Việt Nam Thời Báo

VNTB- Giới thiệu sách mới ‘Đường thi Quốc âm cổ bản’

Tôn Phi

(VNTB) – Sáng thứ tư ngày 08/02/2017, tại Bảo tàng Lịch sử Tp.HCM nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai tác giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông đã tổ chức giới thiệu cuốn sách mới của các anh: Đường thi Quốc âm cổ bản.



Cuốn sách được xuất bản vào tháng 1/2017, kịp có trước tết âm lịch cổ truyền Đinh Dậu. ” Con đường đi đến bản thảo rất chông gai, nhiều tủi hờn nữa”- tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tâm sự.  Bản thảo đầu tiên bị thất lạc, anh buộc phải làm lại gần như là từ đầu. Vì vậy tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rằng rất may mắn rằng đã tìm được người cộng sự : anh Trần Ngọc Đông, quê Sơn Tây. Anh là người hoài cổ, từ rất sớm đã có tình yêu quê hương và yêu mến những dòng chữ trong đình làng. Soạn giả Trần Ngọc Đông nhỏ hơn soạn giả Nguyễn Xuân Diện 14 tuổi, vốn là dân kỹ thuật, toàn bộ kiến thức Hán-Nôm đều là tự học, anh tâm sự. Nghe danh tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã lâu, từ thời Blog Yahoo và sau đó là mạng xã hội Facebook, hai anh em gặp nhau, đồng cảm và quý mến nhau.
Đường thi Quốc âm cổ bản bao gồm 6 bản. Từ trước đến nay chưa có ai dịch từ chữ Hán ra chữ Nôm một cách nguyên văn kèm theo bản phiên âm chữ quốc ngữ. Bản chữ Nôm, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói, là bản rất công phu. Việc nhập liệu chữ Nôm vào máy tính không hề đơn giản, biên tập viên phải làm việc tỉ mỉ. Bản thân việc chọn dịch chữ Nôm cũng là khó, bởi lẽ một âm tiếng Việt thôi đã có nhiều mặt chữ Nôm biểu thị, ngược lại một mặt chữ Nôm thôi cũng có nhiều cách phát âm. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết đôi khi gặp một chữ khó trong Đường thi Quốc âm thi tập, anh phải hỏi han các vị tiền bối và nhiều lúc chỉ vì một chữ Nôm thôi viện sĩ viện Hán Nôm đã phải họp nhau lại giống như một hội thảo. Sách phải ra trước tết nên có một vài sai sót: chữ “nhẹ” và chữ ” bờ”. Các tác giả mong muốn được góp ý để lần tái bản tới sẽ là hoàn hảo, chữ nào được sửa sẽ cho in mực đỏ để tri ân người đóng góp.

Anh Trần Bang đã đề cao tính dân tộc thấm đẫm trong cuốn sách, về cả thể thơ lẫn về ngôn từ. ” Một cách dân dã và đầy phong vị Việt của cha ông. Thác là thể phách, còn là tinh anh”, anh nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là viện sĩ viện Hán-Nôm. Anh đã xuất bản nhiều đầu sách về Hán Nôm, nổi bật là những sách viết về ca trù, đồng thời là tác giả thường xuyên trên tạp chí Hán-Nôm. Anh còn là chủ blog Chú Tễu, một trang blog nổi tiếng vạch mặt những bê bối trong giới học thuật Việt Nam.

Trong buổi giao lưu, các tri âm trong giới Hán Nôm đã tái ngộ. Các tác giả và thân hữu ngâm thơ Đường và ca trù trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán thính giả.

Buổi giới thiệu sách mang không khí cởi mở. Nhiều học giả, nhà báo của nhà nước lẫn các học giả, nhà báo tự do đã tới dự.

Tin bài liên quan:

VNTB- TSKH Phan Hồng Giang: Làm thế nào để chấn hưng đạo đức dân tộc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và nền học vấn miền Nam ngày trước

Phan Thanh Hung

Bác sỹ Việt Nam bị tố cáo hành nghề nạo phá thai ở Cam-pu-chia

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo