Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ổn định trong chính sách giáo dục, tránh niên học nào cũng bất an

Mai Lan

 

(VNTB) – Ông Vương Đình Huệ đưa ra yêu cầu cần phải có bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn với kinh phí được lấy từ ngân sách quốc gia.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không tin rằng sách giáo khoa chỉ là… học liệu (!?) để có thể tư nhân tham gia biên soạn.

Ông Vương Đình Huệ đưa ra yêu cầu cần phải có bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn với kinh phí được lấy từ ngân sách quốc gia. Yêu cầu này của ông Huệ cho thấy một lần nữa, giáo dục tiếp tục tạo sự bất an, khi các cấp quản lý dường như vẫn lúng túng trong vấn đề trao quyền tự chủ học thuật trong chuyện soạn các bộ sách giáo khoa.

Nhà nước phải giữ độc quyền về học thuật

Tại phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, về vai trò của sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng sách giáo khoa chỉ là học liệu, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội không đồng ý. Ông cho rằng không thể nói người dạy muốn dạy gì thì dạy được.

“Đương nhiên sách giáo khoa có tốt đến mấy cũng không thể thay được cho người thầy, nhưng từ chương trình mới ra sách giáo khoa… Bộ sách giáo khoa quy định về nội dung, thể chế cái cốt lõi nhất của chương trình”, ông Vương Đình Huệ diễn giải cho việc định hướng chính trị mang tính bắt buộc của nội dung sách giáo khoa khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường chủ động lựa chọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói rằng Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đến năm 2020 Quốc hội ra Nghị quyết 122, có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.

Lý do trong báo cáo của Chính phủ có nêu chủ yếu là do vốn của World Bank – vốn tài trợ nước ngoài cho nên không tổ chức đấu thầu để chọn người biên soạn được.

Ông Vinh nêu rõ quan điểm của đoàn giám sát cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh là đúng rồi, nhưng chương trình chỉ quy định là khung kiến thức. Còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa. Vì vậy, nếu bộ, Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay sẽ chỉ là người thẩm định được nội dung đó có phù hợp hay không, nhưng trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung đó thực hiện có được không, nếu với cách biên soạn như thế này.

“Liệu có thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức biên soạn nội dung hay không hoặc chuẩn bị nội dung không? Vì trong đề nghị của đoàn đã đưa ra một phương án mang tính rất mở là chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa.

Chúng tôi kiến nghị trong tổng thể nếu Nhà nước nắm giữ nội dung của bộ sách giáo khoa nào hay quyển sách giáo khoa nào và tiền này chi từ ngân sách nhà nước thì nên miễn phí cho người dân. Tức là không cho phép tính giá bản quyền biên soạn sách vào trong giá sách giáo khoa. Đó sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm giá sách giáo khoa”, ông Vinh diễn giải.

Giáo viên phải được quyền tự do lựa chọn học liệu

Phản biện lại các lập luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, “Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa – tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?”.

Ông nêu thêm trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?

Ông nói thêm nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo Dục – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước – đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung nghị quyết 122/2020 của Quốc hội cho phép bộ chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.

“Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề”, ông Sơn biện giải.

Giá bán lẻ sách giáo khoa là nguyên nhân?

Phía đoàn giám sát về sách giáo khoa của Quốc hội đã đưa ra bốn ý kiến như sau:

Thứ nhất là đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách hiện nay. Vì mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao.

Thứ hai, cần đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh khuyết tật. Từ đó tính toán đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của việc bố trí ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cấp cho các thư viện trường học dùng chung.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ đánh giá về việc tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ tư, đánh giá chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Việc áp dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau cho từng môn học ở một cơ sở giáo dục có thực sự cần thiết không. Ngoài ra xem xét tính cần thiết trong sửa đổi quy định để thống nhất việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng tới để quyền lựa chọn sách giáo khoa của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Báo cáo giám sát cũng đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Thay lời kết

Đồng ý là Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng ở đây dù là lựa chọn con đường thể chế nào thì vẫn cần đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt.

Một loạt động thái thiếu nhất quán và lúng túng trong điều hành chính sách, không phải riêng một ngành mà diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau thời gian qua cho thấy thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của các bộ ngành tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm ở thế chế độc quyền chính trị hiện tại mà Hà Nội theo đuổi.


Tin bài liên quan:

VNTB – Học phí đại học: không tiện tiết lộ!

Do Van Tien

VNTB – Thi trắc nghiệm có làm ‘cùn’ đi diễn đạt?

Do Van Tien

VNTB – Bạo lực học đương: hai năm trôi qua, vẫn chưa giảm được

Do Van Tien

1 comment

Minh 16.08.2023 11:47 at 11:47

Nên để mọi tổ chức cá nhân, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, được quyền biên soạn sách giáo khoa.nhà nước sẽ thẩm định,chọn lọc,chọn bộ giáo khoa có chương trình phù hợp cho năm học đó(có thể cho dài hạn nếu tốt).sau khi thẩm định,thống nhất chọn,nhà nước sẽ dùng nguồn ngân sách để mua và phát miễn phí cho học sinh.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo