Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam chờ Nhật cứu Vịnh Hạ Long trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản thiên nhiên

 Dân Trần

 

(VNTB) – Sau mấy mươi năm dưới chế độ cộng sản: Vịnh Hạ Long bị san lấp thô bạo, ô nhiễm nặng nề, rác trôi lềnh bềnh, nước đen ngòm và có nhiều vết dầu loang trên mặt biển

 

UNESCO sẽ được cử một nhóm chuyên gia đến Việt Nam, để đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với việc bảo tồn vịnh Hạ Long, do lo ngại việc phát triển các dự án dọc bờ biển có thể đe dọa đến điểm du lịch được công nhận là “di sản thiên nhiên thế giới” này. Reuters dẫn thông tin từ UNESCO ngày 20/12. (1)

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là “di sản thiên nhiên thế giới” từ năm 1994, và nhà nước CSVN vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm được vinh danh vào ngày 14/12 mới đây. Khu vịnh này có diện tích khoảng 1.553km2, với 1969 hòn đảo lớn nhỏ. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của vịnh Hạ Long đã trải qua 500 triệu năm, từ đó tạo ra hệ sinh thái đa dạng sinh học gồm rừng, biển, ven bờ; với 17 loài thực vật đặc hữu và 60 loài động vật đặt hữu.

Từ 500 năm trước Nguyễn Trãi đã ca ngợi vịnh này là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao” trong bài “Lộ nhập Vân Đồn”. Vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương, nữ sỹ Hồ Xuân Hương cũng có nhiều vần thơ ca ngợi tuyệt tác thiên nhiên này.

Tuy nhiên sau khi bị CSVN quản lý thì bây giờ vịnh này chẳng khác nào bãi rác! “Nếu xác định được các mối đe dọa gây nguy hiểm đến tính toàn vẹn và đặc điểm nổi bật giúp vịnh Hạ Long được đưa vào danh sách di sản thế giới, UNESCO có thể yêu cầu các biện pháp cứng rắn để khắc phục và bảo vệ di sản này”, đại diện UNESCO nói với Reuters. (1)

Tình trạng vịnh Hạ Long thực ra đã bị báo động từ 18 năm trước, năm 2006 trên báo Tuổi Trẻ đã có bài viết tựa đề “Di sản vịnh Hạ Long: Nhiều đảo có nguy cơ biến mất”. Bài báo này đã mô tả rằng “Còn ngoài mặt vịnh, dọc trên các tuyến hành trình của du thuyền, có thể nhìn thấy rất rõ những đảo đá bị trượt mất đi cả một vách lớn dài rộng hàng trăm mét vuông và vết tích để lại là những mảng đỏ màu gỉ sắt, màu trắng đục tựa như những vết rồng cào khổng lồ”. (2)

Trong 10 năm trở lại đây, báo chí trong nước thường xuyên phản ánh rằng vịnh Hạ Long “bị tác động thô bạo” do nhà cầm quyền đổ hàng nghìn khối bê tông thẳng xuống vùng lõi vịnh để làm kè, cầu cảng mà chưa có đánh giá tác động môi trường. Rất nhiều dự án lấn biển được nhà chức trách cho phép doanh nghiệp san lấp vịnh để làm bất động sản. Khu vực lấn biển kéo dài hàng cây số và rộng hàng nghìn hecta, những căn nhà tại khu vực này có giá lên đến hàng chục tỷ tùy theo từng vị trí.

Còn về ô nhiễm thì tháng 11/2023, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel đã đưa vịnh Hạ Long vào danh sách “No list 2024” (9 điểm nên dừng ghé thăm trên thế giới). Theo Fodor’s Travel, trong các chuyến du ngoạn trên vịnh, du khách thường xuyên nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng với những vệt dầu diesel loang lổ. (3)

Ngoài ra còn là nước thải sinh hoạt của các nhà hàng, chợ, khu dân cư dọc bãi biển… Cùng với đó là việc các cơ quan chức năng địa phương đã không quản lý chặt chẽ, để cho người dân tự tiện lắp lồng bè nuôi thuỷ sản (hàu, tôm) trái phép xung quanh vịnh. Các loại rác thải này đã gây ra cuộc khủng hoảng môi trường trên vịnh Hạ Long. Lượng rác khổng lồ còn mắc vào rừng ngập mặn, chân đảo đá khi nước xuống và trôi dạt ra biển khi thủy triều lên.

Đầu năm 2023, sự cố môi trường biển chưa từng có đã xảy ra tại vịnh Hạ Long khi hàng triệu tấm phao xốp bị ngư dân thẳng tay ném xuống biển. Địa phương phải bỏ ra hàng trăm tỷ, mất vài tháng để thu gom, xử lý lượng phao xốp trôi nổi trên vịnh.

Hồi tháng 4, một tài khoản mạng xã hội có tên Patricia Mayerhofer phàn nàn về tình trạng ô nhiễm môi trường trên mặt nước vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng). Tài khoản này viết: “Chúng tôi vừa có chuyến đi tham quan bằng tàu tới vịnh Lan Hạ và Hạ Long. Cảnh rất đẹp và chuyến đi suôn sẻ. Nhưng tôi nghĩ không ai nên tới đây nữa vì rác thải ở khắp nơi trên biển, thậm chí có vết dầu loang trên biển. Thật tệ, thật đáng xấu hổ khi Việt Nam có phong cảnh đẹp mà tình trạng như vậy xảy ra. Nếu tôi biết trước như vậy, tôi đã không bao giờ đi”. (4)

Vậy nhưng, hiện nay CSVN vẫn không có tiền để xử lý nước thải, ô nhiễm tại vịnh Hạ Long, mà phải chờ vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện dự án xử lý nước thải sinh hoạt TP Hạ Long. Tổng mức đầu tư của dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt là gần 3.200 tỷ đồng, tương đương 143,13 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA) là khoảng 115 triệu USD; số còn lại là vốn đối ứng trong nước. (5)

Tuy nhiên, dự án này đã nhen nhóm từ gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa đi tới đâu! Có khi vay tiền Nhật về thì các quan ăn chia với nhau rồi đâu lại vào đó, dân vẫn nộp thuế trả nợ và vịnh thì vẫn ô nhiễm. Đó là chỉ nói về xử lý nguồn nước, còn san lấp mặt bằng, phân lô bán nền khu vực ven biển thì cho dù bây giờ có dừng lại thì mọi chuyện cũng đã rồi, làm sao trả lại được như tình trạng tự nhiên ban đầu!

 

____________________

Tham khảo:

(1) https://tienphong.vn/unesco-sap-danh-gia-rui-ro-co-the-xay-ra-voi-vinh-ha-long-post1702665.tpo

(2) https://tuoitre.vn/di-san-vinh-ha-long-nhieu-dao-co-nguy-co-bien-mat-157136.htm

(3) https://tienphong.vn/vinh-ha-long-dang-o-canh-bao-do-post1588687.tpo

(4) https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-khach-nuoc-ngoai-neu-biet-vinh-ha-long-o-nhiem-nhu-vay-da-khong-den-20240419091815949.htm

(5) https://laodong.vn/xa-hoi/o-nhiem-nghiem-trong-nguon-nuoc-ven-bo-vinh-ha-long-1271130.ldo

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá gạo tăng cao, đừng mừng vội: nông dân vẫn không đủ sống

Do Van Tien

VNTB – Văn hoá Marx- Lenin độc tài và lừa đảo còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa?

Do Van Tien

VNTB – Bàn Về Tiêu Chuẩn Làm Tổng Bí Thư ĐCSVN

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo