Sự thay đổi bất thường trong các chức vụ cao nhất của chính phủ Việt Nam khiến những nhà quan sát nghi ngờ về cuộc chiến chống tham nhũng và sự bất ổn trong chính trường quốc gia Đông Nam Á
Chính trường Việt Nam trong những ngày qua chứng kiến một sự cải tổ quyền lực chưa từng có tiền lệ khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “từ chức” không lâu sau khi hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, phải rời chức vụ giữa nhiệm kỳ.
Trong mắt cộng đồng quốc tế, cả ba ông đều được xem là những nhà lãnh đạo hiện đại và hướng đến các giá trị cởi mở của phương Tây. Mặc dù chính quyền Việt Nam không đưa ra lý do trực tiếp cho việc từ chức của ông Phúc và việc bãi nhiệm ông Minh và ông Đam, nhưng những động thái này diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng “không có vùng xám” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt đang ngày càng mở rộng tới nhiều bộ ngành của chính phủ.
Ông Phúc, người từng làm thủ tướng một nhiệm kỳ trước khi trở thành chủ tịch nước sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản đầu năm 2021, bị cho là phải “chịu trách nhiệm chính trị” khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai đồng chí phó thủ tướng và ba bộ trưởng “có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.” Trong khi đó, 2 Phó Thủ tướng Minh và Đam được Quốc hội cho bãi nhiệm khi hai đại án đưa, nhận hối lộ trong thời gian đại dịch liên quan đến Bộ Ngoại giao mà ông Minh từng dẫn dắt khi làm bộ trưởng, và bộ Y tế khi ông Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, đang được mở rộng điều tra.
‘Cuộc chơi quyền lực’
Nhưng theo nhận định của một nhà phân tích chính trị và an ninh hàng đầu về Đông Nam Á, sự trừng phạt mang tên “chống tham nhũng” của Việt Nam hoàn toàn là một “cuộc chơi quyền lực.”
“Nhiều người nghĩ rằng nó có liên quan đến các hoạt động chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ nói. “Tôi không đồng ý và cho rằng việc này liên quan rất nhiều đến việc củng cố quyền lực chính trị và loại bỏ đối thủ chính trị.”
Theo nhận định của ông Abuza, tác giả cuốn sách “Chính trị đổi mới ở Việt Nam đương đại”, ông Minh và ông Đam, đều từng du học ở nước ngoài, được biết tiếng là những người “trong sạch”. Vị giáo sư này cũng cho rằng ông Phúc “đóng một vai trò vô cùng quan trọng” việc điều hành đất nước trong thời gian đại dịch khi ông làm thủ tướng chính phủ.
“Tôi thực sự lo ngại rằng họ đang loại bỏ đi cùng một lúc ba trong số những nhà kỹ trị có năng lực nhất ở trong nước,” GS Abuza nói.
Từ trong nước, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, cũng cho rằng việc ông Phúc từ chức, mà nhà nghiên cứu này cho là bị “ép buộc”, và việc hai Phó Thủ tướng Minh và Đam bị bãi nhiệm là “đáng tiếc” khi không có bằng chứng gì được đưa ra cho thấy họ có liên quan đến tham nhũng.
Theo TS Hợp, đồng tác giả cuốn sách về chống tham nhũng “Tội phạm tài chính trong hội nhập”, những thay đổi về lãnh đạo ở Việt Nam có thể được nhìn từ các góc độ rằng liệu “họ có thật lòng chống tham nhũng” hay là sự “cắn xé nhau trong nội bộ vì quyền lực.”
“(Tôi) thấy rằng tương quan cắn xé nhau để dành quyền lực theo lối (của Chủ tịch) Tập Cận Bình ở Trung Quốc là rất rõ,” TS Hợp nói.
Cuộc chiến chống tham nhũng, còn được gọi là “đốt lò”, của ông Trọng thường được so sánh với chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập, trong đó nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị xử án và bỏ tù vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Cũng giống như ông Tập, ông Trọng đang lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ 3 liên tiếp chưa từng có tiền lệ.
Đưa ra lý do nghi ngờ về việc ông Phúc phải từ chức vì liên quan đến các sai phạm tham nhũng, GS Abuza nói rằng vị cựu thủ tướng-chủ tịch nước này chưa từng có vụ bê bối cá nhân nào bị phanh phui ra như Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi được thấy ăn bò dát vàng tại một nhà hàng sang trọng ở London của Anh sau khi thăm tượng đài Karl Marx, biểu tượng của chủ nghĩa xã hội. Theo vị giáo sư này, ông Lâm, người đã lấy được sự tín nhiệm của ông Trọng trong việc thực hiện các cuộc điều tra tham nhũng và sẽ hết nhiệm kỳ bộ trưởng Công an vào tháng 4, là một trong những ứng viên có thể thay thế cho ông Phúc trên cương vị chủ tịch nước.
“Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải rất thận trọng khi nhìn vào những nỗ lực chống tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi mà chống tham nhũng thực sự là một cách để nhắm đến các đối thủ chính trị,” GS Abuza nói. “Nó được vũ khí hóa hoàn toàn để theo đuổi các nhóm đối lập.”
Trước khi ông Phúc và hai phó thủ tướng bị ‘ngã ngựa giữa dòng,’ đã có gần một chục bộ trưởng bị khởi tố và bắt giam liên quan đến các đại án tham nhũng gần đây, gồm các chuyến bay “giải cứu” và kít xét nghiệm Việt Á. Có đến 10 ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, một con số chưa từng thấy trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị “dính chàm”.
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân trong nước, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng được hoan nghênh khi đưa nhiều quan chức cấp cao, như cựu Ủy viên Trung ương Đảng Đinh La Thăng ra trước vành móng ngựa. Đảng Cộng sản cho biết vào năm ngoái, 539 đảng viên đã bị truy tố hoặc “kỷ luật” vì tham nhũng và “cố ý làm trái”, bao gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao và nhà ngoại giao, trong khi công an điều tra 453 vụ tham nhũng, tăng 50% so với năm 2021.
‘Các nhà đầu tư lo ngại’
Việc ông Phúc, ông Minh và ông Đam cùng bị “cho về vườn” là một điều đáng tiếc cho Việt Nam, theo các nhà quan sát, vì họ cho rằng những nhà lãnh đạo này đã giúp Việt Nam mở rộng quan hệ với các chính phủ phương Tây và phát triển kinh tế thông qua thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.
Ông Phúc được xem là đã giúp cải thiện đáng kể mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Liên minh châu Âu trên cương vị thủ tướng. Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam được ký kết dưới thời ông Phúc làm thủ tướng, và chính trị gia 68 tuổi, người thường biểu hiện thân mật khi tiếp xúc với các lãnh đạo phương Tây, được xem là một trong số những lãnh đạo đáng tin cậy nhất của Việt Nam đối với các nhà ngoại giao và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Hunter Marston, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Úc, ông Phúc đã làm giúp sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ và được xem là một người “theo Mỹ”. Ông Phúc đã gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng năm 2017 và, theo nhà nghiên cứu Marston nhận định trên Twitter, ông đã giúp Hà Nội vượt qua giai đoạn khó khăn trong quan hệ song phương với một vị tổng thống từng cho Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ.
Còn ông Minh và ông Đam, theo nhận định của GS Abuza, đều là những người nhà quản lý có khả năng và đóng vai trò trung tâm trong việc ứng phó với COVID-19 của Việt Nam được thế giới ca ngợi.
Mặc dù kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt, đạt 8% như chính phủ cho biết, nhưng theo các nhà quan sát, việc ông Phúc, ông Minh và ông Đam, những người có hình ảnh đáng tin cậy đối với phương Tây, sẽ bị thay thế bởi những người ít có kinh nghiệm dù trung thành với Đảng, có thể khiến quốc gia Đông Nam Á gặp khó khăn.
“(Việt Nam) đang hưởng lợi từ việc các quốc gia láng giềng có nhiều bất ổn chính trị, như Malaysia, Thái Lan hay Myanmar, do đó Việt Nam không cần phải làm nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài,” GS Abuza nói. “Nhưng nếu nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái thì Việt Nam sẽ thực sự bị nguy hại vì họ sẽ không có những nhà lãnh đạo giỏi mà chỉ có những lãnh đạo thiếu kinh nghiệm.”
Tương tự, TS Hợp cũng cho rằng sự thay đổi trong thượng tầng kiến trúc chính trị của Việt Nam mà “không ai dự đoán được” đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.
“Những nhà đầu tư lớn phụ thuộc vào các điều kiện chính trị đã hỏi liệu chính sách của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài có thay đổi không?,” TS Hợp, người tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, cho biết. “Họ lo ngại và một số nhà đầu tư quan trọng nói rằng họ phải xem xét thay đổi cơ cấu đầu tư và quan hệ kinh tế đối với Việt Nam.”
So sánh với Nhật Bản, dù cho rằng quốc gia này đã thay đổi thủ tướng nhiều lần trong vài năm qua, nhưng TS Hợp nói rằng quy trình bầu chọn minh bạch và không có sự “cắn xé nhau về quyền lực.”
“Trong khi ở Việt Nam khó thấy được ai đúng ai sai, ai sạch hơn ai, vì sao họ lại ngồi (ở cương vị) đấy?,” TS Hợp nói, khi muốn ám chỉ đến việc Đảng không đưa ra nguyên nhân trực tiếp cho việc ông Phúc từ chức và hai phó thủ tướng bị miễn nhiệm. “Đó là sự không ổn định về chính trị.”
Trích dẫn các nguồn tin từ trong nước, GS Abuza cho rằng sẽ còn một làn sóng điều tra chống tham nhũng bị chính trị hóa và bắt bớ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Abuza, cũng nói rằng việc đấu đá nội bộ sẽ tiếp tục leo thang khi các phe phái giành vị trí trước khi nhiệm kỳ thứ 3 và cũng là cuối cùng của ông Trọng kết thúc vào tháng 1/2026. Theo ông, Việt Nam có thể cần một sân chơi mới để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.