Vnexpress
Đại diện cơ quan công tố cho rằng, có đủ cơ sở quy kết Đạt và các bị cáo khác phạm tội nên đề nghị tử hình vì tội Tham ô 260 tỷ đồng.
Chiều nay, sau hơn hai ngày thẩm vấn, đại diện VKS đã đề nghị mức án với các bị cáo trong đại án tham ô 260 tỷ đồng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines.
Theo đó, VKS đề nghị tuyên phạt Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Vinashinlines) tử hình tội Tham ô. Cùng tội danh với Đạt, VKS đề nghị phạt Trần Văn Liêm (cựu tổng giám đốc Vinashinlines) tù chung thân, Trần Văn Khương (cựu kế toán trưởng Vinashinlines) 20 năm tù. Với tội danh Rửa tiền, VKS đề nghị tuyên phạt ông Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) 8-9 năm tù.
VKS khẳng định, bản cáo trạng truy tố Khương, Liêm, Đạt tội Tham ô, ông Hiển tội Rửa tiền là có cơ sở và đánh giá, đây là vụ án nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Các bị cáo có chức vụ, hành vi đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
VKS đã đề nghị mức án với các bị cáo.
|
Tại phiên toà, VKS thấy các bị cáo không thừa nhận hành vi, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó ở cơ quan điều tra. VKS nêu quan điểm, qua việc mua tàu và cho đối tác thuê tàu, các bị cáo đã chiếm đoạt 260 tỷ đồng của Vinashinlines.
Trong đó, Trần Văn Liêm, ngoài 150.000 USD Đạt đưa, số tài sản là căn hộ ở TP HCM, mảnh đất tại Nha Trang (Khánh Hoà) và chiếc Mercedes VKS xác định do chiếm đoạt mà có.
Về việc tại toà, Đạt khai số tiền 260 tỷ đồng do công môi giới có được, VKS cho rằng không có cơ sở. Đạt là cán bộ của Vinashinlines, được giao nhiệm vụ mua tàu. Số tiền chuyển về tài khoản của ông Hiển là do chênh lệch hoa hồng từ các thương vụ mua tàu.
Hành vi đồng phạm của ông Trần Văn Khương, thể hiện nhận 3 lần tổng số tiền 110.000 USD từ ông Trần Văn Liêm. Khi nhận tiền, ông Khương biết rõ đó là do mua tàu. Tuy nhiên, Khương không đưa tiền vào sổ sách công ty.
Với bị cáo Giang Văn Hiển, tại toà phủ nhận toàn bộ lời khai của con trai, cho rằng đó là tiền sạch kiếm được từ môi giới. Tuy nhiên, lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy, khi mở tài khoản ông Hiển tường trình do con trai nhờ để gửi tiền. Trước khi gửi tiền, Đạt đều nói với bố. VKS cho hay, có bút lục, Hiển thừa nhận hành vi, và đề nghị được kê biên tài sản, để khắc phục.
Để che giấu số tiền bất hợp pháp, ông Hiển đã mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Ông Hiển đã rút ra để chuyển cho con trai và mua nhiều bất động sản. Giang Văn Hiển, mở 22 tài khoản, 92 lần nhận tiền, gần 16 triệu USD. Theo cáo buộc, ông Hiển đã sử dụng tiền của con trai mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô tô. VKS cho rằng, bị cáo nhận thức được số tiền công ty nước ngoài chuyển vào tài khoản của mình.
VKS nêu cụ thể hành vi của các bị cáo, trong đó từ năm 2006-2008, Liêm điều hành Vinashinlines, chỉ đạo Đạt, thống nhất tiền hoa hồng, chênh lệch giá mua tàu, cho thuê tàu. Giang Kim Đạt, từ 2006-2008, với chức vụ được giao đã trực tiếp tham mưu, tìm kiếm đối tác mua tàu, cho thuê tàu, lợi dụng chức vụ thông qua công ty môi giới, thuê 9 tàu đã chiếm đoạt là 260 tỷ đồng. Bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho Vinashinlines hơn 249 tỷ đồng. Trần Văn Khương, bị cáo biết rõ khoản tiền Liêm đưa là hoa hồng chênh lệch giá từ việc mua tàu nhưng không đưa vào sổ sách, hạch toán tài chính.
Phiên toà tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho 4 bị cáo.
Việt Dũng