Phạm Lê Đoan
(VNTB) – 78% rừng Tây Nguyên mất đi là do chuyển đổi mục đích sử dụng
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng vụ khủng bố Đắk Lắk là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá.
Ngày 6-9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, thượng tướng Trần Quốc Tỏ – thứ trưởng Bộ Công an – cho rằng vụ việc khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk là một việc đáng tiếc. “Đây có thể coi là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần do sơ suất”, ông Tỏ nói.
Với tuyên bố trên cho thấy cảnh báo của cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vẫn còn đúng đến tận hôm nay: “Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” – trích phát biểu của ông Trần Quốc Vượng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Lẽ ra trong tình cảnh thực tế Tây Nguyên, thượng tướng Trần Quốc Tỏ phải nhìn thẳng vào sự thật rằng “nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vẫn là những vấn đề kinh tế – xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị”.
Nạn triệt hạ rừng nhân danh những dự án thủy điện, thủy lợi, cây công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân golf… là các đơn cử.
Sách giáo khoa các cấp đã dạy học trò rằng rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng diễn ra không hề thua sút những tỉnh láng giềng như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum hay Lâm Đồng. Đầu năm 2021, trong Hội nghị bảo vệ phát triển rừng năm 2021, phòng cảnh sát kinh tế và công an tỉnh này đưa ra con số chỉ trong năm 2020, họ đã tiếp nhận 248 vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, khởi tố 41/134 bị can.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc phá rừng tại chính Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Tại đây, theo cơ quan điều tra, đã có khoảng 28.000 m3 gỗ rừng bị đốn hạ, thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước.
Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên – theo con số báo cáo là đạt 45,92%. Trong đó, rừng phân theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng 479.257 ha, rừng phòng hộ 547.822 ha, rừng sản xuất 1.532.876 ha. Năm 2019, diện tích rừng trồng tăng 18.387 ha so với năm 2018.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753 ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắc Lắc 11.419 ha, Đắc Nông 7.156 ha và Gia Lai 494 ha.
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn thẳng vào sự thật: “Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng. Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm.
Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa. Đến nay, độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn”.
Một số liệu khác được cung cấp từ ông Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội thảo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 4-4-2023: sau năm 1975, Tây Nguyên là thủ đô của lâm nghiệp, với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng 70%.
Sau nhiều thập kỷ, diện tích rừng ở đây chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ; còn lại là rừng nghèo kiệt.
Từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để mất khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, tình trạng phá rừng giảm nhưng cũng mất 25.000 ha mỗi năm. Trong số này, 78% mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng, phá rừng bất hợp pháp chỉ chiếm 6%, khai thác rừng trồng 4%, cháy rừng 1%, còn 11% là nguyên nhân khác.