Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chạy chức ( Bài 4)

Phạm Đình Trọng

 

(VNTB) – Chỉ có quyền năng thần thánh của ban Tổ Chức trung ương mới có thể đưa được những  Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên đặt lên ghế bộ trưởng bộ Công Thương, phá hỏng cả sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước.

 

Hiện tại lại đang phơi bày ra năng lực kém cỏi của những ông quan, bà quan quản trị đất nước điều hành hoạt động xã hội được phóng vào chính trường từ bệ phóng tổ chức đoàn thanh niên. Điển hình là ông Nguyễn Hồng Diên, từ bí thư tỉnh đoàn trở thành bí thư tỉnh uỷ Thái Bình rồi phó ban Tuyên giáo trung ương, bộ trưởng bộ Công Thương, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cả nền kinh tế đất nước đang công nghiệp hoá.

Chỉ có công nghiệp hoá mới thay thế cơ sở vật chất, thay thế cả căn tính nông dân trong con người của nền sản xuất tiểu nông, manh mún, trì trệ hiện tại bằng cơ sở vật chất của nền sản xuất và cả tư duy của con người công nghiệp hiện đại, đưa con người và đất nước vào văn minh công nghiệp. Công nghiệp hoá là đòi hỏi khẩn thiết của đất nước, là sự nghiệp lớn lao của dân tộc, là trách nhiệm lịch sử của nhà nước trước nhân dân và thời đại.

Thời chiến tranh giữ nước, nơi quyết định vận mệnh còn mất của nước là bộ Quốc Phòng. Trong hoà bình phát triển kinh tế, nơi quyết định sự giầu, nghèo của nước, quyết định sự no, đói của dân, quyết định sự phát triển hay trì trệ của nền kinh tế là bộ Công Thương. Bộ Công Thương là sở chỉ huy, là bộ tham mưu quyết định sự thành bại của công nghiệp hoá, đòi hỏi người đứng đầu bộ Công Thương, tư lệnh chiến dịch công nghiệp hoá phải là người cầm quân thao lược, phải là nhà kĩ trị có kiến thức quản trị kinh doanh của thời đại công nghiệp, đã được thử thách, rèn dũa trong đời sống kinh tế đất nước.

Nhưng bất hạnh thay cho đất nước, cho người dân Việt Nam, lãnh đạo bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hoá chỉ đơn thuần là nhà chính trị công nông, những bí thư tỉnh uỷ, những thái tử đảng con ông cháu cha của dòng dõi cộng sản, làm cho những dự án của công nghiệp hoá đều thất bại, đổ vỡ và chỉ để lại tội trạng trong lịch sử, chỉ để lại tai tiếng lưu truyền trong dân gian về những con người bất tài và thiếu lòng tự trọng.

Bí thư tỉnh uỷ Vũ Huy Hoàng trở thành bộ trưởng Công Thương mười năm 2007 – 2016 là chủ đầu tư năm dự án công nghiệp với nguồn vốn 30 000 tỉ đồng đều thua lỗ nặng nề, đều chênh vênh bên vực thẳm phá sản. Làm thất thoát lớn nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp, kìm hãm sự nghiệp công nghiệp hoá, năm 2021 bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phải nhận bản án 11 năm tù.

Kế nhiệm bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từ 2016 đến 2021 là thái tử đảng Trần Tuấn Anh, con quí ông uỷ viên bộ Chính Trị, chủ tịch nước Trần Đức Lương. Sau 5 năm trên ghế bộ trưởng bộ Công Thương vừa kém cỏi trong vai trò tư lệnh chiến dịch công nghiệp hoá, vừa tai tiếng trong đời sống gia đình nhưng vì là thái tử đảng nên chủ nhiệm uỷ ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Cẩm Tú phải chủ trì hội nghị toàn uỷ ban từ 28 đến 30.9.2021 và dè dặt kết luận: “Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 Trần Tuấn Anh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu”. (Trần Tuấn Anh. Wikipedia Tiếng Việt)

Nền công nghiệp của đất nước là một cơ thể sống thì điện là máu nuôi cơ thể đó. Với những bộ trưởng bộ Công Thương không xứng, không đủ tầm với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, đã làm cho ngành công nghiệp điện nước ta thành vựa ve chai chồng chất dây chuyền công nghệ điện than lỗi thời của Trung Quốc, vừa kém hiệu quả kinh tế, vừa xả thải đầu độc môi trường, đã bị thế giới loại bỏ.

Sau hai mươi năm làm công nghiệp hoá, đất nước vẫn không chủ động được nguồn điện, điện vẫn thiếu trước, hụt sau. Tập đoàn Intel của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỉ đô la xây dựng nhà máy sản xuất điện tử, sản xuất chip và đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la mở rộng sản xuất. Nhưng trong cuộc họp với cơ quan chức năng Việt Nam gần đây, bộc lộ nỗi bất ổn cho sản xuất do nguồn điện cung cấp không đầy đủ và không ổn định, bộc lộ nỗi mệt mỏi do thủ tục hành chính nhiêu khê, lắt léo, trì trệ của nền hành chính cửa quyền, Intel phải dừng việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Dừng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, Intel liền chuyển 4,6 tỉ đô la đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Ba Lan!

Thiếu điện, phải chạy vạy ăn đong nguồn điện. Mua điện của Trung Quốc từ phương Bắc. Mua điện của Lào từ phía Tây. Như nhà nghèo vác rá ăn đong từng bữa gạo. Công nghiệp hoá là sự nghiệp làm giầu của những người biết lo toan, vừa nhạy bén vừa biết nhìn xa trông rộng. Một gia đình quanh năm an phận với nếp sống chạy ăn từng bữa, với tư duy manh mún thì không thể làm giầu.   

Công nghiệp hoá là làm giầu cho nước. Ông bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ lo cho con trai có ghế quyền lực cao trong bộ Công Thương của ông. Ông bộ trưởng thái tử đảng Trần Tuấn Anh chỉ mang uy của bộ Công Thương ra để ô tô của bộ Công Thương được vào tận cầu thang máy bay đón vợ bộ trưởng. Tầm của bộ trưởng chưa vượt ra khỏi cánh cửa gia đình, chỉ biết quanh quẩn lo cho gia đình, làm sao có thể làm giầu cho nước!

Hai ông bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Trần Tuấn Anh của hôm qua đã làm cho sự nghiệp công nghiệp hoá suốt mười lăm năm không thể nhúc nhích. Đến ông bộ trưởng Công Thương đương nhiệm hôm nay Nguyễn Hồng Diên cũng chẳng khá hơn.

Là bí thư tỉnh uỷ Thái Bình, quản lí, điều hành hoạt động đời sống sống xã hội chỉ một tỉnh kinh tế nông nghiệp bình lặng cũng không nổi, để cho băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ lộng hành, thao túng đời sống xã hội, ngang nhiên áp đặt luật xã hội đen với dân. Quyền lực nhà nước thu thuế người sống thì quyền lực xã hội đen Đường Nhuệ thu thuế người chết. Nhà có tang phải nộp tiền cho băng nhóm Đường Nhuệ mới có đất chôn, mới được mồ yên, mả đẹp. Quyền lực xã hội đen Đường Nhuệ lớn đến mức xông cả vào đồn công an hành hung dân mà quyền lực nhà nước phải làm ngơ. Chỉ khi ông bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Diên rời khỏi Thái Bình, băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ mới bị pháp luật triệt phá. Bí thư tỉnh uỷ kém cỏi như vậy vẫn thăng tiến lên phó ban Tuyên Giáo trung ương làm bước đệm để rồi tót lên bộ trưởng bộ Công Thương.

Quản lí lưu thông, xăng dầu, qui hoạch hệ thống nhà máy điện, . . . chỉ là công việc hành chính sự vụ của mọi bộ máy công quyền, không phải là nhiệm vụ chính, không phải là sứ mệnh lịch sử của bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hoá. Sứ mệnh lịch sử của bộ Công Thương là hoạch định chương trình phát triển công nghiệp, tạo ra chính sách thực hiện công nghiệp hoá. Nhưng một bộ trưởng xử lí công việc sự vụ hành chính còn không nổi thì làm sao đủ tầm làm chính sách phát triển công nghiệp!

Không quản lí, điều hành nổi hoạt động công thương, không những nền kinh tế và đời sống đất nước thiếu điện triền miên mà đất nước hàng năm khai thác hơn 10 triệu tấn dầu thô, có hai khu công nghiệp lọc dầu hiện đại mà xăng cung cấp cho hoạt động kinh tế và đời sống xã hội cũng luôn bấp bênh, bất ổn và phải chịu giá cao gấp nhiều lần giá thị trường thế giới và nhiều lần những cây xăng còn treo vòi bơm vì không có xăng.

Trong khi nước Malaysia láng giềng kề cận cũng như Việt Nam, cùng khai thác dầu mỏ ở biển Đông nhưng giá xăng dầu ở hai nước chênh lệch đến kinh ngạc. Tháng sáu năm 2022, ở thị trường Malaysia giá một lít xăng RON 95 chỉ 2,05 Ringgit. Tỉ giá giữa tiền Việt Nam và tiền Ringgit khi đó dao động từ 5 400 đến 5 700 Việt Nam đồng 1 Ringgit. Tính theo tiền Việt Nam, một lít xăng RON 95 ở Malaysia giá chỉ từ 11 000 đến 12 000 đồng thì ở Việt Nam là 31 573 đồng, cao gấp gần ba lần!  

Ngày 2 tháng sáu 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương Mại và Đầu Tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo đẩy mạnh giao thương xuất nhập khẩu. Được mời tham dự trực tuyến, ông Trần Việt Thái, đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết chính xác sự chênh lệch lớn giữa giá xăng ở Malaysia và ở Việt Nam. Ông đại sứ cũng thông tin về thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao dầu khí Việt Nam, PVN và dầu khí Malaysia, PETRONAS. Hai bên đã kí cam kết và PETRONAS sẽ xuất sang Việt Nam 300.000 tấn xăng.

Vậy mà chiều 1.6.2022 ông bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xuất thân từ bí thư tỉnh đoàn và từng kinh qua phó ban tuyên giáo trung ương lem lẻm trí trá ở hội trường Quốc hội: “Hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, nên đang có tình trạng chảy xăng dầu ra nước ngoài”! Không phải nói dóc ở bàn trà, quán nhậu, ông bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thản nhiên nói dối ở hội trường Quốc hội đủ biết năng lực và nhân cách ông bộ trưởng.

Tai mắt dân gian tinh tường và hồn ca dao dân gian nhạy bén đã lên tiếng về ông bộ trưởng năng lực trống rỗng và mồm mép trí trá:

 

Anh Diên quê ở Thái Bình

Anh làm bộ trưởng dân mình đoạ luôn!

 

Giá xăng cao nâng chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, nâng giá thành sản phẩm lên cao đến phi lí, sản xuất kinh doanh cả nước không chịu đựng nổi, gây khó khăn, bế tắc cho sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh trong thị trường thế giới. Đẩy giá xăng lên cao nhất thế giới, người đứng đầu bộ Công Thương chỉ nhìn thấy xăng mà không thấy cả nền sản xuất kinh doanh. Chỉ cốt sao thu được nhiều tiền từ xăng để báo cáo thành tích, không thấy sự thất thu của cả nền kinh tế.

Sứ mệnh lịch sử của bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hoá là hoạch định chương trình phát triển công nghiệp, tạo ra chính sách làm công nghiệp hoá và tổ chức thực hiện. Nhưng nhìn hiện trạng hoạt động sản xuất kinh doanh nước ta đang diễn ra thấy rõ nền công thương như con tàu đi trên biển công nghiệp hoá mà tàu thì không có hải đồ, không có la bàn và thuyền trưởng thì không có nghề đi biển. Con tàu cứ quanh quẩn một chỗ và chao đảo trong sóng gió.

Công nghiệp hoá là tạo dựng cho đất nước nền công nghiệp hiện đại và tự chủ, tạo ra thương hiệu sản phẩm công nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới và tạo ra đội ngũ doanh nhân công nghiệp làm giầu cho doanh nghiệp và làm giầu cho đất nước bằng tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước.

Như tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước của những hào kiệt Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt. Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung . . . trong đánh giặc, giữ nước đã được lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ghi nhận.

Như tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước của những Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền, Ngô Tử Hạ, Phạm Chân Hưng , Đỗ Đình Thiện . . . đang đưa Việt Nam chập chững bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đầu thế kỉ 20 thì cách mạng tháng tám năm 1945 bùng nổ, giai cấp tư sản dân tộc đang đưa xã hội Việt Nam vào văn minh công nghiệp bị tiêu diệt. Xã hội Việt Nam lại quay về với nền văn minh nông nghiệp. Để rồi một thế kỉ sau, đầu thế kỉ 21 những nhà chính trị công nông Việt Nam mới hăm hở tìm đường đi vào xã hội công nghiệp bằng nghị quyết đại hội đảng.

Nhưng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ công nghiệp hoá hôm nay chỉ là những nhà chính trị công nông của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, những tư duy tiểu nông chỉ biết chăm bẵm cho mảnh đất năm phần trăm (5%) của gia đình thì chỉ có nền công nghiệp ăn xổi ở thì.

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì là công nghiệp bong bóng và hai bong bóng lớn nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, FDI và doanh nghiệp trong nước mọc mũi sủi tăm nhờ ‘đất đai là sở hữu toàn dân”. Đó là nền công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài và nền kinh doanh buôn bán sự khốn cùng của dân, sự tan hoang, tanh bành của non sông gấm vóc.

Ngày 25 tháng 11, 2022, đến ngắm những chiếc ô tô bóng loáng xếp hàng thành khối nối dài chuẩn bị xuống tàu biển xuất sang Mỹ như khối binh lính xếp hàng nối nhau đợi duyệt binh, ông thủ tướng hãnh diện: “Chúng ta có thể tự hào khi những chiếc ôtô mang thương  hiệu Việt vươn ra thị trường toàn cầu. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của đảng, nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế”.

Ở thời điểm ông thủ tướng hớn hở hãnh diện về “nền kinh tế độc lập, tự chủ” thì trong bài viết Soi Thân Cây Mục, nhà nghiên cứu Đỗ Ngà dẫn ra những con số chỉ ra nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài:

Theo con số của Tổng Cục thống kê trong 11 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp ngoại FDI đã xuất 252,64 tỷ USD và nhập 216,06 tỷ USD. Trong khi doanh nghiệp FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 36,58 tỷ USD thì khối doanh nghiệp nội chỉ xuất được 89,55 tỷ USD và nhập 115,45 tỷ USD, làm chảy máu ngoại tệ 25,9 tỷ USD.

Năm trước, 2021, doanh nghiệp FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 22,87 tỷ USD thì doanh nghiệp nội lại làm chảy máu 22.64 tỷ USD.

Năm 2021, doanh nghiệp FDI chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Năm 2022 tỷ lệ này nhảy lên 73,8%. Con số cho thấy doanh nghiệp nội đang mất dần vị thế trong nền kinh tế Việt Nam.

Nếu nói nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên hai chân trụ, chân trụ ngoại (tức FDI) và chân trụ nội thì rõ ràng chân trụ nội đang bị mất dần vị thế và nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phụ thuộc nước ngoài. Nếu cứ đà này, nền kinh tế Việt Nam chẳng khác nào “cây tầm gởi”, ký gởi số phận của mình lên khối FDI, vậy thì nền kinh tế Việt Nam tự lực tự cường thế nào được?

(Soi Thân Cây Mục. FB Đỗ Ngà. 17.12.2022)

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì chỉ tạo ra những doanh nghiệp sân sau của quyền lực nhà nước và những doanh nghiệp làm giầu bằng chụp giật, biến đất sống của dân, biến tài nguyên của nước, biến cả đất sân bay của quốc gia thành đất đai, tài nguyên của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và quan chức càng giầu thì đất nước càng tanh bành, thiên nhiên càng bị huỷ hoại, dân càng khốn đốn.

Thiên nhiên gấm vóc Bà Nà bị bê tông hoá thô bạo, kệch cỡm. Đường nhựa lên đỉnh Bà Nà của dân, của nước cũng bị doanh nghiệp chiếm, không cho dân đi lại, phải mua vé đi cáp treo của doanh nghiệp. Rừng thiêng Tam Đảo như mái nhà rợp mát che chở cho căn nhà châu thổ đồng bằng Bắc Bộ thì đất thiêng Tam Đảo cũng bị tập đoàn kinh doanh bất động sản đến chiếm đất, băm nát mái nhà xanh Tam Đảo. Ngôi nhà phong thuỷ đồng bằng Bắc Bộ đang bị phá nát từ trên nóc, từ trên mái nhà Tam Đảo.

Không phải chỉ bắt con cá kiếm sống, người dân ven biển phóng thuyền ra biển Đông giăng lưới, thả câu còn là những cột mốc bia chủ quyền sống giữ biển. Doanh nghiệp FLC biến dải đất ven biển từ Thanh Hoá đến Bình Định thành khu du lịch, thành resort của FLC. Dân không còn đất bám biển. Không còn những tấm bia chủ quyền sống trên biển Đông. Cướp đất của dân sống ven biển, FLC cùng quan chức chính quyền địa phương quản lí lãnh thổ đã âm thầm giúp Trung Quốc thực sự làm chủ biển Đông trong thực tế. Doanh nghiệp chiếm bãi biển Nghi Sơn, Thanh Hoá của dân đánh cá làm cảng container lại đang làm tiếp việc FLC đã làm.

Công nghiệp hoá ăn xổi ở thì không thể tạo dựng được nền công nghiệp đích thực. Nền công nghiệp ăn xổi ở thì chỉ có thể làm được loại ốc vít dân dụng mà không làm nổi từ con ốc tinh xảo của công nghiệp hiện đại. Công nghiệp hoá đích thực vừa tạo ra những doanh nghiệp chân chính làm giầu cho nước, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, vừa nâng cao dân trí. Công nghiệp hoá ăn xổi ở thì chỉ tạo ra những doanh nghiệp cướp giật từ mảnh đất sống đến cướp giật đức tin của người dân, tạo ra những doanh nghiệp buôn thần bán thánh và những siêu thị thần thánh khổng lồ Ba Vàng, Tam Chúc làm ngu dân.

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì là hệ quả tất yếu của những quyền lực ở tầm gia đình, thôn xóm mà chễm chệ ở vị trí quản trị quốc gia. Các bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên chỉ tạo dựng cho nền kinh tế nước ta các doanh nghiệp ăn xổi ở thì: Doanh nghiệp chụp giật, doanh nghiệp buôn thần bán thánh, doanh nghiệp gia công, doanh nghiệp sống nhờ vào nguyên liệu nước ngoài.

Doanh nghiệp chân chính khai thác được thế mạnh thị trường Việt Nam, thực sự tạo dựng được thương hiệu và niềm tự hào Việt Nam thì lần lượt rơi vào tay chủ tư bản nước ngoài. Bia Sài Gòn bán cho người Thái. Bột giặt Viso bán cho công ty Unilever, liên doanh Anh – Hà Lan. Bánh Kinh Đô bán cho người Mỹ. Nước giải khát Tribeco thuộc về người Đài Loan. Nhựa Bình Minh bán cho người Thái. Đến mạng siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng đổi chủ từ người Việt Nam sang người Thái . . . Nền công thương mà ông thủ tướng tự hào là độc lập, tự chủ đấy!

Đại hội Đảng XI tháng 1.2011 đã viết hàng chữ vàng chói lọi về mục tiêu tổng quát chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nay đã qua năm 2020 ba năm rồi nhưng công nghiệp nước ta vẫn chưa sản xuất nổi con ốc tinh xảo của nền công nghiệp hiện đại.

Làm phá sản sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng bộ Công Thương, và thuộc về cơ quan tổ chức xếp đặt, sử dụng nhân sự cấp chiến lược. Chỉ có quyền năng thần thánh của ban Tổ Chức trung ương mới có thể chạy chức, đưa được những quan chức đảng không có năng lực kĩ trị quản trị quốc gia như Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên đặt lên ghế bộ trưởng bộ Công Thương, phá hỏng cả sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước.


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao “cửa hàng tiện lợi” phải giới hạn trong bán kính dưới 500m?

Trương Thế Tử

VNTB – Đảng lại… xướng tên

Bùi Ngọc Dân

Một kẻ gian chốn văn chương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo