Việt Nam Thời Báo

Thật hay giả những bức ảnh “dậy sóng” cảnh công an bức cung, nhục hình phụ nữ?

THIÊN HÀ

(Cali Today News)


Cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook ở Việt Nam trong mấy ngày qua đã lan truyền chóng mặt những tấm hình ghi lại cảnh một viên cảnh sát đã dùng tay bóp cổ, chân đạp và đè lên thân hình một phụ nữ đang bị còng một tay vào cửa sổ, đang tỏ ra đau đớn.

Mặc dù chưa xác nhận thông tin những tấm hình này thật hay là giả nhưng cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook vẫn bày tỏ một sự phẫn nộ, cho đây là một minh chứng về vấn nạn công an cộng sản Việt Nam (CSVN) làm dụng quyền hành để bức cung, nhục hình người dân ở trong các đồn công an hoặc ở các nơi giam giữ dẫn đến thảm cảnh có khá nhiều trường hợp bị tử vong, không minh bạch…

Người phụ nữ với một cánh tay bị còng vào cửa sổ và Viên công an dùng chân đạp lên người phụ nữ (ảnh Facebook Bunbunqp Duy Nguyên)


Thật hay gỉa chưa biết nhưng thực trạng là có thật

Hầu hết các Facebooker chia sẻ với Cali Today đều có chung câu trả lời là chưa thể xác định những tấm hình như đã nói trên là thật hay là giả? Nạn nhân là ai? Viên công an tên gì và làm việc ở đâu? Tất cả phải chờ các cơ quan chức năng của CSVN vào cuộc xác minh.

Facebooker Hoàng Thành từ Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, bức ảnh là tâm điểm tranh cãi của cộng đồng mạng xã hội cũng như trên các trang mạng xã hội. Thật hay giả cũng chỉ là vấn để tranh cãi, và muốn làm rõ nguồn bức ảnh là thật hay giả thì phải do Bộ Công An vào cuộc điều tra, có như vậy thì sẽ được sáng tỏ cho cả ban ngành công an và với dư luận hiện nay.”

Facebooker Khang Nguyên ở miền Nam cũng có chung một phần chia sẻ với Facebooker Hoàng Thành.

“Tôi cũng như mọi người thôi. Tấm hình lan tải trên mạng gây phẫn nộ cộng đồng, bằng mắt thường thì chúng ta khó mà phân biệt thật hay giả (diễn). Nhưng chắc chắn, đây không phải hình qua photoshop (chỉnh sửa, cắt ghép).

Trong khi đó, chia sẻ của Facebooker Vân Anh Đỗ đến từ Hà Nội là qua những gì ghi lại ở những tấm hình cho đây là chân thật.

“Tôi không khẳng định được đây là ảnh thật hay giả, nhưng cảm nhận cá nhân là sự đau đớn của người phụ nữ là rất thật và sự đàn áp ra đòn của viên công an cũng cực kì chân thật!”

Và Facebooker Vũ Nhọ ở Sài Gòn thì có sự hoài nghi những tấm hình này được lấy ra từ một bộ phim nào đó.

“Nói đến đây chuyện giả hay thật thì tôi cũng chưa chắc chắn, tại chưa có thông tin kiểm chứng. Tôi chỉ sợ nó lấy ra từ một bộ phim.”


Người phụ nữ bị viên công an dùng chân đè lên người (ảnh Facebook Bunbunqp Duy Nguyên)


Tuy nhiên, chia sẻ của Facebooker Vũ Nhọ cũng như những chia sẻ tương tự đều bị dư luận phản bác bởi cũng như báo chí, truyền thông thì phim ảnh ở Việt Nam cũng bị CSVN kiểm duyệt rất gắt gao, nếu nội dung phim ảnh ca tụng những chiến công vì dân vì nước của ngành công an CSVN thì được cấp giấy phép trình chiếu chứ những bộ phim có cảnh quay công an CSVN đánh dân, bức cung nhục hình thì rất hiếm khi được cấp giấy phép cho trình chiếu để người dân xem.

Cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook ở Việt Nam cũng đã có những quan điểm trái chiều thật giả của những tấm hình. Cali Today tìm những chia sẻ của các Facebookers khi đặt câu hỏi giả sử đây là những tấm hình thật, ghi lại những hình ảnh có thật thì liệu nó có nói lên một sư thật về thực trạng tính mạng của người dân bị bức cung, nhục hình khi ở trong các đồn công an hoặc nơi giam giữ tại Việt Nam?

Facebooker Hoàng Thành chia sẻ ý kiến cá nhân: “Cá nhân tôi thì tôi coi bức ảnh này là thật, cái tôi quan tâm hơn là người phụ nữ đó là ai? Ở đâu? Bị vấn để gì? Thời điểm bức ảnh đó được chụp khi nào? Phía công an có xác thực viên công an là thật hoặc giả hay không? Có rất nhiều vấn đề xoay quanh sự việc mà chúng ta không có câu trả lời.”

Facebooker Vân Anh Đỗ thì mở đầu chia sẻ là những câu hát trong hành khúc “Vì nhân dân quên mình” của tác giả Doãn Quang Khải là: “Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi, vì nhân dân quên mình …” và hình ảnh ghi lại trong những tấm hình là người phụ nữ với một cánh tay bị còng số 8 trói chặt vào cửa sổ, khuôn mặt người phụ nữ toát lên sự đau đớn…và gương mặt viên công an tuy không thấy rõ nhưng thân hình thì khá mạnh mẽ đã dùng sức mạnh của đôi tay, dùng chân ghì mạnh lên cổ người phụ nữ.

Đông đảo dư luận cho những hình ảnh này được ai đó chụp lén tại đồn công an nào đó nên khó chụp rõ khuôn mặt viên công an. Facebooker Vân Anh Đỗ cho đây là những tấm hình thật chứ không nghĩ là dàn dựng.

“Tôi không nghĩ đây là một bức ảnh dàn dựng, bởi cái thật nó lột tả rất rõ trên gương mặt người phụ nữ, ai nhìn vào cũng sẽ cảm nhận được sự đau đớn của chị ấy…Cứ nhìn vào đây là lòng căm phẫn, hiểu thêm vì sao nhiều người cứ vào đồn công an thì khoẻ mạnh, ra thì bầm tím hoặc chỉ là cái xác lạnh ngắt…”

Kết lời chia sẻ, Facebooker Vân Anh Đỗ nói có lúc chỉ mong hình ảnh trong những tấm hình không phải là thật.

Facebooker Khang Nguyên chia sẻ với Cali Today rằng, ví dụ đây là hình ảnh có thật do một cá nhân nào đó chụp và đưa lên mạng thì cảm xúc đầu tiên của mỗi người, và của chính bản thân Facebooker Khang Nguyên đều thấy phẫn nộ, không hài lòng.

“Cảm thấy như chính mình đang bị ngược đãi, bạo hành, khi mà quyền căn bản của công dân không được tôn trọng. Nếu đây là ảnh thật thì viên Công an kia rõ ràng đang xem thường pháp luật, vi phạm pháp luật về việc sử dụng bạo lực nhằm tra tấn nghi phạm, can phạm. Đó là chưa kể đến tác phong đạo đức trong công việc.”

“Trước nay, vấn nạn công an sử dụng vũ lực tra tấn, đánh đập trong trong đồn là có thật. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 200 người chết trong đồn công an trong một vài năm mà không rõ nguyên nhân. Vấn đề ở đây là người thực thi pháp luật khi có hành động đó thì hầu hết đều được bao che, xử nhẹ.”

Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN đã họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho biết giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 09/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc mà nguyên nhân chủ yếu được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.

Ngày 07/11/2013, tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Chính phủ CSVN thường trực nước ta tại Liên Hiệp Quốc là ông Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính phủ CSVN ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về Công ước chống tra tấn.


Người phụ nữ bị viên công an dùng tay ghì cổ xuống nền nhà (ảnh ; Facebook Toi Nguyen)

Facebooker Khang Nguyên chia sẻ tiếp, nếu trường hợp người phụ nữ bị viên công an đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo trong những tấm hình là thật thì:

“Hành động tra tấn, đe dọa hoàn toàn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bởi lẽ chính quyền CSVN và các nước đã kí kết với Liên Hiệp Quốc về Công ước chống tra tấn và tôn trọng nhân quyền. Nghĩa là, bất kể khi người dân có phạm tội hay không thì nhà cầm quyền không được phép dùng nhục hình tra khảo họ, cũng như không được phép xúc phạm nhân phẩm, danh dự họ. Các quyền đó phải được nhà nước, pháp luật tôn trọng và bảo vệ.”

“Nếu đây là hình ảnh thật thì đây là một hành động không thể chấp nhận được. Một thế kỉ mới, một thế kỉ văn minh mà thế giới đang hướng tới. Công an CSVN đã dùng nhục hình tra tấn cho thấy sự lạm quyền của chế độ đang càng ngày đàn áp dân, và đây cũng là bằng chứng cho những vụ án chết trong đồn”- Chia sẻ cá nhân của Facebooker Vũ Nhọ.

Kết thúc bài viết, hiện tại Cali Today cũng như đông đảo cộng đồng sinh hoạt mạng Internet nói chung vẫn chưa xác định được sự thật hay giả của những tấm hình như đã nêu, nhưng có một điều dễ nhận thấy là nó đã nói lên một thực trạng đang “nóng bỏng” ở Việt Nam, đó là vấn nạn công an CSVN lạm quyền bạo hành dân, dùng nhục hình trong đồn công an hoặc nơi giam giữ. Các nhà làm luật ở Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm bớt tình trạng này, tuy nhiên qua những gì báo đài, truyền thông Việt Nam phản ảnh ở thời gian qua đã cho thấy nhiều giải pháp chưa được thực thi và chưa có hiệu quả đáng kể.

Facebooker Khang Nguyên đưa đề xuất cá nhân: “Để tránh việc lạm quyền này, việc lắp camera ghi hình trong suốt buổi lấy cung là viêc rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải tôn trọng Quyền im lặng và quyền yêu cầu phải có luật sư của mỗi nghi phạm, can phạm.”


Facebooker Vũ Nhọ nói:

“Nếu so sánh những tấm hình và những vụ chết người trong đồn thì thấy được rằng có một sự bao che từ cấp trên cho đến cấp dưới của chế độ. Nó đã ăn sâu vào bên trong của chế độ nên ta cần phải lên tiếng để bảo vệ người dân, bảo vệ những người bị hại dưới tay của chế độ”

“Việc ta lên tiếng không phải chỉ để lôi cổ viên công an đó ra kỉ luật hay xét xử vì nếu chỉ lên tiếng để xử viên công an đó thì viên công an đó cũng sẽ bị đem ra làm chốt thí mà thôi.”

Kết lời, Facebooker Vũ Nhọ nói cái chính là cần thay đổi từ bên trong chế độ, không để những người làm trong ngành công an lạm dụng quyền lực mà hại nhân dân.

Điều này sẽ gần như không thể nào thực hiện được, bất khả thi, vì bản chất chế độ cộng sản là lấy đàn áp, nhục hình người dân để bảo vệ chế độ.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo