Anh Văn
(VNTB) – Cánh buồm – tên một nhóm dân sự chuyên về giáo dục tại Hà Nội đang có những bước tiến vững chắc trong vấn đề “khai trí” ngay trong nền giáo dục Việt Nam.
Trong khi Bộ Giáo dục Việt Nam vẫn đang loay hoay với đề án ngàn tỷ về cải cách giáo dục, khiến học sinh và phụ huynh phải chạy bở hơi tai. Cũng như những phát ngôn đầy tính “nhân văn” của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Thì ở Hà Nội, một nhóm giáo dục dân sự vẫn đang ngày đêm giong Cánh Buồm cho dự án sách giáo khoa (SGK) cho cấp tiểu và trung học.
Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Sơn Nam đã phải nhấn mạnh: “Đây là một biến cố về văn hoá giáo dục.” Bởi theo ông bộ sách đã bắt kịp với nội dung giảng dạy ở các nước tiên tiến. Cụ thể, bộ sách cho phép các em học sinh “tưởng tượng, tìm tòi và thuyết phục” – đảm bảo khả năng tự trưởng thành gắn liền với năng lực và sáng tạo. Nó xóa bỏ hoàn toàn mô hình đọc – chép trong giáo dục hiện nay, đưa người học sinh trở về trung tâm của giáo dục và cho phép cá thể tự giáo dục mình (tự học – tự giáo dục là chủ trương của nhóm Cánh Buồm).
Cú sốc giáo dục mà nhà triết học Bùi Văn Sơn Nam chỉ ra không lạ, học sinh Trung học cơ sở có thể làm nghiên cứu khoa học bởi trẻ em tiểu học của nhóm Cánh Buồm đã có thể “viết được tiểu luận, và mở hội thảo do các em tự soạn thảo” (nhà giáo Phạm Toàn từng nói).
Việc cho ra mắt bộ sách Văn – Tiếng Việt vào ngày 19/11 là bước đi dài hơi tiếp theo mà nhóm Cánh Buồm thực hiện, nó hiện thực hóa quan điểm của nhóm này, tức là không còn dừng ở việc phê phán nền Giáo dục đương thời mà đưa ra một phương cách nhân bản – hiện đại nhằm “phát triển Giáo dục khác với những gì đang được xã hội lo lắng và đang bị phê phán”.
Sự ra đời nhóm sách Văn – Tiếng Việt và tiếp theo là Lối sống là tập trung mạnh vào những mốn khó nhất dựa trên nguồn lực còn nhiều hạn chế. Với Tiếng Việt, theo nhóm Cánh Buồm là để người học có sự am tường ngôn ngữ học đối với tiếng mẹ đẻ; với Văn là sự am tường về mỹ học và thay thế những bài “làm văn” xơ cứng, khô cằn; Lối Sống là sự tôn trọng tư tưởng và hỗ trợ người học thói ngòi nổ xung đột trong cuộc sống chung.
Trong lá thứ ngày 15/11 gửi đến những người quan tâm đến bộ sách giáo dục của nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn cho biết: Mọi người cùng chung tay vì đất nước, không vì điều gì khác, chỉ vì một nghĩa vụ hồn nhiên đóng góp hết sức minh cho nền Giáo dục quốc dân và là quốc dân Việt Nam ngay ngày hôm nay.
Nhóm sách Văn – Tiếng Việt dành cho cấp II (lớp 6-7-8-9) sẽ được nhóm Cánh Buồm áp dụng ở hệ thống giáo dục gia đình, lớp học, trường thực nghiệm và sư phạm cũng như trung tâm bồi dưỡng học sinh giỏi.
Nhóm Cánh Buồm được ra mắt vào tháng 11/2009 nhân dịp Hội thảo Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em với sự bảo trợ của Nhà xuất bản Tri thức, tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Đây là một tập thể những người làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam. Hiện nay, bộ SGK Tiếng Việt – Văn lớp 6-7-8-9 (được nhóm Cánh Buồm nhấn mạnh là thành tựu một năm lao động miệt mài của tập thể gần 30 chuyên gia đủ các lĩnh vực: ngôn ngữ, triết học, nhà thơ, dịch giả, giáo dục học, sư phạm) được xuất bản và cho phép tải miễn phí tại địa chỉ: http://www.canhbuom.edu.vn/sachmo/