Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng CSVN âm mưu ‘lãnh đạo’ các cộng đồng người Việt hải ngoại

Người Tân Định

 

(VNTB) – Với tiêu đề bài báo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài”, Đảng CSVN đang âm mưu thâu tóm các cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

Ông Phạm Quang Hiệu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong bài viết ngày 25/10 không che dấu ý đồ “Đảng [cộng sản VN] luôn xác định phương thức lãnh đạo phù hợp đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.” Kế hoạch của họ ra sao và liệu họ có thực hiện được ý đồ của họ?

Ông Phạm Quang Hiệu trước hết thú nhận thực trạng rã đám của các hội đoàn thân cộng hải ngoại. Ông nói:

“Sau năm 1975, … đất nước gặp nhiều khó khăn, … các hội Việt kiều yêu nước tìm cách thay đổi phương thức hoạt động, tiến hành đại hội đổi tên thành hội người Việt Nam để thu hút hội viên, mở rộng hoạt động. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, hoạt động của các tổ chức hội Việt kiều yêu nước chững lại và một số đi vào thoái trào.”

Đó là một đoạn trích trong bài viết của ông Phạm Quang Hiệu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên trang web tapchicongsan.org (1).

Trước năm 1975, các hội Việt kiều lúc đó có thể chia ra làm hai loại. Các hội ở các nước Đông Âu, Liên Bang Xô Viết và Trung quốc theo cộng sản và ở các nước phương Tây tự do.

Tổng quát về các Hội Việt Kiều thân cộng.

Việt Kiều tại các nước cộng sản Đông Âu, Trung quốc, Bắc Hàn, Cuba đều từ miền Bắc, hầu hết là đảng viên hay chí ít là đoàn viên thanh niên cộng sản dù họ là du học sinh hay công viên chức, họ quen nằm trong khuôn khổ của cộng sản, và hài lòng với việc bị chỉ đạo sát sao. Họ buộc phải gia nhập các hội Việt kiều tại địa phương. Các tòa đại sứ VN thành lập các chi bộ trong các hội VK để kiểm soát lẫn nhau, và họ rất thích kiểm soát lẫn nhau. Cộng sản bằng đủ cách bắt họ phải giữ sự trung thành với Đảng, thi hành răm rắp mệnh lệnh của Đảng.

Tại các nước phương Tây tự do, phần lớn người du học và kiều dân đến từ miền Nam VN. CS miền Bắc hết sức chiếm lấy sự ủng hộ của những người này. Họ thậm chí dám vẽ cả một thiên đường miền Bắc với vô số nhà máy công nghiệp nặng, thực phẩm dư thừa, đời sống vô cùng sung túc, và đang dồn sức giải phóng miền Nam lầm than dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ Ngụy để lừa bịp các sinh viên miền Nam thật thà, cả tin và chưa hề được trang bị một chút kinh nghiệm chính trị. Chính những hội Việt Kiều thân cộng, bị cộng sản chỉ huy, tại các nước phương Tây tự do này góp phần vào sự thất bại của miền Nam chứ không phải các hội Việt kiều tại các nước cộng sản.

Sau 1975. Cộng sản chiếm được miền Nam, nhưng đồng thời họ cũng không thể giữ được cái mặt nạ anh hùng, lương thiện, vì dân vì nước. Họ hiện nguyên hình dưới mắt người miền Nam một thứ lai căng dã man, tàn bạo, dối trá cộng sản. Hàng triệu người chạy trốn cộng sản, hàng ngàn người bỏ xác dưới biển, trong đó không thiếu người là cha mẹ, thân nhân của các hội viên các hội VK thân cộng tại phương tây. Những người còn sống sau những lần vượt biên vô cùng nguy hiểm, mạng sống như chỉ mành treo chuông, đến được các xứ tự do bị Đảng Cộng Sản bắn với theo hàng loạt đạn vô cùng tàn độc, họ bị gọi là bọn phản quốc, ôm chân ngoại bang, thèm muốn bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Trước sự thật trần truồng cho thấy bộ mặt của CS như thế, các hội viên hội VK Yêu Nước [sic!] tại các nước Tây Phương tỉnh ngộ, thấy mình bị mắc lừa nặng quá, họ tự ‘rã ngũ’ hàng loạt. Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Hiệu than thở, “Trước tình hình đó, các hội Việt kiều yêu nước tìm cách thay đổi phương thức hoạt động, tiến hành đại hội đổi tên thành hội Người Việt Nam để thu hút hội viên, mở rộng hoạt động.” Tuy nhiên mang vết thương bị dối trá, việt kiều thẳng tay tẩy chay các hội “Người Việt Nam” dù có thay tên đổi họ, núp dưới bất cứ hình thức nào, kiểu hoạt động nào.

Các hội Việt Kiều tại Pháp là một ví dụ về sự trí trá, đánh lận con đen của CSVN. Báo chí hay tài liệu của đảng úp úp mở mở viết các hội Việt Kiều Pháp đều được thành lập bởi người CS. Hội Liên Hiệp các Dân Tộc Thuộc Địa được cho là được thành lập bởi Nguyễn Tất Thành (2). Thật ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa thành lập năm 1919 bởi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường, và những người yêu nước từ các thuộc địa Pháp như Madagasca, Tunisie, Algerie. Hội này không dính đến cộng sản. Hồ Chí Minh gia nhập cộng sản năm 1920 tại đại hội Tours.

Năm 1930 Tổng hội sinh viên Đông Dương gồm thanh niên sinh viên yêu nước từng tranh đấu yêu cầu chính phủ Pháp không thi hành án tử hình 13 nhà yêu nước bị bắt trong vụ khởi nghĩa Yên Bái trong khi đảng CSVN không có bất cứ tiếng nói, hành động nào bênh vực cho Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông. Cộng sản VN chắc vui mừng vì đối thủ VNQDĐ của họ bị Pháp thanh toán. Những hội nhóm của những người yêu nước tại Pháp dù bị chính quyền đàn áp vẫn liên tục được thành lập, hoạt động bán bí mật, có nhũng lúc những người lãnh đạo các hội đoàn này bị bắt, trả về Saigon.

Mãi đến từ sau 1954, Hà Nội bí mật luồn vào các tổ chức nghề nghiệp của người Việt tại Pháp, họ cài cắm cán bộ đảng viên nắm các chức vụ trong hội. Hà nội dùng những khoản tiền rất lớn xây dựng và mua chuộc các thành viên trong các hội nhóm, đồng bào người Việt, đồng thời tuyên truyền dối trá về cuộc chiến tranh xâm lược Nam VN, quyến rũ được một số nhân sĩ trí thức, sinh viên yêu nước. Dù vậy, lúc đó các cộng đồng gồm những người yêu nước này nghiêng về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN (MTDTGPMNVN) hơn. Các cuộc hội họp hay mít-tinh, biểu tình của họ thường thấy là cờ của MTDTGPMNVN, vắng bóng lá cờ đỏ sao vàng.

Đỉnh cao ủng hộ Bắc Việt của các hội Việt Kiều tại Pháp là thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng rất mỉa mai, ngày sau khi cuộc chiến kết thúc, ngày 30 tháng 4 1975, dẫn đến thoái trào của các hội thân cộng này, kèm với sự ghê tởm của đồng bào Việt Nam tại Pháp khi cộng sản chiếm được miền Nam. Sự cai trị của CS tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đã phơi bầy sự giả dối, bất tài, bất nhân của cộng sản như đã nói trên. Nhiều người từng nhiệt tình ủng hộ CS trở lại chống cộng, điển hình như giáo sư NĐH.

Cũng tại Âu châu, Bỉ, nước láng giềng của Pháp hình thành những hội sinh viên quốc gia chống cộng rất tích cực.

Cho đến nay, nửa thế kỷ trôi qua, đảng CSVN tưởng rằng người Việt ngoài nước đã thay đổi và có cái nhìn thiện cảm hơn đối với họ qua một số thành tựu họ có được bởi sự trợ giúp quốc tế, họ mon men thành lập lại các hội Việt Kiều thân cộng; điều này khá dễ dàng trong các cộng đồng người Việt tại một số nước thuộc khối Liên Xô cũ, nơi đông người Việt có dây mơ rễ má từ trước với Cộng Sản Bắc Việt. Người tham gia các hội đoàn thân cộng này chủ yếu do có quan hệ buôn bán ở Việt Nam như tại Đức chẳng hạn. Hiện nay có khoảng 150 ngàn người Việt sống tại quốc gia này.

Ngoài một số cộng đồng, hội đoàn quốc gia chống cộng, có khoảng hơn 150 Hội đoàn linh tinh, bát nháo, có tiếng mà không hoạt động, hoặc chỉ nhóm họp ăn nhậu với nhau để gần gũi đồng hương như Hội Doanh nghiệp Việt Nam, Hội người Việt Berlin, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Berlin, Hội người Việt Nam ở Brandenburg, Hội Diên Hồng ở Rostock, Hội người Việt Nam ở Leipzig, Hội người Tràng An, Hội Người Hà Nội, Hội Thiện Từ Tâm Berlin, Hội đồng hương Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hội Kinh Bắc; Hội chợ Đồng Xuân. Hội hữu nghị Việt Nam-Đức, và Hội Người Việt Toàn Liên Bang Đức do Hà Nội đỡ đầu rất mong có những hội này làm vi cánh.

Các hội VK tại các nước cộng sản sống lâu hơn một chút sau năm 1975 dù phần nào thấy được sự dối trá của cha chú họ về miền Nam VN và thấy họ đang phải sống trong các xã hội cộng sản thua xa miền Nam VN, họ vẫn tự hào là ‘Người Thắng Cuộc’. Hơn thế họ lại bị kềm chế, lừa mỵ bởi cán bộ hội, tòa đại sứ và bộ ngoại giao, nhất là sợ ảnh hưởng đến tương lai chính trị, học hành, kinh tế của chính mình và của gia đình. Đến khi Liên xô sụp đổ, họ tan tác như lũ ong vỡ tổ. Kẻ nhanh chân sang Tây Đức, kẻ cố trụ lại các nước sở tại, xoay qua làm kinh tế, buôn hàng lậu, hàng xách tay, vứt cả lý tưởng và sự giả dối trung thành với cộng sản từ lúc nào.

“Các hội VK thoái trào từ đó” như ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Phạm Quang Hiệu nói ở trên.

Hội đoàn người Việt Quốc Gia

Nói chung, các hội đoàn chống cộng có từ trước 1975 tại hải ngoại phần lớn tập trung sinh viên du học, có lẽ ngoài Bỉ ra, đều rất mờ nhạt. Sinh viên quốc gia từ miền Nam VN đi du học hầu hết không được trang bị kiến thức chính trị, ngoài việc túi bụi học hành, họ ít chú ý đến tình hình chính trị, chiến tranh trong nước. Trong khi đó Hà Nội dành hết sức lôi kéo họ. Ngay cả trong các khuôn viên trường, đến các nhà riêng, Hà Nội tổ chức sinh viên sinh hoạt rất bài bản và dần kéo những người cả tin về phía mình. Chỉ đến sau năm 1975, khi hàng triệu người miền Nam di tản sang các nước thứ ba, đông nhất tại Hoa Kỳ, các hội đoàn VN chống cộng không do du học sinh lãnh đạo mới bắt đầu nở rộ.

Ngoài các tổ chức kháng chiến, đảng phái, hội đoàn tôn giáo không kể, người Việt tỵ nạn thành lập các cộng đồng tại quốc gia, địa phương họ sinh sống. Họ bầu ra những người có uy tín trong cộng đồng mà thường là nhân sĩ, trí thức, hay công chức họ từng biết tiếng làm lãnh đạo, các cộng đồng này hoạt động rất mạnh, chủ yếu là giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào hòa nhập cuộc sống mới. Hội nào cũng thu hút hầu như tất cả đồng hương đến họp mặt trong các ngày lễ, tết. Cựu Đại Sứ Nguyễn Bích Liên là một ví dụ về sự tận tụy với đồng bào. Ông bỏ tiền túi ra lo cho cộng đồng người Việt tại San Jose, California. Đến nay ít người còn nhớ những lớp dậy Việt ngữ đầu tiên, bảng chỉ dẫn tiếng Việt tại các công sở, nợi công cộng, trên các phương tiện chuyên chở công cộng là do vận động của ông với hội đồng thành phố.

Cao trào bùng nổ các hội đoàn từ ngày những cựu quân nhân VNCH được tiếp nhận vào Hoa Kỳ theo diện HO. Các hội cựu quân nhân, chiến sĩ, hội Cảnh Sát Quốc Gia, hội Cựu sinh viên Đà Lạt, Thủ Đức, Chiến Tranh Chính Trị, Hội Biệt động quân, Nhảy dù … thu hút toàn quân nhân các quân binh chủng liên quan. Bên cạnh đó các hội Hướng Đạo, hội Đồng Hương, hội Cựu sinh viên, học sinh trường này, trường khác, vân vân. Có thể nói không người Việt nào không ở trong ít nhất một tổ chức.

Cho đến nay, những người thế hệ thứ 1 ở ngoại quốc đã một phần quá vãng, một phần lớn tuổi, việc gánh vác trách nhiệm các hội đoàn chuyển xuống vai các hậu duệ. Một số các hội cựu quân nhân đã kịp có người thay thế lãnh đạo là con em hay thân hữu từng hoạt động tích cực cho hội.

Người trẻ, người rất trẻ cũng thành lập hội của họ. Tổ chức trẻ NextGen, một tập hợp người từ 15, 17 đến 23, 25 tuổi hoặc còn đang học trung học, hay đã tốt nghiệp đại học, có thành viên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm trẻ này không những hoạt động xã hội như dậy tiếng Anh cho người VN, hay người tỵ nạn, còn có những đóng góp rất đáng chú ý cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bênh vực nhân quyền, họ phanh phui, đấu tranh, báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN.

Các cộng đồng VN tại địa phương cũng thay đổi rất nhanh. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ (CĐNVQGHK), The Vietnamese American Community of USA, là một ví dụ.

Tháng 11 năm 2021, ban cựu lãnh đạo cộng đồng này đã đồng loạt xin từ chức, nhường trách nhiệm cho những người trẻ. Thành viên CĐNVQGHK này gồm các cộng đồng tiểu bang từ đông sang tây, từ Nam lên Bắc toàn Hoa Kỳ. Hội đồng Đại diện của CĐNVQGHK  có 60% nhân sự tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân, 40% cao học, và một số tiến sĩ, đa số có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quốc gia hay chính phủ Hoa Kỳ  ̣ Trọng tâm làm việc của cộng đồng là tích cực vạch rõ, lên án, và đấu tranh chống bạo quyền cộng sản, đẩy mạnh vận động Hoa Kỳ và thế giới giúp công việc chuyển hóa dân chủ, nhân quyền tại VN, kêu gọi giới trẻ tham gia và hỗ trợ họ trong các công tác phục vụ cộng đồng và tham gia vào chính trị giòng chính Hoa Kỳ.

Với tiêu đề bài báo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài”, đảng CSVN âm mưu thâu tóm các cộng đồng người Việt hải ngoại. Tất cả ý đồ của họ nằm trong bài viết của ông thứ trưởng ngoại giao. Hành động tiếp theo của họ là gì và liệu họ có thành công không?  Đó là nội dung bài tiếp theo của chúng tôi.

 

Tham khảo

(1)https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cac-hoi-doan-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai

(2)http://daidoanket.vn/hoi-nguoi-viet-nam-tai-phapket-noi-va-dong-hanh-cung-dan-toc-438785.html


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Những Vương Hậu dưới tay Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

VNTB – Đất đai tôn giáo và quyền tự do tôn giáo nhìn từ vụ phá chùa Thiên Quang

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB- Cờ đỏ – Cờ vàng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo