Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Cả hệ thống đã quá lạc quan khi dự báo sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đề mục mang tên “Các đột phá chiến lược”, ở vị trí thứ nhất của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ghi: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Ở yêu cầu trên, chỉ riêng khoản về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho thấy vẫn là sự bế tắc mặc dù đã thành công trong việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam tháng 9-2023. Việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, vẫn là chuyện Việt Nam chờ đợi Hoa Kỳ “gật đầu” quá trình này.
“Lợi ích từ công nhận này với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn vì lúc đó sản phẩm của doanh nghiệp Việt trong làm ăn kinh tế với các quốc gia khác sẽ được đối xử bình đẳng hơn. Nếu có các vụ việc xử lý liên quan đến bảo hộ, phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ở vị thế tốt hơn. Ngược lại, khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có rất nhiều bất lợi cho doanh nghiệp Việt như tính toán mức thuế cao hơn cho các sản phẩm xuất khẩu” – ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, nhìn nhận.
Ngoài Mỹ, EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường. Năm 2015, khi đang đàm phán FTA, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu lưu ý với báo giới, việc ký kết không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.
Nền kinh tế phi thị trường (non – market economy) dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và Nhà nước ấn định giá cả nội địa. Một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường.
Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Với EU, có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp; không có sự can thiệp của Nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.
Nhìn tổng thể thì một nền kinh tế chỉ thực sự được hội nhập vào hệ thống kinh tế thị trường thế giới khi được các quốc gia khác xem xét và công nhận là nền kinh tế thị trường. Hoa Kỳ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy việc được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Từ giác độ phân tích trên cho thấy việc “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” như yêu cầu định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tính đến hiện tại xem ra vẫn là một định hướng tiếp tục kéo dài sang Nghị quyết Đại hội XIV.
1 comment
Sẽ thành công nếu Đảng Cộng Sản xoay trục sang Trung Quốc . Hoặc ít nhứt, nếu hổng đạt được thì khoảng cách cũng hổng có xa lém