Việt Nam Thời Báo

VNTB – Còn độc đảng CS cai trị, VN không thể thu hút nhân tài

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Dù có một chiến lược tuyển dụng nhân tài, có thể là rập khuôn các nước tiên tiến, đến thế nào đi nữa, nhưng người tài còn bị đòi hỏi phải đạt được tiêu chuẩn hồng-trước, chuyên-sau thì cũng khó tìm, và nếu cố tìm và chấp nhận một vài người chỉ chuyên mà không cần hồng, thì những người đó không thể nào không bị tổ chức Đảng bên cạnh, bên trên để ý, nghi ngờ, kiểm soát tư tưởng, hành động.

 

Chiều 4/11, trong phiên chất vấn giữa Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Lê Thanh Vân, hai người, kẻ chất vấn, người trả lời tung hứng nhịp nhàng, ăn khớp những câu như “trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người, cũng là luật trị quốc”, và theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, “việc trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay và là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước.” Và rằng, sắp có chiến lược quốc gia thu hút nhân tài. Chiến lược của Đảng CSVN sắp có liệu thu hút nhân tài được không, và nếu được thì nhân tài có trụ lại đến cùng?

Cái gọi là chiến lược thu hút nhân tài đang được ĐCSVN nghiên cứu và sẽ đưa ra vào lúc nào đó hẳn là hệ quả từ sự thiếu vắng người tài giỏi trong bộ máy Đảng và chính quyền. Điều này bởi nhiều nguyên nhân, mà chính là Đảng và chính quyền không phải môi trường có thể dung nạp người tài.

Bà Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói việc trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay và là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đất nước nào, tổ chức nào cũng phải cần có người tài giỏi tham gia công việc, đâu gọi là truyền thống dân tộc. Nhưng nhân tài có tham gia và tham gia hết lòng còn tùy nhiều yếu tố mà do chính sách chọn nhân tài và người lãnh đạo là chính. Người xưa chọn nhân tài căn cứ vào tài, vào đức như Lê Lợi chọn Nguyễn Trãi, như Bảo Đại chọn Trần Trọng Kim. Suốt mấy ngàn năm theo lẽ thường là như vậy vừa hợp đạo lý, vừa hợp lý tưởng. Biết nhìn xa trông rộng, biết khiêm nhượng trọng người hiền tài, biết bao quát được toàn thể và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không vì một đảng phái, phe nhóm là tài của người lãnh đạo. Ngày nay đảng CSVN chọn người theo tiêu chuẩn vừa hồng vừa chuyên, nghĩa là vừa phải trung thành với Đảng vừa phải giỏi chuyên môn. Chủ thuyết cộng sản đã cho thấy những bất cập, lỗi thời đang trên đà phá sản. Chính TBT Trọng phải kêu lên hiện tượng ‘chán đảng, nhạt đoàn”. Tự thân Đảng đang bị đe dọa nghiêm trọng, tự chuyển hóa, tự diễn biến, chia rẽ trầm trọng; người tài hẳn là người nhìn xa trông rộng lẽ nào không biết chán ngán vũng lầy của đảng?

Bà Trà nói một điều bất cứ người có trí khôn nào ở VN cũng đều thấy từ lâu, mà chỉ có Đảng bây giờ mới thấy, là “Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích nhờ những nhân tài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore”. Những nước này đều là láng giềng, có văn hóa giống VN, tại sao họ làm nên kỳ tích? Tại sao đã gần nửa thế kỷ, sau khi chiếm được miền Nam với cơ sở vật chất lúc đó mà Singapore, Hàn Quốc thèm thuồng thì Đảng CSVN phá nát tất cả, tiếp theo là ì ạch kéo đất nước dậm chân tại chỗ? Thể chế cộng sản đã níu kéo tiến bộ của dân tộc. Sau năm 1975, bao nhiêu nhân tài miền Nam ở lại hy vọng cống hiến cho một VN độc lập lớp bị bạc đãi, lớp bị tống vào tù, lớp chùm chăn nằm một xó, lớp tìm đường vượt biên. Bao nhiêu trí thức học từ phương Tây vội về giúp nước cũng không chịu nổi phải ngậm ngùi ra đi. Không phải chỉ trong thời mông muội sau năm 1975, cho đến bây giờ, Đảng Cộng Sản còn khư khư giữ cách đối đãi với người tài tệ hại.

Nhật, Singapore, Đại Hàn đuợc như bây giờ, trước hết phải nói vì họ không bị chủ nghĩa cộng sản cuốn lấy chân và họ biết thu hút, duy trì, đãi ngộ, tưởng thưởng nhân sự tài giỏi tốt nhất bằng tính cạnh tranh. Singapore độc đảng, nhưng đó không phải đảng CS với những tệ hại của chủ thuyến Mác-Lê. Các nước tư bản tự do phương Tây cũng vậy. Cạnh tranh để có được những người tài giỏi  tốt nhất từ bất cứ nguồn nào là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một tổ chức, công ty, hay chính phủ. Đó cũng là nguồn củng cố sự vững chắc của tổ chức hay nhà nước, không phân biệt đảng phái.  Người tuyển dụng biết đãi ngộ người có khả năng thích ứng trách nhiệm được giao bằng chính sách, hợp đồng, giao kèo rõ ràng về quyền lợi của họ. Người tuyển dụng hiểu rằng thiếu người tài giỏi phục vụ tổ chức là nguy cơ sụt giảm khả năng, lợi nhuận của tổ chức. Không lạ gì khi các nhân viên cao cấp trong chính phủ hay công ty bị thay đổi vì một lúc nào đó họ có thể không còn đáp ứng trách nhiệm được kỳ vọng. Các cuộc thi công chức khó khăn, người ứng thí phải chứng tỏ họ có khả năng đáp ứng  bản mô tả công việc của tổ chức  rất chi tiết và phải trả lời cách đối phó hiệu quả. Các cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch là nguồn tin cậy cung cấp nhân tài từ trong người dân. Tuy nhiên người ta cũng có thể sử dụng nhân tài qua sự giới thiệu từ nguồn đáng tin cậy như qua các trường đại học, nhận sinh viên từ lúc chưa ra trường. Người ta loại trừ tuyển dụng ‘truyền thống’ theo kiểu xã hội chủ nghĩa VN nhất thân nhì ngân. Tại VN, một kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ ra trường, giỏi, dở không biết, nếu không có người đỡ đầu, không có tiền, và nhất là không “hồng” khó lọt vào Đảng, chính phủ.

Những lãnh đạo Đảng CSVN không biết rằng, không phải trong đầu chứa đầy lý thuyết cộng sản, không phải luôn miệng hô khẩu hiệu trung thành với đảng là có thể xây dựng được quốc gia. Trung thành với Đảng có lẽ chỉ tốt với Đảng mà không thích hợp  với quyền lợi dân tộc; không làm dân tộc, quốc gia tiến bộ. Những người biết lợi dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản làm giầu không phải là nhân tài, họ chỉ là đám khôn lỏi. Đảng CSVN chưa làm được điều gì làm giàu đất nước hơn việc một số nhà đầu tư bất động sản hiện đang làm. Cơ sở vật chất ở VN nhìn thấy ngày nay không được tạo ra bởi trí óc, khoa học, kỹ thuật mà bởi sự giúp đỡ của thế giới từ ngày VN chẳng đặng đừng phải chấp nhận mở cửa. VN có thể có những người thông minh, nhưng không dám đi trước; Cái vòng kim cô chủ thuyết CS chụp lên đầu họ, họ chạy theo chỉ thị, làm theo lệnh, mà lệnh lại từ những người hồng thì nhiều, chuyên không có gì. Những người lãnh đạo từ Đảng đến Nhà nước hồng hơn chuyên. Không có thống kê, nhưng nhìn, nghe các hành động, lời nói không khôn ngoan của các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và sự phát triển chậm chạp của quốc gia thì đánh giá được trình độ, trí thức của họ. Họ không có tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế, kỹ thuật, khoa học phù hợp tiến bộ thế giới và dân tộc.

Người tài giỏi, chuyên mà không hồng, không thể làm việc trong Đảng. Họa may họ có thể làm việc trong chính phủ với những vai trò không chủ chốt, không phải lãnh đạo, nhưng luôn luôn bị quan sát, theo dõi, kiểm soát, nghi ngờ của tổ chức đảng ủy bên trên họ và sự kỳ thị, ganh ghét những người đảng viên chung quanh. Người cộng sản luôn giữ miếng với nhau, sẵn sàng đấu tố nhau qua cái gọi là “phê và tự phê” chắc chắn không minh bạch với người không hồng, không phải đảng viên. Không thể xây dựng sự đoàn kết, thân hữu giữa người ngoài đảng với đảng viên nên dù thế nào hiệu quả làm việc sẽ không cao.

Tóm lại, dù có một chiến lược tuyển dụng nhân tài, có thể là rập khuôn các nước tiên tiến, đến thế nào đi nữa, nhưng người tài còn bị đòi hỏi phải đạt được tiêu chuẩn hồng-trước, chuyên-sau thì cũng khó tìm, và nếu cố tìm và chấp nhận một vài người chỉ chuyên mà không cần hồng, thì những người đó không thể nào không bị tổ chức đảng bên cạnh, bên trên để ý, nghi ngờ, kiểm soát tư tưởng, hành động. Nếu còn tổ chức đảng kiểm soát, nhân tài không thể thi triển tài năng, bị thui chột, què quặt, đui mù hay không cống hiến hết sức mình được.


 

Tin bài liên quan:

VNTB Chiến lược ‘lãnh đạo’ người Việt Nam ở nước ngoài của đảng CSVN

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đất đai tôn giáo và quyền tự do tôn giáo nhìn từ vụ phá chùa Thiên Quang

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Giấc mơ độc lập… chính trị

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo