Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công an có thể hack tài khoản Facebook để bỏ tù người dân

Chánh Thành

 

(VNTB) – Công an Việt Nam sẽ hack tài khoản mạng xã hội để phạt bất kỳ người dân nào mà họ muốn.



Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Việt Nam tuyên bố sẽ kiện ra toà những chủ tài khoản mạng xã hội có bảo mật yếu. Ngay sau đó, báo Washington Post có bài viết tố cáo các đặc vụ cộng sản Việt Nam đã cố cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của các quan chức Hoa Kỳ. Liên kết hai thông tin này, có thể khẳng định công an Việt Nam sẽ hack tài khoản mạng xã hội để phạt bất kỳ người dân nào mà họ muốn. Đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội hay đấu tranh dân chủ, nhân quyền trong nước.

Bộ Công an Việt Nam mua phần mềm để hack điện thoại

Ngày 9/10, tờ Washington Post (Hoa Kỳ) công bố một điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International). Theo đó, bộ Công an Việt Nam đã mua phần mềm gián điệp Predator với giá 5,6 triêu euro theo hợp đồng hai năm. Mục đích của việc này là nhằm hack điện thoại của các Thượng nghị sĩ, Dân biểu, nhà báo và các nhà phân tích chính sách của Hoa Kỳ.

Predator là một phần mềm rất tinh vi và khó phát hiện do công ty AMES (Pháp) phát triển. Nó có thể tìm và mở micro, camera của tất cả các thiết bị chạy IOS hay Android. Đồng thời Predator cũng có khả năng truy xuất vào tất cả các tệp và đọc tin nhắn riêng tư, ngay cả khi chúng được mã hóa đầu cuối.

Báo Washington Post cho biết, đặc vụ cộng sản Việt Nam đã cố gắng lừa các quan chức Hoa Kỳ dùng mạng xã hội để truy cập vào đường link của các trang web có chứa phần mềm Predator. Cuộc tấn công mạng này cho thấy sự thiếu thiện chí và lo ngại của Việt Nam trong vấn đề ngoại giao với Hoa Kỳ. Nhất là khi nó xảy ra trong lúc hai nước đang đàm phán nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Mặc dù không tin tưởng là vậy, nhưng cộng sản Việt Nam cũng phải ký kết thỏa thuận nâng cấp này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 vừa qua. Chiêu “cáo mượn oai hùm” này cho thấy cộng sản Việt Nam muốn dựa hơi Hoa Kỳ để chống lại những áp lực rất lớn từ phía cộng sản Trung Quốc.

Bộ TT-TT đòi bắt giam chủ tài khoản mạng xã hội có bảo mật yếu

Ngày 5/10, Lê Quang Tự Do, cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc bộ TT-TT, tuyên bố sẽ xử lý hình sự những tài khoản mạng xã hội bảo mật yếu, có đăng bài vi phạm luật An ninh mạng. Theo quan điểm của ông này, nhiều người dùng mạng xã hội để viết bài xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước… Nhưng khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì lại lấy lý do là facebook bị hack để phủ nhận hành vi.

Ông cục trưởng tiết lộ rằng đã trình lên chính phủ dự thảo nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Mục đích lớn nhất của nghị định này là nhằm “quản lý đời thực thế nào thì quản lý trên mạng như vậy”. “Trách nhiệm gắn với chủ tài khoản rất nhiều, vì vậy người dùng cần bảo vệ tài khoản này như tài khoản ngân hàng vậy”, Lê Quang Tự Do khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của bộ TT-TT.

Dự thảo nghị định bắt buộc người dùng mạng xã hội mạng phải xác thực thông tin cá nhân, để “có ý thức bảo vệ, quản lý tài khoản của mình trên mạng xã hội”. “Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”, ông Do nói rõ.

“Nhà chức trách buộc người dân phải có ý thức bảo vệ tài khoản của mình thì chẳng khác nào tìm cách phạt chủ nhà không khoá cửa chứ không phải xử lý kẻ trộm. Ngoài ra, theo nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Hiến định thì ‘người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình’. Ông Do cố buộc người dân phải chứng minh mình vô tội thì chứng tỏ ông ta không hiểu gì về nhân quyền, Hiến pháp và pháp luật. Hoặc ông ta chẳng coi Hiến pháp, pháp luật của Đảng Cộng Sản ra gì”. Anh N.T, một người vận động dân chủ nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều này cũng được cụ thể hoá tại điều 13, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Vừa ăn cướp vừa la làng

Bộ Công an thì mua phần mềm hack điện thoại, bộ TT-TT thì đòi xử phạt người bị hack. Chuyện vừa ăn cướp vừa la làng này cho thấy Đảng Cộng Sản đang bất lực trong việc xử lý đúng luật những phản biện chính sách và các quan điểm chính trị bất đồng khắp trên mạng xã hội.

Một trong những cách mà người bất đồng chính kiến thường dùng để bảo vệ bản thân khi lên đồn công an là phủ nhận việc sử dụng mạng xã hội, hoặc đổ thừa rằng bị hacker chiếm quyền kiểm soát trang cá nhân… Với lập luận này thì công an rất khó kết tội người dân có hành vi dùng mạng xã hội lên án chế độ cộng sản độc tài. Do đó nhà cầm quyền phải dùng mọi thủ đoạn, bất chấp vi phạm Hiến pháp và pháp luật (do chính họ đặt ra) để đàn áp các ý kiến bất đồng.

Thực trạng công an Việt Nam dùng phần mềm chứa mã độc theo dõi người dân đã là “truyền thống” diễn ra từ mấy chục năm nay. Theo nhiều chuyên gia công nghệ, các ứng dụng như Zalo, app Sổ Sức khoẻ Điện tử đều có bằng chứng về việc truy xuất dữ liệu trên điện thoại người dùng. Trên máy tính thì Cốc Cốc và nhiều trình duyệt khác cũng là công cụ đắc lực giúp công an kiểm soát máy tính, dữ liệu và các thông tin bí mật của người dân.

Mới đây nhất là ứng dụng VNEID do bộ Công an phát triển trên nền tảng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, định hướng bắt buộc mọi người dân đều phải cài ứng dụng định danh điện tử này vào điện thoại. VNEID được giới thiệu là có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số. Tuy nhiên các chuyên gia về công nghệ đã chỉ ra rằng phần mềm này yêu cầu rất nhiều quyền truy cập không cần thiết. Từ đó có thể tuỳ tiện theo dõi người dùng mọi lúc mọi nơi và khống chế người dân bất cứ lúc nào họ muốn.

Dám tấn công điện thoại của quan chức Hoa Kỳ, bất chấp quan hệ với đối tác cấp cao nhất; thì cộng sản Việt Nam còn ngại gì mà không dám hack tài khoản để vu khống và bắt giam người bất đồng chính kiến trong nước. Chẳng những vậy, họ cũng theo dõi chính những đồng chí đảng viên để đề phòng nhau với danh nghĩa “chống tự diễn biến và tự chuyển hoá”. Thậm chí họ cũng có thể hack luôn điện thoại của các đối thủ chính trị trong nội bộ đảng để thanh trừng phe nhóm.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bão tan, dân nát, tiền quyên góp ở đâu?

Do Van Tien

VNTB – Công nhân muốn giảm tuổi hưu, công an thích ‘ngồi lâu thêm nữa’

Do Van Tien

VNTB – Khi trường học là trạm BOT, hiệu trưởng làm trưởng đồn công an, còn học sinh thành con tin

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo