Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nghiện game đến mức phải đi bệnh viện tâm thần

Hoài An

(VNTB) – Thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) cho thấy có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game, internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.

 

Nhân danh lợi ích của số hóa, nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền về các tiện ích thủ tục hành chính được cài đặt trên điện thoại di động có kết nối mạng internet.

Từ khuyến khích trên đưa đến ngờ vực của hệ lụy “nghiện internet”, trong đó riêng giới trẻ được ghi nhận là “nghiện” đến mức phải điều trị ở bệnh viện tâm thần.

Nghiện game online khiến thanh thiếu niên không kiểm soát được hành vi chơi game của mình, luôn bị thôi thúc bởi ham muốn được chơi khi tham gia hoạt động khác.

Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách nên nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.

Thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) cho thấy có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game, internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo…

Theo các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, nghiện game là khi “người chơi” chơi game một cách cưỡng bức, bỏ qua các sở thích khác; hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng.

Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến suy giảm về kết qủa học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt dứt, cáu gắt…

Ngoài ra, sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân người trẻ nghiện game là do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng hoặc do sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Khi nghiện người bệnh chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Nhiều trường hợp cảm thấy sự yếu kém của bản thân do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng. Các bạn trẻ sẽ khẳng định bản thân ở thế giới ảo.

Với bệnh nghiện game online, bên cạnh việc sử dụng thuốc, các liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý và điện trị liệu sẽ giúp cải thiện tâm lý và hành vi của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nghiện internet, game online thường kéo theo rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… khiến việc điều trị phức tạp, kéo dài và khả năng tái nghiện cao.

Bàn luận quanh chuyện nghiện game, có ý kiến cần lưu tâm đến việc lạm dụng điện thoại di động có chức năng kết nối sóng wifi không dây.

Hơn chục năm trở lại đây, phụ huynh ở các thành phố, trong đó có TP.HCM, hầu hết học sinh đã được bố mẹ sắm cho điện thoại di động để tiện liên lạc, nhiều học sinh dùng ‘smartphone’.

Và theo một khảo sát bỏ túi của người viết bài này, không ít ý kiến cho rằng dùng điện thoại thông minh trong giờ học “thì dám chắc quá nửa học sinh không cần học bài, ghi âm, tra đáp án, trả lời… mà chơi game và chat chít, lên ‘phây’.  Ghi chép bằng bút và vở là cách để học sinh có thể ghi nhớ, hiểu bài tại lớp và về nhà xem lại, làm các nội dung chưa hiểu. Dùng điện thoại thì không chỉ giáo viên mà cha mẹ cũng sẽ mất khả năng kiểm soát và học sinh sẽ lười tư duy, lười nghe giảng, chỉ chăm chăm tìm đáp án, copy, cắt dán…”.

Thế nhưng để trả lời thắc mắc, liệu có phải việc ‘lạm dụng’ điện thoại di động có kết nối internet là một trong những ‘xúc tác’ đưa đến việc nghiện game hay không, thì cần các khảo sát khoa học.

Và kết quả có từ khảo sát này còn giúp chính phủ Việt Nam điều chỉnh những chiến lược, sách lược phù hợp trong các yêu cầu “chuyển đổi số”, và cả việc dự kiến “tắt sóng 2G”, tức buộc mọi người phải tiến đến sử dụng điện thoại ‘smartphone’ cho khai thác các dịch vụ internet 5G mà chính phủ Việt Nam đang dồn sức đầu tư.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cổ súy nhảy lầu tự tử?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: đi chích ngừa, hãy dè chừng vắc xin của Tàu

Phan Thanh Hung

VNTB – Con dao hai lưỡi đó ông Tự Do à…

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo