Thới Bình
(VNTB) – Luôn có chữ ký phê duyệt của người chịu trách nhiệm, đồng thời kèm theo còn là biên bản ghi nhận quyết định phê chọn mẫu của một hội đồng tương ứng.
Pa-nô cổ động chính trị ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có hình cờ Trung Quốc.
Cụ thể phông nền tấm pa-nô được chia sẻ gây xôn xao trên mạng xã hội trên đầu ghi tên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, bên dưới là Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh. Phía dưới là Chào mừng 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2022); 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2022); 50 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (12-1972 – 12-2022).
Góc bên trái tấm pa-nô in nền lá cờ Trung Quốc rất rõ ràng.
“Sau khi nắm bắt thông tin, ngay trong sáng 20-12, nhà trường đã họp ban giám hiệu, xác minh sự việc. Chúng tôi đang điều tra ai là người gắn pa-nô đầu tiên để có kết luận chính xác và có hướng xử lý” – GS.TS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nói với báo chí như vậy.
Thực tế thì để có một tấm pa-nô cổ động chính trị, hay pa-nô tuyên truyền, quảng cáo thương mại gì đó, tất cả đều đòi hỏi quy trình thủ tục chặt chẽ theo Luật Quảng cáo.
Cổ động chính trị là từ ghép giữa hoạt động cổ động với hoạt động chính trị. Sử dụng loại hình pa-nô được gọi là cổ động trực quan phục vụ cho các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước…
Cụ thể với pa-nô cổ động chính trị của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã vi phạm “Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo” được quy định tại Điều 8 của Luật Quảng cáo, đó là “Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Việc thiết kế nội dung, hình ảnh để in ấn và thi công trên pa-nô phục vụ chủ đề cổ động chính trị nào đó, khi được chọn và quyết định thực hiện thì luôn có chữ ký phê duyệt của người chịu trách nhiệm, đồng thời kèm theo còn là biên bản ghi nhận quyết định phê chọn mẫu của một hội đồng tương ứng.
Bản in mẫu thu nhỏ đầu tiên trên bạt “Hiflex” (Hiflex là loại vật liệu thông dụng trong ngành in ấn quảng cáo. Đây là chất liệu in ấn được làm từ nhựa PVC, có màu trắng sữa, khổ in lớn và sử dụng được ngoài trời cho mục đích trang trí quảng cáo) về mẫu thiết kế được phê duyệt, một lần nữa lại được “trình” người ký phê duyệt quyết định chọn mẫu này để phối kiểm về nội dung, độ sắc của các mảng màu.
Khi có chữ ký phê duyệt trên mẫu in thử, thì bên thi công bắt đầu in bạt có nội dung phù hợp kích cỡ pa-nô.
Lúc nghiệm thu dự án về pa-nô cổ động chính trị này, một lần nữa lại có biên bản của hội đồng với chữ ký của những người chịu trách nhiệm thực hiện. Thường thì chi phí cho một dự án pa-nô cổ động chính trị, chưa tính phần thuê trụ, nếu chọn loại bạt dày, không xuyên đèn (tức khi ánh nắng rọi vào sẽ không thấy khung sắt bên trong của nội dung pa-nô), thì giá cả bao gồm thiết kế cũng phải từ hàng chục triệu đến trăm triệu tùy vào kích cỡ, độ cao của pa-nô đó.
Định dạng file xuất để in thường là “.tiff”. File này được lưu trữ ở hai nơi: phía thiết kế, và bên phê duyệt mẫu. Khi thanh toán cho dự án pa-nô cổ động chính trị, phía kế toán sẽ so sánh chi tiết những nội dung này để chi trả.
Như vậy nhìn chung về mọi phương diện sẽ không có chuyện bên thiết kế tự ý thay đổi nội dung, và bên nghiệm thu khó thể tắc trách đến mức không quan sát nội dung của pa-nô cổ động chính trị, vì giá trị tiền bạc của một pa-nô thường là khá lớn.
Từ góc nhìn mang tính thủ tục như trên, cho thấy sẽ càng thêm khó hiểu khi chiều 20-12, hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác hai cán bộ nhà trường liên quan đến vụ việc trên, là ông Trịnh Mạnh Hùng – phó chủ nhiệm khoa giáo dục quốc phòng và an ninh, và ông Ngô Văn Công – nhân viên phòng quản trị B.
Lý do tạm đình chỉ là tự ý làm pa-nô khi không được sự đồng ý của ban giám hiệu và chủ nhiệm khoa, hình thức của pa-nô có hình ảnh không phù hợp.