Lynn Huỳnh
(VNTB) – Luật chưa ghi cụ thể về những hành vi mua bán bào thai hay là mang thai hộ.
Những đường dây buôn người luôn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng vào cái gọi là “mang thai hộ” đưa các thai phụ ra nước ngoài bán bào thai.
Một hành vi phi đạo đức, xâm hại đến các cháu bé ngay từ trong bụng mẹ. Thế nhưng theo cơ quan công an, việc xử lý hình sự những đối tượng trên đang gặp những khó khăn, vì luật chưa ghi cụ thể về những hành vi mua bán bào thai hay là mang thai hộ.
Pháp luật dân sự nói gì về “thai nhi”?
Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của thai nhi.
Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 593 của Bộ luật dân sự quy định: “Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân”; thời điểm được hưởng tiền cấp dưỡng đối với con đã thành thai của người chết được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống theo quy định của khoản 3 Điều này.
Điều 613 của Bộ luật dân sự cũng chỉ rõ quyền lợi của thai nhi khi quy định người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Như vậy, nếu thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản chết, sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì thỏa mãn điều kiện được nhận thừa kế.
Tương tự, đối với trường hợp di tặng quy định tại Điều 646 của Bộ luật dân sự: “Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 660 Bộ luật dân sự quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng”. Như vậy, trong trường hợp phân chia di sản, dù chưa sinh ra nhưng thai nhi vẫn được dành phần di sản và thụ hưởng khi được sinh ra.
Nếu mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xem là hợp pháp trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xem là phạm tội tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Pháp luật hình sự cần được tu chỉnh
Thai nhi có được coi là con người/ trẻ em hay không? Đây là một câu hỏi đến nay chưa có lời giải rõ ràng ở Việt Nam.
Việt Nam, về mặt pháp lý, thai nhi không được xem là một con người cho đến khi sinh ra và còn sống. Chính vì vậy mà hành vi phá thai, đe dọa, dùng vũ lực ép buộc hoặc tiếp tay cho hành vi phá thai không bị coi là hành vi giết người. Mua bán thai nhi cũng là tương tự trong cách hiểu về quyền con người.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại có rất nhiều quy định gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người. Như vậy, ngay bản thân quy định pháp luật Việt Nam còn có những điểm chưa nhất quán về vấn đề này.
Đơn cử, cơ sở pháp lý thừa nhận việc nạo, phá thai (không thừa nhận quyền sống của thai nhi, không coi hành vi nạo, phá thai là hành vi giết người)
Theo quy định tại Điều 316:
“1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Làm chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61 % trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121 %; d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Những văn bản vừa nêu mang tính pháp lý cao nhất quy định về nghĩa vụ pháp lý đối với vấn đề phá thai trái phép, tuy nhiên có thể thấy rõ việc xử lý trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng khi hành vi đó “gây thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.
Như vậy, chủ thể chịu sự điều chỉnh ở đây một bên là người thực hiện phá thai trái phép và một bên người mang thai. Trong khi đó, theo quan điểm cá nhân của người viết, chủ thể quan trọng nhất trong mối quan hệ nêu trên là thai nhi, lại hoàn toàn chưa đề cập tới.
Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật không quy định việc phá thai hợp pháp, nhưng với quy định trên vô hình trung đã thừa nhận có hành vi phá thai hợp pháp.
Pháp luật hình sự ở Việt Nam đang cần đến một nội dung của tu chỉnh.
1 comment
Rất hay . Ở bên Mỹ này đã có những tranh luận về pháp lý bao quanh bào thai cho mục đích chống & ủng hộ phá thai . Có vẻ tác giả nghiêng về phía bào thai là thứ cần được pháp lý bảo vệ, aka những người, bên này gọi là, phe bảo thủ, ủng hộ Tổng thống Trump