Hoài Nguyễn
(VNTB) – Văn bản của Đảng Cộng sản vẫn nhập nhằng với văn bản quy phạm pháp luật
Như cách nhìn nhận trong bài viết “Trách nhiệm Hiến pháp của Tổng bí thư?” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 2-6-2024, một câu hỏi đặt ra (và có lẽ cũng vì câu hỏi này đang khiến nhà báo Huy Đức vướng đồn đoán lao lý) là Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Nếu văn bản do cơ quan Đảng ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vậy thì vì sao lại bắt buộc phải thi hành?
Về học thuật, người viết bài này cho rằng khi đã nêu thành Hiến định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” như tại Điều 4.3, Hiến pháp 2013 thì ở đây căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra câu trả lời.
Theo Điều 2 của luật chuyên ngành vừa nêu, thì cụ thể có 12 loại văn bản như sau được gọi là “hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” theo thứ tự: (1). Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; (2). Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (3). Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
(4). Nghị định của Chính phủ; (5). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (6). Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; (7). Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
(8). Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (9). Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; (10). Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội; (11). Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
(12). Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Về “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu 5 yêu cầu bắt buộc: (1). Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; (2). Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (3). Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước, bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật; (4). Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; (5). Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo nội dung pháp lý công khai nói trên, có thể suy ra là giá trị pháp lý được hiểu như sự công nhận về giá trị áp dụng những quy định trong văn bản đối với các tổ chức, cá nhân trong việc đóng vai trò làm cơ sở để thi hành pháp luật.
Từ các quy định cụ thể nêu trên, có thể hiểu rằng đối với các văn bản của Đảng sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng, đảng viên. Còn văn bản quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung, áp dụng đối với toàn thể tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên việc nhập nhằng giữa hai thể loại văn bản này là một vấn đề đang gây khó với cả các đảng viên trong vai trò trách nhiệm là một viên chức thực thi quản lý hành chính.