Thới Bình
(VNTB) – Khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra, với sự ‘vô cảm’ của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Nên thay ghế gấp nhân sự cấp cao này.
Ngày 10-10-2022, trong khi tại Sài Gòn, người dân lóp ngóp trong mưa, xe hết xăng, cây xăng thì nghỉ bán, thì lúc đó tại Hà Nội, phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách là Bộ Công thương lại ngồi phán “có hơn 100 cây xăng đóng cửa thôi mà, so với 17.000 cây xăng trên toàn quốc thì đó là không phổ biến”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên để thuộc cấp tuyên bố vậy mà không biết mắc cỡ chuyện dốt toán; bởi số cây xăng phải ngưng bán tại TP.HCM tính đến chiều ngày 10-10 là 121/550 tức là 22%.
Đem con số 17.000 cây xăng trên toàn quốc ra lấp liếm thiệt là trơ trẽn!
Cụ thể, trong thông tin phát đi tối 10-10, Bộ Công thương cho hay hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk … là không phổ biến khi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Bộ Công thương lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.
Trước đó, trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 7-10 về kiến nghị liên quan đến chi phí định mức xăng dầu mà Bộ Công Thương gửi hôm 30-8, Bộ Tài chính cho hay ngày 10-7 đã điều chỉnh chi phí đưa xăng từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở (giá cơ sở xăng dầu = giá xăng dầu nguồn nhập khẩu x tỉ trọng % sản lượng xăng dầu nhập khẩu + giá xăng dầu nguồn trong nước x tỉ trọng % sản lượng xăng dầu trong nước).
Riêng đối với mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở trước mắt không tăng để hạn chế tác động tăng giá.
Về chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định Nhà nước hiện không quy định. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối…
Bộ Tài chính đánh giá việc Bộ Công Thương cho rằng việc chưa điều chỉnh mức premium và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để đảm bảo bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa có cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.
Ông Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, thẳng thừng đặt vấn đề với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Bản chất của kinh tế thị trường phải dựa trên lợi nhuận và phân bổ một cách hài hòa, đồng đều từ nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển, buôn bán, đưa tới người tiêu dùng. Khi mức chiết khấu không đủ thì việc họ đóng cửa hàng, ghìm hàng không bán là điều dễ hiểu.
Trong vấn đề này, dù do nguyên nhân nào cũng có trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương. Nếu ghìm hàng chờ tăng giá thì có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, phải yêu cầu đơn vị kinh doanh xăng dầu có hàng phải bán ra chứ không được bán phập phù, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong trường hợp chiết khấu không hài hòa thì trách nhiệm chính thuộc về thương nhân nhập khẩu đầu mối xăng dầu, nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương trong việc yêu cầu giám sát thực hiện quy trình nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Lẽ ra nếu phát hiện có vấn đề về chiết khấu không đảm bảo thì cần đề xuất cơ chế, biện pháp bằng pháp luật để xử lý, phòng ngừa.
Cần nói thêm Bộ Công thương là đơn vị cấp phép nhập khẩu xăng dầu và có đầy đủ công cụ quản lý vấn đề này. Khi Bộ Công thương cấp phép cho một đơn vị nhập khẩu xăng dầu phải làm sao để chuỗi cung ứng đó luôn lưu thông, đưa hàng đến người tiêu dùng”.
Người viết cho rằng ở đây còn có trách nhiệm chính trị không thể thoái thác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Mặt khác nếu chấp nhận ‘hồi cứu’ trách nhiệm của vấn đề ‘cơ cấu nhân sự’, ở đây cũng cần xem lại trách nhiệm của Bộ Chính trị khi ‘giới thiệu’ ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng để Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 11, phê chuẩn theo thủ tục về việc ông làm Bộ trưởng Bộ Công thương. Và sau đó, ngày 28 tháng 7 năm 2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiếp tục phê chuẩn Nghị quyết bầu ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2021 – 2026.
1 comment
Bộ Chính Trị của đảng csVN cơ cấu đảng viên làm lãnh đạo trong hệ thống Chính Phủ, mà đa số là thành phần giỏi tham ô – biển thủ – tham nhũng – hối lộ – gian xảo nhưng bất tài và bất nhân. Đất nước bị tàn phá, người dân bị khốn đốn, là do bè đảng csVN này tạo ra, nhưng chúng luôn phủi tay – không hề nhận trách nhiệm về những sai trái do chúng gây ra.
Việc nói lấy được, bất kể là có hợp lý – hợp tình hay không, như luận điệu của đảng viên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thì người dân đã quá quen thuộc rồi. Thử hỏi, có đảng viên csVN nào không có bản chất ngụy biện – dối trá – gian tham và vô trách nhiệm? Người có lòng tự trọng và có lương tâm thì chắc chắn là họ đã rời xa bè đảng csVN từ lâu rồi.