Việt Nam Thời Báo

VNTB – Căn cứ pháp lý nào của việc cấm nhà báo ghi âm ở phiên tòa?

Cát Tường

 

(VNTB) – Luật hiện hành về tổ chức tòa án nhân dân, không có điều khoản nào cấm đoán nhà báo về việc ghi âm lời nói, hình ảnh tại phiên xét xử.

 

Luật tổ chức tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 không có nội dung nào về cấm các nhà báo khi tác nghiệp tại phiên xét xử không được phép ghi âm, ghi hình, mang thiết bị điện tử như laptop, điện thoại vào tòa án.

Tuy nhiên trong báo cáo về tổng kết thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 thì tòa án cho rằng pháp luật về “việc tham dự, đưa tin tại phiên tòa chưa đầy đủ đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tôn nghiêm của tư pháp và bí mật về đời sống riêng tư của người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, ảnh hưởng đến sự tập trung của hội đồng xét xử trong phiên tòa, tác động đến tâm lý, cuộc sống của thẩm phán khi bị đưa hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến sự công tâm, khách quan của thẩm phán”.

Từ lý do trên nên ở Dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi có quy định mới về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp theo hướng hạn chế việc đưa tin bằng hình ảnh, lời trực tiếp của các bên liên quan tại phiên xét xử. Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện khi chủ tọa phiên tòa cho phép nhằm đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông…

“Dự thảo luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan mà chỉ điều chỉnh truyền thông trong phiên tòa xét xử. Còn ra hành lang, phỏng vấn ai, đưa tin thế nào là việc của truyền thông, tòa không điều chỉnh, không ngăn cản”, ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Dự thảo luật nêu trên vẫn còn đang bàn luận, song trên thực tế ở vụ đại án kit test Việt Á thì cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa chỉ cho phép báo chí tác nghiệp ‘thủ công’ bằng giấy bút.

Tại phiên sơ thẩm, tòa án nhân dân TP Hà Nội đã “phong tỏa” toàn bộ thiết bị tác nghiệp của phóng viên như máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm, laptop. Phóng viên tham dự phiên tòa thông qua phòng máy chiếu, song phải dùng giấy bút ghi chép nội dung. Tương tự, đến phiên phúc thẩm hôm trung tuần tháng 5-2024, hàng chục phóng viên cơ quan báo chí dự tòa cũng bị cảnh sát cấm mang máy tính xách tay cùng các thiết bị điện tử vào nơi tác nghiệp dành cho báo chí. Tất cả đồ nghề tác nghiệp được phép sử dụng chỉ là… giấy và bút.

Chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho hay nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát việc này.

Việc hạn chế quyền đưa tin, ghi hình của báo chí tại phiên tòa là điều không thỏa đáng trong xu thế hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, càng là nghịch lý với cơ quan có chức năng bảo vệ công lý như tòa án. Vốn dĩ công lý không thể đạt được khi thiếu sự công khai, minh bạch.

Thứ nhất, xét xử công khai là nguyên tắc mang tính kim chỉ nam của ngành tư pháp, được quy định trong các luật tố tụng và được hiến định trong Hiến pháp. Việc đưa tin, thông tin một cách chuyên nghiệp, bài bản về phiên tòa và những diễn biến tại phiên tòa là biểu hiện cốt yếu của sự công khai này.

Như một lẽ đương nhiên, công khai là điều kiện tiên quyết để đạt được sự minh bạch và khách quan trong xét xử. Việc hạn chế cơ quan báo chí thông tin tại phiên tòa liệu có tránh được sự hoài nghi của xã hội về sự minh bạch và tính khách quan của vụ việc và bản án?.

Thứ hai, dưới góc nhìn của hoạt động giám sát xã hội đối với ngành tư pháp thì việc hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình là một bước thụt lùi. Bởi so với giám sát chuyên môn của Viện Kiểm sát hay cơ quan dân cử, thì giám sát xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế, từ đó nâng cao vị thế của người dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước và vai trò của tư pháp trong bảo vệ pháp luật theo đó cũng được đề cao.

Ngoài thực hiện chức năng giám sát trực tiếp thì báo chí còn là kênh thông tin thiết yếu để xã hội được biết về vụ việc, qua đó thực hiện vai trò giám sát xã hội của mình. Nếu hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình (hệ quả kéo theo là sẽ bị hạn chế việc đưa tin vì vấn đề rủi ro thông tin khi không có bản ghi âm để đối chiếu) thì có cơ chế nào thay thế để bảo đảm việc giám sát xã hội sẽ được thực hiện?

Thứ ba, ở phương diện tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì có lẽ không hình thức nào tuyên truyền, phổ biến tốt hơn các hoạt động báo chí, truyền thông chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc ghi hình, ghi âm diễn biến trực tiếp tại phiên tòa để có dữ liệu thông tin trên mặt báo chính là cách tác động trực tiếp, rõ ràng nhất đến ý thức pháp luật của người dân.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bà  Tina Nguyễn Hữu Thiên Nga bị tố cầm 800 triệu đồng tiền phúng điếu

Do Van Tien

VNTB – ‘Đòn thù’ của chính quyền dành cho cô giáo Lê Thị Dung

Do Van Tien

VNTB – Chủ tịch công đoàn vừa trúng cử… thì bị đuổi việc

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo