại các nhà thuốc tư nhân. Giá mua cũng leo thang, từ 150.000 đồng bộ hiện đã tăng lên 190.000 đồng/bộ.

Vẫn loay hoay toan tính

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế. Trong đó, giải pháp ngắn hạn trước mắt là Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương.

Mặt khác, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Theo bà Liên Hương thì ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng lo ngại, sợ sai không dám mua sắm.

Về giải pháp dài hạn, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền để ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…

Về phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tổ chức triển khai theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

Tuy nhiên mọi chuyện vẫn dừng lại ở các hoạch định, các dự tính, các tuyên bố làm đẹp chính sách.

Ai cũng biết, nhưng…

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các tuần qua, có các bệnh nhân cần can thiệp mạch nhưng bệnh viện không có stent, nên nhiều bệnh nhân nặng, có chỉ định can thiệp nhưng phải chờ đợi nhiều ngày.

Hoặc như một đơn vị đầu ngành về phẫu thuật tim mạch của bệnh viện thuộc Bộ Y tế nhiều ngày hết thuốc chống đông máu (sử dụng với trường hợp tuần hoàn ngoài cơ thể), phải đi vay. Bệnh viện Bạch Mai đã điều chuyển thuốc cho các đồng nghiệp để có thể kịp thời mổ tim cho các bệnh nhân, tuy nhiên, việc này không thể kéo dài mãi, vì đó không phải là giải pháp.

Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Đào Xuân Cơ cho hay, một số văn bản không mang tính cập nhật. Ví như tại Thông tư 14/2020/TT-BYT về nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, trong đó chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu, nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó.

“Vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng, ta rơi “vào bẫy” muốn mua vật tư tốt của Châu Âu, Mỹ, Nhật rất khó” – bác sĩ Đào Xuân Cơ, nhận xét.

Một dược sĩ làm việc tại bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM giải thích, đấu thầu xong có thuốc rồi, vài tháng sau địa phương khác trúng thầu rẻ hơn, có khi bảo hiểm y tế lại áp theo giá rẻ hơn khiến các bệnh viện rất bị động. Hiện, việc đấu thầu thuốc được chia thành 5 nhóm để đấu thầu, vật tư y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố uy tín, chất lượng của hãng sản xuất, sẽ có giá khác nhau… nhưng loay hoay một hồi cuối cùng trong từng nhóm cũng chọn thuốc rẻ nhất.

Thế nhưng trên thực tế thì cùng một hoạt chất, thuốc của châu Âu, Mỹ giá sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn nên không thể cạnh tranh, trúng thầu với thuốc giá rẻ do các nước Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất. Đó chưa tính đến các vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại…) của cơ sở y tế có thể không sát thực tế. Vì thế, khi không có thuốc tốt, thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua…


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần cảnh giác dịch bệnh hô hấp trẻ em bí ẩn ở Trung Quốc

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Hồ sơ: Bứt dây liệu có động rừng? (Bài 1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Tại sao không được dạy thêm?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo