Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam Kiểm Soát Tôn Giáo ra sao?( bài 1)

Nguyễn Tiến – Quang Phạm

 

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam sử dụng ba cơ quan chủ chốt của chính phủ, cùng với một số luật lệ và ba chiến lược chính để kiểm soát đời sống tôn giáo của người dân

 

Bài 1: Tôn giáo dưới sự kiểm soát của nhà nước và tự do tôn giáo ở Việt Nam 

 

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sử dụng các tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát để kiểm soát đời sống tôn giáo và đe dọa, gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo độc lập phải phục tùng. Tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát là một nhóm hoặc tổ chức tôn giáo hoạt động dưới sự ảnh hưởng trực tiếp, chỉ huy, hoặc kiểm soát của chính phủ. Chính phủ có thẩm quyền rộng lớn đối với các tổ chức này, bao gồm việc bổ nhiệm các lãnh đạo, quản lý tài sản, thực hành tôn giáo, và thậm chí luôn cả việc diễn giải giáo lý.

 

Sáu tổ chức tôn giáo do Nhà nước chỉ đạo và kiểm soát:

  1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam; GHPGVN. 
  2. Chi phái Cao Đài 1997; hay gọi là Chi phái 1997
  3. Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (GHPGHH) được công nhận; 
  4. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc);  
  5. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam);  
  6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, UBĐKCG.

Chính phủ Việt Nam sử dụng ba cơ quan chủ chốt của chính phủ, cùng với một số luật lệ và ba chiến lược chính để kiểm soát đời sống tôn giáo của người dân thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.

Các cơ quan chính phủ chủ chốt gồm có: 

  1. Ban Tôn giáo Chính phủ;  
  2. Bộ Công an;  
  3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  

Các luật, bộ luật chủ chốt bao gồm:  

  1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016
  2. Luật Đất đai năm 2013.  
  3. Bộ luật hình sự năm 2015.  
  4. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Ba chiến lược kiểm soát gồm có:  

1. Thay thế: Chính phủ cấm các nhóm tôn giáo độc lập có từ lâu đời và tạo ra các tổ chức tôn giáo mới thay thế do nhà nước kiểm soát. Các tổ chức này bắt chước tên, cơ cấu và chức năng của các tổ chức tôn giáo gốc, nhưng được ĐCSVN và chính phủ chỉ đạo nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà nước, không nhất thiết là phục vụ tôn giáo và các tín đồ. Các ví dụ bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương GHPGHH được chính phủ công nhận. 

2. Thoả hiệp/khuynh loát: Chính phủ khuyến khích tôn giáo tuân thủ các chính sách của nhà nước bằng cách trao cho các tổ chức tôn giáo hiện hữu sự công nhận pháp lý, nới lỏng các hạn chế về hoạt động tôn giáo, cấp phép xây dựng cơ sở thờ tự và gia tăng các lợi ích khác. Các thành viên và lãnh đạo của tôn giáo có thể cho rằng hoạt động trong hệ thống chính phủ kiểm soát chặt chẽ là cách duy nhất và tốt nhất để thực hành đức tin của họ. Ví dụ gồm có: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam).

3. Xâm nhập: Chiến lược này được sử dụng khi chính phủ không thể kiểm soát hoàn toàn một nhóm tôn giáo do nhóm này có liên kết với tổ chức ở ngoài biên giới Việt Nam.

Vì vậy Chính phủ thành lập và sử dụng một tổ chức tôn giáo giả mạo mà các thành viên cũng đồng thời là thành viên của tổ chức tôn giáo thực sự. Các thành viên này có thể được sử dụng để diễn giải giáo lý và thực hành tôn giáo phù hợp với chương trình chính trị và chính sách của ĐCSVN. Một ví dụ của chiến lược này là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.  

Thông qua các luật và chiến lược kiểm soát này, cùng với các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát và các nghi lễ, lễ hội, và cách thờ tự đã được nhà nước phê duyệt, chính phủ Việt Nam cố gắng cho quốc tế thấy họ tôn trọng và bảo vệ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo. Đồng thời, chính phủ cũng đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế về các vi phạm tự do tôn giáo hoặc niềm tin mà họ gây ra như: quấy rầy, đe dọa, giam giữ, bỏ tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và các hành vi bức hại khác để đàn áp các tổ chức và hoạt động tôn giáo độc lập. 

  1. BỐI CẢNH VÀ PHƯƠNG PHÁP

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vào tháng 10 năm 2023, chính phủ Việt Nam báo cáo rằng khoảng 27% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 26,5 triệu người, là tín đồ của các tôn giáo. (1) Tuy nhiên, chính phủ cũng lưu ý rằng mặc dù phần lớn dân số không theo tôn giáo nào, nhưng khoảng 95% dân số có đời sống liên quan đến tôn giáo và niềm tin hoặc duy trì một hình thức tín ngưỡng nào đó.( 2) Dữ liệu từ cuộc kiểm tra dân số năm 2019 cho thấy người Công giáo chiếm 44,6% tổng số tín đồ các tôn giáo, Phật giáo chiếm 35%, Tin Lành chiếm 7%, và Cao Đài, Hòa Hảo, cùng các nhóm tôn giáo nhỏ khác chiếm 13,4% còn lại.( 3)  

Phúc trình của Ủy Hội Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ  mô tả cách ĐCSVN và chính phủ sử dụng sáu tổ chức tôn giáo do nhà nước chỉ huy/điều khiển để kiểm soát các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số, gây thiệt hại đến quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin (FoRB) được quốc tế bảo đảm. Cuộc nghiên cứu đưa đến phúc trình này bao gồm việc xem xét kỹ càng các tài liệu, nghiên cứu các trường hợp điển hình, và các cuộc phỏng vấn phẩm chất cao với các nhân chứng và cộng đồng quan trọng để tìm ra

phương cách mà chính phủ Việt Nam đã sử dụng các tổ chức tôn giáo do nhà nước chỉ huy/điều khiển để kiểm soát đời sống tôn giáo trong nước và tác động của nó đối với tình trạng tự do tôn giáo.

  1. Các Cơ Quan Chính Của Đảng Và Chính Phủ Dùng Để Kiểm Soát Tôn Giáo

Ba cơ quan chủ chốt của Đảng và Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chịu trách nhiệm đóng góp vào việc phát triển luật pháp và xác định tính hợp pháp của các hình thức và biểu hiện của tôn giáo. MTTQVN ảnh hưởng đến các tổ chức tôn giáo thông qua các lãnh đạo tôn giáo được nhà nước bổ nhiệm. Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ, có trách nhiệm ban hành luật để quy định việc thực hành tôn giáo, phê duyệt và giám sát hoạt động của các tổ chức tôn giáo được chính phủ phê chuẩn, và chỉ đạo việc bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo. Bộ Công an thực thi pháp luật và giám sát các cộng đồng tôn giáo thông qua Tổng cục An ninh nội địa. 

Sơ đồ dưới đây thể hiện các cơ quan và vai trò, vị thế của chúng. Các cơ quan Đảng và Chính phủ cùng nhau theo dõi, giám sát các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát qua hai cách tiếp cận:

(1) tác động thông qua các lãnh đạo tôn giáo được bổ nhiệm và (2) phát triển và thực thi các luật kiểm soát tổ chức tôn giáo và thực hành tôn giáo.

Sơ đồ về quan hệ giữa ĐCSVN và các cơ quan chính phủ có trách nhiệm về kiểm soát tôn giáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN)  

ĐCSVN thành lập MTTQVN vào năm 1955 với vai trò cánh tay chính trị nối dài của Đảng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1955–1975). Vào tháng 2 năm 1977(4), tổ chức này được tái lập để giám sát và kiểm soát đời sống chính trị và xã hội của toàn bộ công dân thông qua các tổ chức liên kết như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Nông dân. Điều 9 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (5) nêu rõ rằng: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.” Mặc dù được mô tả là “liên hiệp tự nguyện,” thực tế là bất kỳ tổ chức tôn giáo nào muốn được đăng ký và công nhận, ngoại trừ Giáo hội Công giáo, phải tham gia MTTQVN. Hơn nữa, Điều 4 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định rằng MTTQVN tham gia soạn thảo các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và giám sát việc thực thi luật pháp và chính sách của chính phủ về niềm tin, tôn giáo.

Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, đã phát biểu vào năm 2016 rằng mục tiêu của MTTQVN trong vấn đề tôn giáo là đề xuất các chính sách tôn giáo với ĐCSVN và chính phủ, giám sát việc thực hiện các chính sách này và theo dõi các hoạt động tôn giáo, chủ yếu thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát (6) Ông cũng nhấn mạnh rằng MTTQVN giám sát các vấn đề liên quan đến nhân quyền trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và ngăn chặn việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc và nhân quyền để gây tổn hại đến sự đoàn kết quốc gia (7) Để thực hiện điều này, MTTQVN đã tham gia vào quá trình soạn thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Sự tham gia cụ thể của MTTQVN trong quá trình lựa chọn lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam chưa rõ ràng, vì hầu hết các tài liệu nội bộ của tổ chức này đều được dán nhãn “mật” (sẽ được đề cập bên dưới). Tuy nhiên, các lãnh đạo cấp cao của tất cả các tôn giáo được công nhận đều thường xuyên tham gia vào MTTQVN và một số thậm chí còn tham chính. Vào năm 2021, MTTQVN đã đề cử tám chức sắc tôn giáo vào Quốc hội. Họ được chọn từ các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát, và năm người trong số đó đã được đắc cử (8)

MTTQVN cũng đóng vai trò “tòa án tôn giáo.” Tổ chức này làm việc với Ban Dân vận (9) của ĐCSVN để quyết định xem một “hình thức tôn giáo mới”; có được coi là “dị giáo” ; hay không và liệu một nhóm tôn giáo có nên bị loại bỏ hay không (10) MTTQVN đã dẫn đầu các nỗ lực của chính phủ nhằm triệt tiêu một số tổ chức tôn giáo độc lập, như: Đạo Cao Đài chân truyền (thành lập năm 1926) và gần đây là các nhóm tôn giáo dân tộc nhỏ như nhóm Hà Mòn ở Tây Nguyên và các nhóm Dương Văn Minh và Bà Cô Dợ ở Cao Nguyên Tây Bắc.

Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP)  

Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) được thành lập vào ngày 2 tháng 8 năm 1955 và đặt dưới quyền Thủ tướng, nhằm giám sát các vấn đề tôn giáo. Năm 1993, Nghị định 37-CP giao nhiệm vụ cho BTGCP quản lý các hoạt động tôn giáo, bao gồm điều phối và soạn thảo các luật và chính sách về tôn giáo(11) Vào ngày 8 tháng 8 năm 2007, chính phủ đã ban hành Nghị định 08/ND-CP, chuyển BTGCP từ Văn phòng Thủ tướng sang Bộ Nội vụ(12)

Mặc dù BTGCP được cho là không thực hiện các chức năng liên quan đến an ninh hoặc chống khủng bố, nhưng cả bốn người đứng đầu gần đây của BTGCP đều là các sĩ quan Công an cấpcao, với kinh nghiệm làm việc trong Tổng cục An ninh của Bộ Công an (MPS). Người đứng đầu hiện tại của BTGCP, ông Vũ Chiến Thắng, từng là Thiếu tướng Công an.(13, 14)

Bộ Công an (Bộ CA) và Tổng cục An ninh (A02)  

Bộ CA là cơ quan thực thi pháp luật của Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam. Bộ CA giám sát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập và can thiệp vào các hoạt động của họ bằng cách giam giữ, thẩm vấn, đánh đập và đe dọa các tín đồ. Bộ CA còn khởi tố những người đấu tranh cho tự do tôn giáo bằng tội danh liên quan đến an ninh quốc gia.

Dưới sự giám sát của AO2, Tổng cục An ninh của Bộ CA ở Hà Nội, các văn phòng An ninh nội địa tại các tỉnh thực hiện chính sách quốc gia nhằm mục tiêu vào các nhóm tôn giáo độc lập, nhằm chiêu dụ thành viên của các nhóm này gia nhập các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.

Giám đốc A02 tỉnh Đắk Nông báo cáo rằng nhiệm vụ của văn phòng ông là đảm bảo cho “người dân sống tốt đời đẹp đạo”; và ngăn chặn “một số tôn giáo lạ và tà đạo xuất hiện” (15)

Bộ CA cũng nhắm vào những cá nhân và nhóm báo cáo các vi phạm nhân quyền. Vào tháng 7 năm 2021, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp thực hiện các cuộc đột kích để bắt và giam giữ một số người. Tất cả các phiên thẩm vấn tiếp theo đó tại đồn Công an đều xoáy vào cách thức và lý do những cá nhân này đã báo cáo các vi phạm nhân quyền lên Liên Hợp Quốc(16) Vào tháng 3 năm 2024, Bộ CA đã chỉ định nhóm Người Thượng vì Công lý—một tổ chức nhân quyền được thành lập vào năm 2018 bởi một nhóm tín đồ Thiên chúa giáo người Thượng tị nạn ở TháiLan—là một tổ chức khủng bố. Tổ chức này đã đưa ra gần 200 báo cáo về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Tây Nguyên. Vào tháng 1 năm 2024, chính phủ Việt Nam đã tuyên án vắng mặt một trong những người đồng sáng lập, ông Y Quỳnh Bdap, 10 năm tù về tội khủng bố.

Tính đến tháng 9 năm 2024, ông Bdap đang có nguy cơ bị chính phủ Thái Lan dẫn độ về VN theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam(17) Một ví dụ khác là vào năm 2011, Tổng cục A02 đã dẫn đầu cuộc đàn áp tàn bạo của Bộ CA đối với cuộc biểu tình của người Mông theo đạo Tin Lành ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.  Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Đại tá Hoàng Hà thuộc A02 tỉnh Điện Biên thừa nhận rằng văn phòng ông đã bắt giữ 107 nghi phạm và triệt phá ba nhóm “phản động đội lốt tôn giáo” trong cộng đồng người Mông (15)

  1. Các Luật Chủ Chốt để Kiểm Soát Tôn Giáo  

Mặc dù Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 18 và Nghị định số 162/2017/ND-CP 19 cung cấp một khung pháp lý cho sự can thiệp của chính phủ vào đời sống tôn giáo, một số văn bản pháp luật khác cũng áp đặt thêm các quy định đối với hoạt động tôn giáo. Các văn bản này bao gồm Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Bộ luật hình sự năm 2015, và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Chính phủ cũng ban hành các nghị định để thực hiện và bổ sung cho các luật này và làm rõ quan điểm chính thức của họ.

Ngày 31 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm đó đã ký Nghị định 1940/CT-TTG, khẳng định rằng các tài sản từng thuộc sở hữu của các tổ chức tôn giáo nhưng được nhà nước quản lý và sử dụng trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 sẽ được điều chỉnh theo hiện trạng. Chính sách “không trả lại” này về cơ bản đã hợp pháp hóa việc tịch thu tất cả các tài sản mà chính phủ đã lấy từ các tổ chức tôn giáo trước ngày 1 tháng 7 năm 1991(20)

Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (LTNTG) 

Điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ một cách rộng rãi quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo hoặc niềm tin của mọi cá nhân, bao gồm “quyền tự do

tư tưởng về mọi vấn đề, niềm tin của cá nhân và cam kết đối với tôn giáo hoặc tín ngưỡng.” (21)

Trong LTNTG 2016, chính phủ Việt Nam đã chọn thuật ngữ “Tin ngưỡng” cho khái niệm tín ngưỡng, thuật ngữ này truyền tải ý nghĩa “niềm tin vào các yếu tố thiêng liêng và siêu nhiên” loại trừ tư tưởng và/hoặc lương tâm. Diễn giải hạn hẹp này hạn chế quyền được nêu trong Điều 18, cho phép chính phủ đàn áp bất kỳ tín ngưỡng nào mà họ cho là gây hại cho ĐCSVN, trong khi lại mô tả LTNTG 2016 như là khung pháp lý thích hợp để thực thi tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng(22)

Quy trình thực thi LTNTG 2016 cho BTGCP quyền đơn phương từ chối bất kỳ cá nhân nào “không như ý muốn của họ” đảm nhiệm vị trí then chốt trong tổ chức hoặc nhóm đăng ký. Các khoản 1 và 2 của Điều 33 quy định rằng một tổ chức tôn giáo được công nhận phải cung cấp cho BTGCP danh sách các chức sắc tôn giáo họ bổ nhiệm để BTGCP phê duyệt trong vòng 20 ngày kể từ ngày bổ nhiệm. Điều 36 trao quyền cho BTGCP bãi nhiệm các chức sắc tôn giáo khỏi vị trí của họ thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.

Chương IV và VI của Luật này bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các hoạt động của mình với chính quyền địa phương, tỉnh, và trung ương, và phải hàng năm thông báo và xin phép chính quyền để được thực hiện các hoạt động tôn giáo đó. Điều 21 và 30 cho phép một tổ chức tôn giáo nộp đơn xin tư cách pháp nhân sau 5 năm hoạt động liên tục (23)

Luật Đất đai năm 2013 24 và Luật Xây dựng năm 2014 25  Điều 159 của Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa thế nào là đất tôn giáo và trao quyền cho chính quyền cấp tỉnh (được gọi là “Ủy ban nhân dân”) quyết định những trường hợp này. Điều 103(2) của Luật Xây dựng năm 2014 quy định chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép hay không cho phép xây dựng cơ sở tôn giáo. Các luật này quy định việc sử dụng đất cho các mục đích tôn giáo.

Bộ luật hình sự năm 2015(26)  

Bộ CA sử dụng nhiều điều khoản trong Bộ luật hình sự để nhắm vào các nhóm tôn giáo độc lập, bao gồm Điều 113, quy định tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; Điều 116, quy định tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết”; Điều 117, quy định tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”; và Điều 331, quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” 

Chính phủ cố ý diễn giải rộng rãi vượt quá phạm vi của các điều khoản này, để cho phép họ truy tố những người ủng hộ tự do tôn giáo và/hoặc thực hành tôn giáo độc lập. Bộ CA cũng sử dụng các điều khoản này để nhắm vào các thành viên của các cộng đồng dân tộc tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 (27)  

Điều 8 và 19 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 phân loại bí mật nhà nước thành ba cấp độ và cho phép bảo mật trong thời gian nhất định: tối mật (30 năm), mật (20 năm) và tuyệt mật (10 năm). Chính phủ có quyền gia tăng thời hạn bảo mật vô thời hạn.

Vào tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm đó đã công bố Quyết định 1722/QĐ-TTg, (28) khẳng định rằng ĐCSVN đã cài cắm đặc vụ vào các tổ chức tôn giáo. Quyết định này xác định rằng các thông tin liên quan đến những đảng viên “được lựa chọn, sắp xếp và tuyển dụng” bởi chính quyền trong các tổ chức tôn giáo là thông tin mật.

(còn tiếp)

(*) Dịch theo Tài liệu của UỶ HỘI TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ HOA KỲ – USCIRF – State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam


 

Tin bài liên quan:

Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công cố Bản Phúc Trình 2021

Phan Thanh Hung

VNTB – Phát biểu của nhân chứng các tôn giáo bị nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo (bài 2)

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam phá hoại tôn giáo như thế nào? (bài 2)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo