Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư pháp độc lập và lời đề nghị của Thành ủy TP.HCM

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Văn phòng Thành ủy TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các quy định pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng bộ TP.HCM trong vụ án mà Văn phòng Thành ủy TP.HCM là đại diện chủ sở hữu.

Tại phiên xử vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm, Hội đồng xét xử đã triệu tập lần 2 nhưng Văn phòng Thành ủy TP.HCM có đơn xin xét xử vắng mặt.

Tóm tắt vụ án: bị cáo Tất Thành Cang – cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Trần Công Thiện – cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận – Công ty Tân Thuận, và 8 bị cáo đồng phạm liên quan sai phạm bán rẻ 2 dự án: khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, và Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, gây thiệt hại của nhà nước hơn 735 tỷ đồng.

Theo đơn trình bày, Văn phòng Thành ủy vắng mặt do có nhiều công việc quan trọng phải xử lý gấp. Văn phòng Thành ủy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các quy định pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng bộ TP.HCM trong vụ án mà Văn phòng Thành ủy là đại diện chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thành ủy kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét động cơ, hành vi của các bị cáo sai phạm do nôn nóng, hạn chế trong công việc; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khách quan, bảo đảm bản án công tâm, nhân văn.

Bị cáo Trần Công Thiện trình bày, tại thời điểm bị cáo về làm ở Công ty Tân Thuận và đến khi bị cách chức, không có văn bản nào thể hiện tài sản tại công ty là tài sản nhà nước.

Nguồn vốn của Công ty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM và thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ TP.HCM theo luật dân sự. Vì vậy bị cáo không phạm tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

“Đảng bộ TP.HCM thì tổ chức Đảng độc lập và cũng có pháp nhân độc lập với tổ chức nhà nước. Bị cáo nghĩ tài sản này không phải tài sản nhà nước. Mặt khác, căn cứ vào văn bản xác nhận của chủ sở hữu về toàn bộ chi phí dự án Phước Kiển, văn bản 1305 xác nhận chi phí bỏ ra đầu tư khu dân cư Ven Sông không có nguồn gốc nhà nước”, bị cáo Thiện khai.

Câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng bằng căn cứ pháp luật ở đây, đó là “tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ” có đồng nghĩa với “tài sản sở hữu Nhà nước” hay không? Và nếu đồng nghĩa, thì trách nhiệm quản lý tài sản này là Đảng bộ, hay Ủy ban chính quyền địa phương?

Tại phiên xét xử, Đại diện Viện Kiểm sát TP.HCM cho rằng, tài sản của Đảng bộ TP.HCM cũng là tài sản Nhà nước. Do vậy, khi doanh nghiệp quản lý, sử dụng các tài sản đó, ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai còn phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Lập luận của phía giữ quyền công tố xem ra sẽ mâu thuẫn với Nghị định số 165/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Theo Nghị định này, đối tượng áp dụng gồm: Văn phòng Trung ương Đảng; cơ quan của Đảng ở Trung ương là đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Văn phòng Tỉnh ủy); cơ quan của Đảng ở tỈnh ủy, thành ủy và Văn phòng huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy các huyện, quân, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tương đương (sau đây goi là Văn phòng huyện ủy) là đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc Văn phòng tỉnh ủy; Văn phòng huyện ủy là đơn vị dự toán thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; đơn vị sự nghiệp của Đảng ở Trung ương và địa phương; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị định nêu rõ nguồn hình thành tài sản tại cơ quan Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng gồm: Tài sản đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng Cộng sản Việt Nam; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ quỹ dự trữ của ngân sách Đảng và các nguồn kinh phí khác của Đảng; tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Đảng; tài sản được hình thành từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Như vậy chưa vội bàn tiếp, chỉ dừng lại ở đây cho thấy ý kiến của bị can Trần Công Thiện, và “đơn vắng mặt” của Thành ủy TP.HCM nêu ở trên là có căn cứ được dựa trên nguyên tắc trong một nền tư pháp độc lập, cần phải xem xét tình tiết có lợi nhất cho bị can, nếu như pháp luật chưa có sự rõ ràng trong trường hợp cáo buộc hành vi vi phạm nào đó.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giám đốc sở là lao động chịu sự điều chỉnh của luật gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chỉ có người bị tâm thần mới dám công khai chửi đảng(?!)

Do Van Tien

VNTB – Người lao động cần cơm gạo hơn

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo