Việt Nam Thời Báo

VNTB- Con đường nào để giáo dục Việt Nam thoát khỏi ngục tù u tối?

Dân Nguyễn

(VNTB) – Nền giáo dục VN hiện nay vẫn là nền giáo dục ngục tù, u tối…
Kết quả hình ảnh cho hinh anh đường hầm

Vậy là “Ngày hội khai trường” của các em học sinh cả nước cũng đã đi qua được một tuần. Trong bản tin “Chuyển động 24 giờ” của Đài truyền hình VN, trưa ngày 10/9 năm 2016 dành thời lượng gần 15 phút nói về ngày khai trường, và đề cập tới những cải tiến của ngành giáo dục, về những áp lực lên thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh…

Một trong những vấn đề được đề cập trong chương trình này là “Giảm áp lực” lên chính các học sinh, thông qua cải cách đánh giá học lực. Từ việc thang điểm 10 được áp dụng xưa nay, bị coi là áp lực chủ yếu lên việc học tập của học sinh, ngành giáo dục đã thay nó bằng cách đánh giá mới “Đạt, hay không đạt”…, và giờ là thang điểm A, B, C được đem áp dụng… “…Mà đã có A rồi, thì sẽ rất dễ lại có A+, A-…B+, B-…C nữa…”

“…Thế thì tại sao đến một ngày cuối cùng chúng ta không nhận ra một điều rằng cái ý nghĩa ban đầu là giảm sức ép thành tích cho các em đã không còn nữa….;Thôi thì lại trở về với điểm 9 điểm 10 như ngày xưa… Con đường mà chúng ta đang đi là con đườnghình tròn, lại quay lại điểm cũ, cho đến khi chúng ta nhận ra rằng, để giảm sức ép cho các em có lẽ không phải là cách chấm điểm thế này hay thế kia. Điều quan trọng là cách mà phụ huynh, nhà trường quan tâm tới các em như thế nào…”. (Bản tin Chuyển động 24 giờ trưa ngày 10/9/2016).

Bản tin cũng có đề cập tới ngày khai trường, hay là cách đánh giá học lực của học sinh ở một số nơi trên thế giới. Phóng viên Trần Hà thường trú tại Mỹ được kết nối với chương trình, đem đến sự so sánh ngày khai trường bên Mỹ thật đơn giản, hay sự phản ảnh, sự phàn nàn của phụ huynh và sự ghi nhận của nhà trường đối với những phàn nàn đó như thế nào…

Bộ mặt trong những khuôn mặt
Giáo dục là cả một câu chuyện dài. Khỏi nói thì ai trong chúng ta cũng đủ nhận biết tầm quan trọng của nó trong đời sống một quốc gia, một dân tộc, cũng như ảnh hưởng to lớn của nó, có ý nghĩa quyết định tương lai của một dân tộc… Một cái phóng sự chỉ với 15 phút, chưa nói được điều gì; nhất là khi nó lại chỉ đề cập một cách hời hợt, phiến diện tới mỗi việc áp dụng thang điểm thế nào của ngành giáo dục, chỉ để thỏa mãn nhu cầu “giảm áp lực” lên học sinh, hay loại bỏ căn bệnh thành tích trong nền giáo dục…

Nói một cách khách quan, không hề tiêu cực, rằng xã hội VN hiện thời đã quá “xuống cấp”. Nó băng hoại trên diện rộng toàn quốc, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nhiều khi những bất ổn của xã hội, những tiêu cực trong các mối quan hệ khiến người ta quá lo lắng cho một tương lai, dù chỉ là tương lai của ngày mai ngày mốt…Có vô vàn những số liệu, những dẫn chứng về những băng hoại đạo đức, những bất công diễn ra hàng ngày hàng giờ, len lỏi vào các ngóc ngách của các mối quan hệ…

Làm thế nào để có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng được sứ mệnh vẻ vang của nó là “Trồng người”, trong một môi trường xã hội, chính trị, kinh tế như thế?

Trong nơi giáo đường, có ai mang bộ mặt sát khí hay nhạo báng khi đang quỳ dưới bệ chân Chúa? Ở đó phải là những nét mặt trang nghiêm, kính cẩn khi nguyện cầu. Cũng vậy, người ta sẽ có nét hân hoan trong tiệc cưới, hoặc nét u sầu trong đám tang… Không ai trong chúng ta có thể thoát ra khỏi những “mặc định” mà cuộc sống đã đặt ra. Nó là quy luật, tự tại, không cho riêng một dân tộc, một quốc gia nào.

Thật khó để đòi hỏi có một nền giáo dục tiên tiến, nhân bản, khi nó bị đặt trong một môi trường xã hội băng hoại như xã hội VN ngày nay. Làm thế nào người ta có thể giữ cho được sạch sẽ, thơm tho khi phải đầm mình trong cái vũng bùn bao trùm lên hết thảy như thế?

Những chỉ số báo động

Chưa bao giờ nền giáo dục Việt Nam được coi là một nền giáo dục tiên tiến, hay “ưu việt” như người ta từng tuyên truyền. Trong bức tranh xám xịt của toàn cảnh xã hội, “tĩnh vật” giáo dục cũng có những gam màu u tối của nó.

Nói tới giáo dục, người ta phải nghĩ ngay tới “Bệnh thành tích”. “Bệnh thành tích” chỉ là một cách gọi của sự trí trá, không trung thực; cũng giống như cách gọi “Tham nhũng” được người ta áp dụng thay cho cách gọi ăn cướp, ăn cắp, hay cướp ngày trong giới quan trường. Dạy thêm học thêm; Học phí, các khoản thu đầu năm, giữa năm… là những vấn nạn, là “Bề nổi” dễ thấy trong bức tranh tiêu cực của nền giáo dục. Ngoài ra, cũng còn những sự kiện hết sức đáng buồn không thể không nhắc tới của các nhà trường trên phạm vi toàn quốc hiện nay chưa có cách gì khắc phục, hay người ta không muốn khắc phục, đó là tình trạng mất vệ sinh đáng báo động của các nhà vệ sinh. Tình trạng kéo dài hết năm này tới năm khác. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của học sinh, nhất là đối với các nữ sinh, vì phải “nhịn” đi vệ sinh bởi mùi xú uế. Học sinh nhịn uống nước vì không muốn vào nhà vệ sinh, dù có khát khô họng. Nhịn uống nước, nhịn đi vệ sinh- những nhu cầu tối thiểu của mỗi cá nhân, những điều không đáng có, không đáng để xảy ra; thế nhưng nó vẫn xảy ra hàng ngày, kéo dài hết niên học này tới niên học khác trong nhà trường “Xã hội chủ nghĩa”.

Có lẽ cái mà từ ban giám hiệu nhà trường cho tới các giáo viên thực sự quan tâm là “thành tích”, là kiếm thêm thu nhập thông qua dạy thêm học thêm, thông qua các khoản thu không chi đúng mục đích… Ngoài ra, tệ nạn bạo lực học đường ở mức báo động gây xót xa lo lắng cho học sinh và các bậc làm cha mẹ; tệ trốn học, nói tục chửi thề, “tập làm người lớn” rất sớm trong học sinh… So với những vấn nạn vừa nêu, thì việc quy định thang điểm, cách chấm điểm nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, thật chẳng đáng đề cập…

Con đường nào cho nền giáo dục Việt Nam?

Còn nhớ những năm đầu của thế kỷ 21, khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng “Bộ học”, dư luận xã hội đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào khả năng chèo chống của ông ta, bởi học vị, bởi cả tướng mạo(!). Nhưng trên hết là những tuyên bố xanh rờn của ông này với nền giáo dục. “Nói không với bệnh thành tích”; Cấm dạy thêm học thêm… trong cái “Ba không” mà ông triển khai rầm rộ, ầm ĩ. Cuối cùng, sau một thời gian rất ngắn, chiến dịch của ông xẹp xuống, nhanh như lúc nó “phồng” lên, thuần túy như một chiến dịch tuyên truyền. Cả “Ba không” của ông nền giáo dục nước nhà chẳng thực hiện được “không”nào! Nạn dạy thêm tiếp tục được “duy trì”, nhưng có biến tướng, nhiều lúc đi vào hoạt động bí mật, thậm chí quá quắt hơn, còn bắt phụ huynh viết đơn tự nguyện xin cho con mình “được” học thêm nếu không muốn bị phân biệt đối xử!… Cũng trong giai đoạn này, xuất hiện gương dũng cảm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, mà người ta đã “vinh danh” như một anh hùng trong phòng chống tiêu cực trong ngành giáo dục… Tuy nhiên, rồi cái kết cho thầy Khoa là cái kết không có hậu, mà chắc nhiều người trong chúng ta cũng đã được biết thông qua các phương tiện truyền thông loan tin…

Có một bài học tiếng Anh trong giáo trình Spotlight, đề cập tới đề tài giáo dục. Bài có tiêu đề: Freedom for thinking (tạm dịch là Tự do cho suy nghĩ).

Bài viết mở đầu bằng bức ảnh chụp cảnh một tốp học sinh ngồi dưới một bóng cây rộng lớn, với các thầy giáo. Chúng đang học, và các thầy đang lên lớp… Thay vì phải ngồi trang nghiêm trong căn phòng mà chắc chắn không lấy gì mát mẻ và bị gò bó, bọn trẻ được ngồi dưới một tán cây, có nhiều không khí trong lành. Thay vì chỉ ngồi giữ trật tự nghe thầy lên lớp, thì chúng được gợi mở để suy nghĩ, để nói ra những suy nghĩ. Thầy trò cùng ngồi quây quần, rất thân tình…

Đó là một lớp học ở Ấn Độ, đầu những năm 1900s, cách nay hơn một thế kỷ.

Nhân vật chính trong bài học là một thầy giáo có tên Tagore. Bài học cho biết khi còn là một học sinh, thầy Tagore ngại đến trường, vì không thích ngồi gò bó nhiều giờ trong một căn phòng, hơn thế, còn mệt mỏi với mọi thứ bị đóng khung, mệt mỏi với những bài kiểm tra, lo lắng với những kết quả…Thầy không có kết quả cao trong nhà trường. Thầy bỏ học,ở nhà được các anh dạy cho nhiều môn, như hội họa, nhạc, văn học… Trong thời kỳ này, Ấn Độ đang nằm dươi sự cai trị của Anh Quốc. Các nhà trường ở Ấn Độ đều theo mô hình trường học của nước Anh. Nghĩa là học sinh đi học cũng phải ngồi nghiêm trang trong căn phòng, bị đóng khung trong nhiều hoạt động học tập…

Tagore là người đầu tiên đưa ra mô hình xây dựng trường học mà ở đó, ông chủ trương học sinh phải được tự do suy nghĩ. Ông thành lập một lớp học đầu tiên theo cách mà ông cho là đem lại hiệu quả tốt nhất, từ những năm 1901. “Không nên giới hạn bọn trẻ trong cách học mà bạn đặt ra, vì chúng sinh ra không phải cùng thời với chúng ta…”- Ông đã phát biểu.  “…Tagore’s aim was to have a school where children enjoined their learning”. (Mục tiêu của Tagore là nhằm tạo ra một trường học mà ở đó bọn trẻ thích thú với việc học hành.). Tagore tin rằng bọn trẻ cần có cảm giác được tiếp xúc với thiên nhiên Học sinh của ông được khuyến khích vui chơi, dành nhiều thời gian với thiên nhiên. Lớp học được tổ chức ở ngoài trời. Ông cho rằng đây là cách học được nhiều hơn những kiến thức mà chúng phải ngồi lỳ trong căn phòng, nghe giảng suốt cả ngày dài. Bằng cách này, chúng biết sống hòa mình với thế giới. Tagore muốn học sinh của mình có cùng mục đích. Ông không chú trọng vào các bài kiểm tra, hay kết quả, mà nên có tư duy độc lập, tìm tòi, khám phá. Học sinh của Tagore không phải lúc nào cũng có điểm cao trong kiểm tra, nhưng thay vào đó, chúng được học nhiều môn, nhiều kỹ năng quan trọng. Và phương pháp giáo dục này đã khiến cho chúng trở nên rất sáng tạo. “Many students from Tagore’s school became famous as adults. The former Prime Minister of India, Indhira Gandhi went to Tagore’s school. So did economist and writer Amartya Sen. Sen received a Nobel Prize in Economics in 1998.”… (Nhiều những học sinh học tại trường của Tagore trở nên nổi tiếng khi trưởng thành. Cựu thủ tướng Indira Gandi từng học trường này. Nhà văn, nhà kinh tế Sen cũng vậy. Sen là người nhận giải Nô Ben về kinh tế năm 1998.)… Nhiều nhà làm phim, học giả, nghệ sỹ lớn cũng trưởng thành từ ngôi trường do Tagore sáng lập…

“Where the mind is without fear and the head held high.Where knowledge is free; Where the world has not been broken up into pieces by narrow walls…where the clear river of reason has not lost its way into the desert sand; Into that heaven of freedom, My Father, let my country awake”. (Nơi đâu tâm trí không có sự sợ hãi và người đi đầu  giữ lòng dũng cảm. Nơi đâu sự am hiểu được tự do; Nơi thế giới không bị phá vỡ thành các mảnh của những bức tường hẹp. Nơi dòng sông trong mát của lẽ phải không bị mất đi trên đường mình vào cát sa mạc. Say mê với thiên đàng của tự do, để Cha Thiên Thượng thức tỉnh đất nước tôi.”…

Đó là lời của Tagore đề cập tới những vấn đề không thể thiếu và kết quả mà nó đem lại cho một nền giáo dục khai sáng. Nên nhớ nhân vật huyền thoại này của nền giáo dục Ấn Độ xuất hiện cách nay đã hơn một trăm năm, ở một nước thuộc địa, có cùng hoàn cảnh kinh tế, dân trí và sự lạc hậu như VN cùng thời. Nói về khó khăn trong việc đặt nền móng cho một nền giáo dục tiên tiến, hẳn những người đi đầu ở Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn gấp bội ở VN, bởi Ấn Độ là một nước quá đông dân, với nhiều thành phần các dân tộc, và sự phức tạp của một đất nước đa tôn giáo…

Sở dĩ người viết phải dài dòng dẫn dắt câu chuyện trên như một ví dụ minh chứng cho một mô hình giáo dục thành công bởi từ một con người, cũng Asian như chúng ta, để muốn nói rằng, những ồn ào và đặc biệt tốn kém về những cái gọi là “Cải cách giáo dục” mà bấy lâu người dân phải nghe, nó không có những yếu tố mang tính HẠT NHÂN như nhân vật vừa đề cập ở đây. Mấy năm trước, ngành giáo dục manh nha một đề án soạn thảo lại bộ sách giáo khoa. Chỉ mỗi việc đó thôi, nghe báo chí phản ảnh tiêu tốn tới cả trăm tỷ, ngàn tỷ?…

Thực ra, sự vô cảm của xã hội trước mọi hiện tình đất nước là cái đập vào mắt mỗi người. Hàng ngày chúng ta ít nhiều đều được chứng kiến những thái độ hay hành động vô cảm. Vô cảm len lỏi vào trong suy nghĩ mỗi người. Vô cảm cư trú, định cư lâu dài trong mỗi gia đình người Việt một cách hợp pháp; thậm chí  dưới hình thức này hay hình thức khác, nó còn được khuyến khích…

Một trong những biểu hiện vô cảm làm nhức nhối chúng ta, những bậc phụ huynh, đó là cảnh những bạn học cùng lớp, nam thanh nữ tú xúm quanh thản nhiên xem, quay clip cảnh bạn mình bị chính các bạn mình hành hung. Một cô gái xinh xắn, đáng thương, ngồi yên chịu trận trước những cái đạp, những cái tát, đá, đấm, lôi giựt tóc, xé áo lột quần, kèm theo những sỉ vả lăng nhục…là những hình ảnh người ta bắt gặp thường xuyên tới mức như bữa ăn sáng, nếu không giữa đời thường, thì có đầy trên “mạng”…

Đấy là “thành tích” nổi bật của nền giáo dục VN? Nó có là vấn đề lớn đáng cảnh báo không, hay nó chỉ được coi là chuyện vặt trong mắt những nhà quản lý, những nhà chức trách? Có ai, những chuyên gia tâm lý, những nhà giáo dục, nhà giáo nhân dân, những giáo sư tiến sỹ, bỏ công sức và thời giờ nghiên cứu xem đó chỉ là hiện tượng tự phát, hay nó có gốc gác sâu xa? Nó thuộc bản chất giống nòi, hay là liều thuốc của chủ nghĩa hiện sinh đầu độc, tiêm chích, ngấm vào, làm “biến đổi gen” tư duy? Sự xâm hại trầm trọng về thể xác lẫn tinh thần của người khác đến như thế và tràn lan, trong khi những cơ quan chức năng như công an đã có chủ trương gì để loại bỏ vấn nạn đó ra khỏi học đường?

Ngay cả tổ chức đoàn trường, đội cờ đỏ, hay ban giám hiệu nhà trường, dường như cũng vô can. Họ là những thành phần vô cảm nhất và trước tiên cho “nền giáo dục nước nhà”? Chỉ có một nền giáo dục nhân văn mới “trồng” được những sản phẩm con người như hoa thơm trái ngọt cho xã hội tương lai. “Tự do suy nghĩ” cho học sinh là thông điệp mà một nhà giáo đã chuyển tải tới chúng ta, tới hết thảy mọi người. Thật chớ trêu, mô hình giáo dục khai sáng đó, không xuất hiện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, không nảy sinh trong “thiên đường cộng sản”. Nền giáo dục VN hiện nay vẫn là nền giáo dục ngục tù, u tối. Những ánh đuốc Đỗ Việt Khoa, Trần Thị Lam, vừa lóe lên trong màn đêm của nền giáo dục nô lệ, đã bị dập tắt, hoặc cô lập để nó không phát huy được sức nóng hay sự lan tỏa. Nếu môi trường xã hội VN hôm nay, chỉ cần được như môi trường đất nước đông dân thứ nhì thế giới, cách nay hơn một thế kỷ, đang bị đô hộ bởi đế quốc thực dân như Ấn Độ, thì Thầy Giáo Đỗ Việt Khoa, Cô Giáo Trần Thị Lam… cũng đã là những Tagore của VN rồi!…

Vấn đề cho nền giáo dục VN, không phải là áp lực nào lên học sinh, không phải chọn cách đánh giá học lực hay vấn nạn dạy thêm, học thêm; Cũng không phải là cách mà phụ huynh, hay nhà trường quan tâm thế nào tới học sinh… Vấn đề của mọi vấn đề là, con em chúng ta đang phải đầm mình trong cái “Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa”… 

Tin bài liên quan:

VNTB- Làm sao ngăn nổi lòng Dân!

Phan Thanh Hung

VNTB- Cá chết Hồ Tây: Hai bài viết, một mục tiêu

Phan Thanh Hung

VNTB- Chúng ta còn đợi bao lâu nữa?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo