Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nghỉ tết Quý Mão sao để hạn chế lãn công?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Nghỉ tết 9 ngày để hạn chế lãn công

 

Đường về nhà xa lắm

Trong văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để góp ý và đề xuất phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rất quan trọng với đoàn viên, người lao động và người dân nói chung.

Sau khi nghiên cứu dự thảo của Bộ và lấy ý kiến của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng (dương lịch 19 – 26/1/2023). Theo đó, người lao động sẽ đi làm từ ngày mùng 6 tháng Giêng (27/1/2023) và làm bù thêm vào thứ 7 liền kề (28/1).

“Người lao động mong muốn có thời gian nghỉ trước Tết dài hơn để chuẩn bị, di chuyển về quê, giảm áp lực giao thông” – văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay như vậy.

Ngày kiếm tiền lì xì

Bộ Nội vụ lại đồng tình đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày. Theo đó, công chức, viên chức sẽ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 20/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023. Theo Âm lịch, thời gian nghỉ rơi vào ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chọn phương án nghỉ 7 ngày. Với phương án này, người lao động sẽ được nghỉ từ ngày 29 Tết thay vì 30 Tết, có thời gian để đi lại, về quê, mua sắm Tết. Còn ngày đi làm đầu năm vào thứ 6 ngày 27/1/2022, xem như ngày làm khai xuân, sau đó lại nghỉ cuối tuần. Nghỉ như thế dù hiệu quả công việc không cao nhưng tuần sau đó, tất cả đi làm sẽ ổn định luôn.

Như vậy, theo cách hiểu của bà Hương và cũng là của Bộ Nội vụ, thì ngày thứ sáu mùng 6 Tết, người lao động đến nơi làm việc cũng chỉ là tiếp nối thêm một ngày ăn tết nữa, để rồi phải tới thứ hai đầu tuần sau đó, mọi chuyện mới lại vào guồng. Điều đó có nghĩa là chủ doanh nghiệp vừa tốn tiền lì xì, vừa chứng kiến người lao động có thể lãn công mà không thể ý kiến gì.

Ghi nhận từ phía doanh nghiệp lại cho thấy dường như họ không nghĩ giống như các cơ quan quản lý nhà nước.

Một chủ doanh nghiệp ngành may xuất khẩu cho rằng, cuối năm nay và đầu năm tới với doanh nghiệp may sẽ thiếu đơn hàng, ít việc do thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Mỹ đang giảm nhu cầu tiêu dùng vì lạm phát, vậy nên cần cho nghỉ Tết 9 ngày liên tiếp sẽ tiện hơn.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng biết tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán của người Á Đông, nên nếu có đơn hàng đều yêu cầu giao trước Tết. Nhiều doanh nghiệp ở miền Nam thậm chí cho người lao động nghỉ tới hết mùng 10 hoặc 15 tháng Giêng để họ có thời gian về quê, nghỉ ngơi. Nếu có yêu cầu đi làm sớm hơn, nhiều người cũng xin nghỉ phép hoặc bỏ việc.

Ông Phạm Minh Huân, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục. Theo ông, trước đây có một số dịp Tết nghỉ quá ngắn, nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ thêm, họ sẽ nghỉ việc kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu lao động sau mỗi dịp Tết ở khu vực miền Nam.

Nỗi niềm hoài hương

“Quê tôi ở Bắc Giang, quê vợ ở Thanh Hoá nên tôi sẽ nghỉ 9 ngày. Cả năm đi làm vất vả mưu sinh, Tết Nguyên đán là dịp nghỉ ngơi để người lao động có cơ hội thăm hỏi, gặp gỡ, đoàn viên với người thân trong gia đình. Theo tôi, vào dịp cuối năm vui, bận rộn nhất là mấy ngày trước Tết, khi đó người lao động di chuyển về nhà, dọn dẹp, chuẩn bị cho đêm giao thừa… Do đó nếu năm nay nghỉ đúng ngày 29 tháng Chạp thì gia đình không kịp mua sắm chuẩn bị Tết” – một gia đình công nhân đang làm việc ở Bình Dương, cho hay như vậy.

Đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình thì trong tâm thức vẫn tìm về quê vào dịp Tết. Nhu cầu gắn kết của họ với gia đình ngày càng lớn, nhất là sau những biến cố như đại dịch. Hai đợt lễ gần nhất dịp tháng tư chỉ kéo dài 3-4 ngày nhưng người lao động ồ ạt về quê là minh chứng rõ nhất.

Bên cạnh đó, dòng di cư khiến làng quê không còn nhiều người trẻ nên cuối năm là dịp trở về để quây quần chuẩn bị cái Tết gia đình tươm tất và cúng bái tổ tiên. Người Việt luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Càng sát ngày 30 tháng chạp, lòng người sẽ càng xốn xang, mong ngóng khi chưa thể về nhà…

***

Ghi nhanh ý kiến của người lao động:

Hà Giang: 7 ngày thì những người tha hương đi làm ăn xa họ về quê ăn Tết ra sao? Có phải ai cũng có tiền để mua vé máy bay đâu! Bộ Nội vụ có hiểu được những khó khăn chồng chất và sự nghèo khó của phần lớn người lao động hay không!

Tôi là công nhân làm việc tại Bình Dương, quê tôi ở một tỉnh miền núi phía Bắc và trong công ty của tôi đến hơn 80% là người tha hương đi làm việc ở các khu công nghiệp. Nếu Chính phủ chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày thì mới thật sự là một Chính phủ thấu hiểu cho phần lớn người lao động nghèo.

Lê An: Nghỉ Tết có 7 ngày, nếu không đủ tiền mua vé máy bay đi tàu, xe mất 4 ngày đi về nếu quê ở ngoài Bắc mà làm việc trong Nam. Còn 3 ngày chưa kịp hoàn hồn.

Minh Hà: Rất khó hiểu với phương án này. Đi làm ngày thứ 6 sau lại nghỉ 2 ngày thứ bảy, chủ nhật… thì ngày này làm việc có hiệu quả không? Sao không cho nghỉ cả ngày thứ 6? Chỉ phải đi làm 01 ngày sau kỳ nghỉ Tết rồi sau đó lại nghỉ tiếp 02 ngày cuối tuần. Thật chẳng có gì lợi lộc hơn mà còn làm người lao động phải mất thêm 01 ngày nghỉ phép vì phải xin nghỉ phép 01 ngày thứ 6.

Trần Thu: Đồng ý chỉ nghỉ 7 ngày! Nhưng kiến nghị tính lại: cho nghỉ từ 28 Tết để người dân kịp về nhà, nhất là những lao động ở quê xa. Tội cho họ lắm, lo chuẩn bị nào là đi chợ mua sắm, nào là tảo mộ, nào là chuẩn bị bếp núc, v.v… Nghỉ tới hết mùng 3 Tết; sáng mùng 4 làm việc trở lại, bắt đầu năm mới… cày bừa!


Tin bài liên quan:

VNTB – Người Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tư nhân không thể chung sức xây dựng nền báo chí cách mạng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sáng kiến “Tiền thay tù”

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo