Tử Long
(VNTB) – Nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước…
“Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai công tác xét đề nghị giảm thời hạn cho phạm nhân, trại viên, học sinh đợt 30/4 theo đúng quy định của pháp luật” – trích Phụ lục II, “Nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, cơ quan, địa phương trong tháng 4, quý II năm 2024 và thời gian tới” (Kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05-4-2024 của Chính phủ).
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 thì đặc xá được giải thích là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Căn cứ theo Điều 5 Luật Đặc xá 2018 quy định về thời điểm đặc xá như sau:
Thời điểm đặc xá:
1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các ngày lễ lớn trong nước gồm có 8 ngày cụ thể như sau: Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch); Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945); và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo đó trong tháng 4 và 5 của năm nay có 3 lễ lớn: Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xét đặc xá vào ngày lễ này còn phụ thuộc vào quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Dịp 7-5-2024 tới đây trong khuôn khổ kỷ niệm, thì ngoài chương trình Lễ diễu binh, diễu hành của hai lực lượng Công an và Quân đội, người ta không thấy nhắc đến vấn đề đặc xá vốn được gọi là “sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”, được nêu tại Điều 3.1 của Luật Đặc xá 2018.
Điều 4 của Luật Đặc xá cho biết nguyên tắc thực hiện đặc xá là “1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. 3. Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Như vậy trong 3 ngày lễ lớn theo quy định ở tháng 4 và 5-2024, nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước, vì vào ngày 23-3-2024 xảy ra chuyện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, và đến nay thì Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm cũng từ chức, nên vẫn chưa thể tiến hành bầu chọn một Chủ tịch nước thay thế?
Lưu ý, theo con số thống kê của tổ chức Human Rights Watch, tính đến đầu năm nay, ở Việt Nam có hơn 160 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.
1 comment
Kêu bên kia đương nhiệm thì sẽ xảy ra đại ân xá lun