VNTB – Điều 19.3 BLHS 2015: cô lập giới bất đồng chính kiến!!!

Anh Văn (VNTB)


Chiều 20/6, với 434/457 ĐBQH bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Và đây trở thành ngày đen tối, không chỉ đối với giới Luật sư, mà cả đối với những ai đã và đang hoạt động nhân quyền. 
Cô lập giới bất đồng chính kiến
Với việc thông qua Điều 19.3 BLHS 2015, chính quyền đã chính thức triệt hạ “quyền lực” của giới Luật sư Hình sự, và gián tiếp tước bỏ quyền được bào chữa (vốn là quyền lợi đặc thù, cơ bản của công dân) đối với những người bất đồng chính kiến (khi họ là đối tượng chính bị áp đặt các tội danh xâm hại an ninh quốc gia một cách “mơ hồ”)  khi ra tòa.

Từ lâu, nhà nước luôn sử dụng các Điều luật “mơ hồ” trong Bộ luật hình sự (với các Điều luật như 79, 88, 258 trong BLHS 1999) để “khóa” quan điểm và hành động của những người bất đồng chính kiến – muốn nói lên quan điểm của mình, minh bạch hóa các chủ trương – chính sách của chính quyền, thực hiện quyền con người được ghi nhận trong Hiến Pháp. Giờ đây, với việc thông qua Điều 19.3 BLHS 2015, “xác định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện với tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác” đã khiến những người đấu tranh nhân quyền, cất lên tiếng nói trước bất công lại càng bị cô lập hơn nữa. 
Bởi “Tội khác”, được quy định tại Điều 289 bao gồm các tội danh quy định từ Điều 108 đến Điều 121 về xâm phạm an ninh quốc gia. Trong đó gồm: Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá cơ sở giam giữ); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân).
Với danh sách “tội khác” đầy tính mơ hồ như trên, thì bất kỳ người bất đồng chính kiến nào khi bị chính quyền quy kết vào đều bị tước quyền được bào chữa. Không có bất kỳ một luật sư nào dám đứng ra bênh vực cho một nhà hoạt động nhân quyền hay một nhà bất đồng chính kiến nào cả (bởi họ sẽ đối mặt với an hình sự ngay sau đó). Đồng nghĩa, những Mẹ Nấm, Phạm Quốc Oai, Hoàng Đức Bình, Trần Huỳnh Duy Thức,… đều sẽ bị xử mà không có bất kỳ lời bào chữa hay biện hộ nào từ giới luật sư. Nói chính xác hơn, quy định này, bản chất là nhằm vào giới bất đồng chính kiến, nhằm vào giới luật sư bào chữa cho “tù nhân chính trị”.

Do đó, không sai khi mà một số luật sư chuyên bào chữa cho đối tượng hoạt động nhân quyền coi đây là “ngày đen tối”. Nó không chỉ đen tối đối với chính bản thân đạo đức luật sư, mà đen tối với chính những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam.
Cần nhấn mạnh trở lại, bản thân sự ra đời Điều Luật này mang đậm tính chính trị hơn là về mặc tư pháp.
Phản ứng từ giới luật sư: từ xin lỗi, trả thẻ đến tuần hành đen
Facebooker Hoang Thi Hoa Thom đã lên tiếng, từ bỏ nghề luật sư vì “lương tâm” của bà không cho phép tố cáo thân chủ của mình theo Khoản 3, Điều 19. Bộ luật hình sự. Bà nhấn mạnh, bà “ không thể để bản thân phải lựa chọn giữa lương tâm, đạo đức nghề nghiệp hay tuân thủ pháp luật nên chỉ còn cách là từ bỏ nghề Luật sư để không phải rơi vào tình huống oái oăm này một ngày nào đó!”.
Trong khi đó, LS – ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã có lời xin lỗi trên trang cá nhân đến cử tri là luật sư cả nước, bởi ông đã không bảo vệ được quan điểm của mình “cũng là quan điểm của một số Đoàn luật sư và khá nhiều luật sư đồng nghiệp trên cả nước đồng tâm mong muốn hủy bỏ khoản 3 Điều 19 với nỗi lo bị hình sự hóa quan hệ người bào chữa và thân chủ trong khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.” Theo đó, ông buộc phải chấp nhận kết quả, khi có đến 84,52% số đại biểu tán thành thông qua điều luật này. Và ông đã có văn bản đề nghị Ủy ban đào tạo Liên đoàn luật sư Việt Nam sớm đưa vào chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ miễn phí đối với các luật sư hành nghề tranh tụng hình sự để thực hiện việc tuân thủ pháp luật theo Điều 19.3 BLHS.
Những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam sẽ “cô đơn” hơn tại Tòa sau khi Khoản 3 – Điều 19 được xác lập
Luật sư Luân Lê chia sẻ trên Facebook của mình, khuyến nghị những ai “thực sự quan tâm đến quyền được xét xử công bằng, quyền được bào chữ và quyền được suy đoán vô tội”, có thể mặc áo vest đen và tuần hành trong im lặng đến trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Toà nhà Quốc hội để phản đối Điều 19.3 BLHS 2015 được rồi.
Cũng theo vị Luật sư này, lịch sử sẽ ghi rõ công – tội của 434 vị đã bấm nút thông qua điều khoản này của BLHS, bởi đây là “một nhát dao cốt tử đâm vào nền lập pháp và nền tư pháp.”
Đồng thuận với quan điểm đó, LS Lê Ngọc Luân cũng lên tiếng kêu gọi “tất cả Luật sư Việt Nam thể hiện bản lĩnh, hãy là tấm khiêng bảo vệ vững chải nhất cho Thân Chủ.”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)