Định Tường
(VNTB) – “Hội kín” là cụm từ được nhắc nhiều trong vài ngày nay ở tranh luận về phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.
Bên cạnh chuyện chiêu trò trong tiếp thị để người dân tò mò bỏ tiền ra mua vé đi xem phim, thì “hội kín” còn cho thấy đây là một vấn đề nhạy cảm trong chuyện đến tận hôm nay mà Việt Nam vẫn chưa có được một luật về quyền lập hội, do vậy “hội kín” tiếp tục… “kín” vì thiếu luật.
Xứ An Nam từng có “hội kín” ra sao và để làm gì?
Tư liệu bài viết tiếp theo đây được căn cứ từ nguồn sử liệu trong cuốn sách nghiên cứu về hội kín ở xứ An Nam của tác giả Georges Coulet.
Cuốn sách về hội kín ở xứ An Nam, khởi từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ vương quốc An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930; đặc biệt là sự kiện 1913 ở Chợ Lớn (Phan Xích Long và các huynh đệ) và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Georges Coulet đã không hiểu làm thế nào mà tại cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa.
Đào sâu nghiên cứu, tác giả Coulet nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách hòng tìm hiểu về hội kín.
Bắt đầu từ tìm hiểu văn bản luật qua các bộ luật xưa cũ phong kiến, ông nhận ra ngay cả các triều đình phong kiến cũng đụng độ các hội kín: “Vài thế kỷ sau, tất cả các văn bản pháp lý này (Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long) đều thuận cho việc đàn áp các hội có dự tính hoặc bộc phát, luôn chịu trách nhiệm cho trộm cắp, cướp bóc, đốt nhà và thảm sát cũng như mưu loạn, dấy loạn và khởi nghĩa. Cùng với sự nghi ngại người ta xác định rằng họ có những thầy phù thủy và phù phép, từ quan điểm chính trị đơn nhất, họ cũng ngờ vực tất cả các học thuyết nguy hại có thể ảnh hưởng đến tâm hồn quần chúng.
Sự cẩn trọng tỉ mỉ được các nhà lập pháp dựng lên để chống lại các hội kín chứng tỏ rằng những hội như vậy luôn tồn tại ở An Nam…”.
Và tất nhiên, bộ máy cai trị của người Pháp tất yếu phải đụng độ với các hội kín xứ An Nam. Qua quá trình nghiên cứu này, tác giả Coulet đã tìm hiểu được không ít điều về hội kín xứ An Nam. Cuốn sách nằm trong loạt đề tài sách nghiên cứu của nhiều học giả Pháp và châu Âu về hội kín Á Đông như Thiên Địa Hội Trung Hoa, Nghĩa Hòa Đoàn…, và được các nhà nghiên cứu khác tham khảo rất nhiều để làm tư liệu cho các sách viết về văn hóa, tâm lý, tập tục Việt Nam.
Nơi đâu có người Hoa, nơi đó có… Thiên Địa Hội
“Nơi đâu có người Hoa, nơi đó có Thiên Địa Hội”, báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương, cơ quan trực thuộc Phòng nhì Pháp khẳng định (người Pháp gọi là sociétés secrètes). Nhất là ở những vùng quê, những xóm chợ ven sông, một tiệm thuốc Bắc, hoặc một quán cơm chiên Dương Châu, võ đường, đội múa lân, đội Sơn Đông mãi võ, một ngôi chùa, một tòa miếu, một gánh hát bội, hay một sới cờ độ, mạt chược, tứ sắc, đều có thể là đầu não chỉ huy hội viên Thiên Địa Hội tại vùng đó.
Chợ Lớn ở Sài Gòn từng là “phố Tàu” được đánh giá có diện tích lớn nhất thế giới, từng như một “đặc khu” của người Hoa, nơi các hoạt động xã hội, kinh tế được các bang hội nắm quyền chuyên chế mà ít có sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa. Do đó vùng đất này cũng là nơi có nhiều cơ hội từ làm ăn buôn bán, cho đến các hoạt động phi pháp tung hoành.
Điển hình hơn hết là sự lớn mạnh của các hội kín, những tay anh hùng hảo hớn bị chém phơi xác ngoài chợ, là võ đài cho những kẻ liều lĩnh, là nơi để rửa tiền cho các tay du thủ du thực, là nơi buôn lậu tiến hành các thương vụ trao đổi hàng hóa, là một khu vực lý tưởng để các loại gián điệp, tình báo, để các thế lực, lực lượng chính trị tiến hành những vụ trao đổi bí mật.
Khắp Nam Kỳ lục tỉnh không có nơi nào đáng sợ hơn Chợ Lớn, nhưng cũng không có nơi nào khác có sức hút như Chợ Lớn.
Chợ Lớn phần lớn là những cư dân lương thiện, các nhóm bảo kê có thể kể:
1- Nhóm Nghĩa Hưng, hoạt động dưới lớp vỏ bọc thương mại, gọi là Nghĩa Hưng công ty, chuyên vận chuyển lúa gạo, hàng hóa gia dụng bằng những chiếc ghe bầu.
Ở cái vành gỗ đầu tiên ngay trước nóc mui ghe, họ cho sơn màu xanh. Vì vậy, dân Long Xuyên thường gọi họ là nhóm “kèo xanh”. Thời hưng thịnh nhất, nhóm “kèo xanh” có khoảng 60 chiếc ghe bầu, tải trọng mỗi ghe từ 5 đến 8 tấn với nhân lực hơn 1.000 người. Họ còn được gọi là Đồng Hưng, Nhân Hưng, Kèo Xanh, Kèo Đỏ, chủ yếu là người Việt gốc Phúc Kiến, hoạt động theo xu hướng chính trị rõ rệt.
Họ liên kết với quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc, nguyên là phó tướng của chủ tướng Ngô Côn trong cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc làm rung chuyển đế chế Mãn Thanh một thời, từng phối hợp với quân chủ chiến triều Nguyễn của phò mã Hoàng Kế Viêm giết chết hai sĩ quan Pháp là Francis Garnier và Henri Rivière trong trận Cầu Giấy nổi tiếng.
2- Nhóm Hoà Xuân, gọi là nhóm “kèo đỏ”, phần lớn vẫn là người Phúc Kiến. Bởi vậy nên ngoài cái vành mui ghe thứ nhất sơn màu xanh thì vành thứ hai họ sơn màu đỏ.
“Kèo đỏ” hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sông nhưng đội ghe của họ ít hơn “kèo xanh”, chỉ có chừng 35 đến 40 ghe, nhân lực khoảng 600 người nhưng ngược lại, một số hội kín ủng hộ họ vì họ thường giúp những người bị mật thám Pháp truy nã, ẩn trốn trong ghe dưới dạng làm công.
3- Nhóm Nghĩa Hòavới “kèo vàng” của người Việt gốc Triều Châu, hoạt động chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên. Ngoài ra còn nhóm của người Hẹ nhưng vì ít người nên quy mô tổ chức cũng nhỏ hơn.
Theo ước tính vào đầu thế kỷ XX, hội viên chính thức của nhóm “kèo vàng” chỉ khoảng 300 người nhưng nó chi phối hệ thống cờ bạc từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, từ Bạc Liêu, qua Long Xuyên về Rạch Giá. Coi việc kiếm tiền bằng cách buôn ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, hoạt động bảo kê, ma cô dắt gái, đâm thuê chém mướn.
4- Thiên Địa Hội. Phương cách hoạt động của Thiên địa hội rất thần bí như trộn lẫn phép thuật, ảo thuật, Sơn Đông mãi võ, uống máu ăn thề với việc dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc. Sau này, hầu như chỉ còn người Việt trở thành lãnh đạo Thiên Địa Hội, người Hoa chỉ còn đóng vai trò lão đại phụ trách cúng tế, nghi lễ rườm rà. Thành phần tham gia Thiên Địa Hội đông nhất là nông dân và dân nghèo thành thị, cả Việt lẫn Hoa, hầu hết ở tuổi thanh niên.
Khi gia nhập hội, họ phải đọc 36 lời thề, nội dung cơ bản là phải sống có nghĩa khí và khí tiết, phải noi gương Quan Công, hết lòng với huynh đệ, sống chết không phản bội, không dĩ công tế tư (lấy công làm tư), không tham lam gian tà, không thấy lợi quên nghĩa, không trọng sắc khinh bạn, không lừa thầy phản bạn…, nếu sai lời sẽ bị muôn đao phanh thây xẻ xác, vạn tiễn xuyên tâm.
5- Hội Tam Hoàng. Một trong những nhánh tai tiếng nhất của Thiên Địa Hội chính là Hội Tam Hoàng, tổ chức tội phạm to lớn nhất, dàn trải rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hội Tam Hoàng và Thanh Bang bắt đầu lê chân rết vào Chợ Lớn, từng bước lấn sân dần và tiến tới thay thế địa vị và tầm ảnh hưởng của Thiên Địa Hội. Những ông “vua” Chợ Lớn với tài sản kết xù luôn có mối quan hệ mật thiết với Hội Tam Hoàng.
Sau 1975, Hội Tam Hoàng Chợ Lớn ngoại trừ một số nhanh chân chạy qua Hồng Kông thuộc Anh thì số còn lại nằm im thở khẽ, theo dõi tình hình. Đến nay, ba chữ Hội Tam Hoàng đã mờ dần trong ký ức của những bà con người Hoa sống tại Chợ Lớn cũng như miền Nam Việt Nam.
Giờ thì một khi tranh luận về bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” nếu không được khép lại theo một chủ đích nào đó, thì khả năng sẽ lại trỗi dậy sau thời gian dài “mai danh ẩn tích” của Hội Tam Hoàng ở Việt Nam – đặc biệt là phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” do một Hoa kiều Chợ Lớn bỏ tiền để đầu tư.