Việt Nam Thời Báo

Ai yêu thi hào Nguyễn Du hơn: Tố hữu hay Phạm Thiên Thư?

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Nhìn lại giai đoạn 1954 – 1975, hai miền Nam- Bắc phân chia ở vĩ tuyến 17, đương nhiên nền văn học nghệ thuật Việt Nam cũng có cái “vĩ tuyến 17 trong văn nghệ” và ngày càng khác biệt nhau cho tới 1975.

Văn nghệ sĩ ở miền Bắc được/bị tổ chức quản lý và kiểm soát chặt chẽ, được huấn luyện, học tập về tư tưởng văn nghệ Mác- Lê – Mao. Sáng tác của họ bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, họ chỉ được dồn cảm hứng vào hai chủ đề: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, chống Mỹ can thiệp ở chiến trường miền Nam. Tuy vậy sáng tác văn nghệ của họ chủ yếu ở miền Nam có những thành tựu nghệ thuật khách quan mang tính lịch sử nhất định (chúng tôi sẽ trình bày quan điểm nghiên cứu về chủ đề này trong một chuyên đề kế tiếp).

Văn nghệ sĩ ở miền Nam không bị nhà nước tổ chức quản lý theo một hướng nào, họ thả sức tự do sáng tác. Trong không khí tự do ấy, một bộ phận văn nghệ sĩ chống Cộng sản với nhận thức tự do cá nhân chi phối sáng tác cũng là điều tự nhiên trong cuộc sống.

Trong cuộc chiến một mất một còn, việc tuyên truyền đả kích lẫn nhau giữa hai miền cũng là lẽ thường. Tuy nhiên sự đả kích bằng cách gian dối, bịa đặt, thiếu trung thực thì khó mà chấp nhận được. Ngày nay chúng ta cần trả lại sự công bằng cho những người bị đả kích vô cớ và lên án những kẻ trục lợi văn nghệ mất lương tri.

***

Năm 1973 tác phẩm “Đoạn trường vô thanh” (còn gọi Hậu Truyện Kiều) của nhà thơ Phạm Thiên Thư sinh sống ở Sài Gòn được chính phủ Việt Nam cộng hòa trao tặng giải nhất văn chương miền Nam. Nhận được tin, Tố Hữu ra lệnh cho đài báo viết bài thóa mạ đả kích ầm ĩ, đại thể lời lẽ như “Phạm Thiên Thư là ông sư đội lốt mật vụ ăn tiền của CIA viết “Đoạn trường vô thanh” để bôi bác đại thi hào Nguyễn Du và phá hoại văn hoá dân tộc” … Sau đó, theo con đường giao liên, Tố Hữu nhân danh Hà Nội đã chỉ thị cho TW cục miền Nam tìm kiếm gửi ra cho ông ta một cuốn Hậu Truyện Kiều… Đọc xong Tố Hữu cười gượng “Có gì đâu, chỉ là tinh thần cực đoan văn hóa”, nhưng ông ta vẫn im lặng không cho đài báo đính chính hay nói thêm gì nữa (theo hồi ức của học giả Thái Doãn Hiểu ‘*1’).

Tố Hữu ứng khẩu tùy tiện đẻ ra khái niệm “cực đoan văn hóa”, nghe thực là vô nghĩa, vô lý luận.

Tôi thách đố các nhà lý luận văn hóa học giải thích được quan niệm “cực đoan văn hóa” của Tố Hữu khi nói về nhà thơ thuần túy Phạm Thiên Thư.

Sự thật, nhà thơ Phạm Thiên Thư là ai?

Xem qua tiểu sử sơ lược và sự nghiệp thi ca Phạm Thiên Thư ở đây:
Nhà thơ trẻ vừa tu tại gia vừa làm thơ, thơ tình ái và thơ diễn đạt kinh Phật. Phạm Thiên Thư cho ra mắt tập truyện thơ lục bát “Đoạn trường vô thanh” năm 1969 lúc mới 29 tuổi. Chỉ riêng điều đó đã là một sự ngạc nhiên không bao giờ hiểu nổi của thiên hạ về nhà thơ trẻ sớm có phong cách độc đáo này. Tập thơ được nhiều nhà nghiên cứu phê bình đánh giá cao về lời lẫn ý, được cho là tác phẩm viết tiếp Truyện Kiều thành công nhất ở Việt Nam. Năm 1973,  nhà thơ họ Phạm đã đoạt giải nhất văn chương Việt Nam Cộng Hoà nhờ tác phẩm này. Đoạn Trường Vô Thanh gồm 3290 câu thơ lục bát, miêu tả tiếp tục cuộc đời các nhân vật của Truyện Kiều. Nguyễn Du viết tựa đề bằng chữ Hán “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu đứt ruột mới) thì Phạm Thiên Thư đặt tựa “Đoạn trường vô thanh”, (Nỗi đau đứt ruột kêu không thành tiếng) mà tác giả đã giải thích phần nào ý nghĩa của nó trong bài Tựa do chính tác giả viết :
Đoạn trường Sổ gói tên hoa
Xưa là giọt lệ nay là hạt châu”.
“Vô thanh” như tiếng reo ca bát ngát của nhật nguyệt khiến giọt lệ Vương Thúy Kiều trở thành sợi mây hồng cất cánh vèo bay qua tài mệnh nhị tướng kết nên hạt minh châu viên xá lợi của bậc nguyện vào địa ngục là thái độ tịch nhiên sấm sét của người vác thập tự trong cuộc đoạn trường là vòm trời xanh biếc Việt tính khai mở sau thi hào Nguyễn Du chiếc cầu hư ảo khói sương đưa giả tướng ngôn ngữ rã rời trong một vài trống canh mua vui dưới ngọn Hồng Lĩnh trên ba ngàn dòng thơ cô đọng cỏ hoa sau ba mươi năm tơ tưởng Thúy Kiều và thưa: Những hạt lệ đã nổi cánh thiên hương” (lưu ý: nhà thơ viết liền mạch đoạn văn dài không dùng dấu phảy, chấm – PHN)


Bìa “Đoạn trường vô thanh”, nhà xuất bản Nến hồng, Sài Gòn, 1972
Tập truyện thơ chia làm 27 chương, mỗi chương có tiêu đề gồm bốn từ, nội dung kể tiếp cuộc đời cô Kiều từ sau khi tái hợp với Kim Trọng.
1.   Xưa là giọt lệ
2.   Sớm tếch bến hồng
3.   Ruổi rong nhật nguyệt
4.   Bông chờ bên sông
5.   So dây sóng gợn
6.   Trăm năm sương nổi
7.   Trăm năm sương nổi
8.   Tẩy nước cành dương
9.   Năm cung trường lệ
10.                     Hộp gỗ trầm hương
11.                     Những đêm tàn rượu
12.                     Dậy sóng Tiền Đường
      13. Ngỡ ngàng bọt nước
   14. Hoà tan dặm trường
15. Ào ào ngọn gió
16. Ai để hoa dung
17. Lòng như khối ngọc
18. Khói mờ ngoài sông
19. Nàng rằng suối chảy
20. Chải tóc thu phong
21. Tơ thiêng nhập hoá
22. Mây thu cuộn vàng
23. Bao năm tơ tưởng
24. Lắng tiếng chim vang
25. Kiều ngồi ven suối
26. Báo ngày xuân quang
27. Tìm động hoa vàng
Về nghệ thuật, ngoài giọng thơ nhẹ nhàng mang phong vị thiền đặc trưng của Phạm Thiên Thư ra, tập truyện thơ có những nét đáng chú ý:
Từ đầu tới cuối truyện tác giả không sử dụng điển tích Tàu. Đây là điểm khác dễ thấy nhất so với truyện Kiều của Nguyễn Du. Tác phẩm có dùng điển tích nhưng là rút từ các chuyện dân gian và lịch sử Việt Nam: Mai An Tiêm, Từ Thức, Thánh Gióng, Lưu Thần, Nguyễn Triệu, Trần Hưng Đạo, Hồ Quý Ly… Tác giả đã thoát khỏi lối mô tả ước lệ tượng trưng ngày xưa (như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu…), mà thiên về diễn tả thấm thía, sâu sắc những cảm xúc nội tâm của nhân vật.
Về bút pháp, phần lớn vẫn theo lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, dùng nhiều từ ngữ dân gian như Nguyễn Du, ví dụ: Được thua một trận cười ròn/Cái chi còn lại – họa còn văn chương, Rõ là cái chết anh hùng/ Khiến lòng ta mãi vô cùng xót xa
Mời đọc toàn văn “Đoạn trường vô thanh” 3290 câu, ở đây:
(Nguồn: Phạm Thiên Thư, Đoạn trường vô thanh, NXB Văn Nghệ, 2006)
Năm 1975, mới 35 tuổi Phạm Thiên Thư đã có ngót chục vạn câu thơ. Từ sau đất nước thống nhất ông không làm thơ nữa. Thi sĩ thiền sư hiện là chủ quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), tên quán chắc là để nhắc nhớ đến ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” Phạm Duy phổ nhạc nổi tiếng một thời.
Công chúng âm nhạc lại biết nhiều đến hai bài thơ của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc: Ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng”.Thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc,Phạm Ngọc Lân diễn tấu:https://www.youtube.com/watch?v=7p7fKy-Xcdw

Ca khúc“Ngày xưa Hoàng thị”,thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy, Phạm Ngọc Lân diễn tấu: https://www.youtube.com/watch?v=SP71sNyOgWE
Bàn về truyện thơ Hậu Kiều của Phạm Thiên Thư, chúng ta không nên so sánh tài năng với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người đọc cảm thấy rõ rệt cái tình cảm sâu đậm, vô tư của nhà thơ hậu thế họ Phạm dành cho thi hào dân tộc Nguyễn Du. Điều đó khác hẳn với những kẻ lợi dụng Nguyễn Du, chơi trèo với danh tiếng thi hào cho mục đích tuyên truyền thô thiển, trục lợi chính trị và đánh bóng cá nhân mình như Tố Hữu viết bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du”. Bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” đã từng được trích đoạn vào sách giáo khoa Văn trung học.
Bạn đọc thử so sánh xem Tố Hữu có thấu hiểu thi hào Nguyễn Du và tình cảm dành cho ông có thể sánh được với Phạm Thiên Thư chăng?

Tố Hữu

“Kính gửi cụ Nguyễn Du”
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều…
Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh.
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!
Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…
Nhân tình, nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?
Mai sau, dù có bao giờ…
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!
Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người
Trải bao gió dập sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân!
Ngẫm xem qua kiếp phong trần
Đời vui nay đã nửa phần vui đây (*2)
Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh.
Cũng loài hổ báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay (*3)
Khúc vui xin lại so dây cùng Người !
Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân…

(1-11-1965)



Kết luận
Ngày nay số lượng tác phẩm văn nghệ của hai miền trước 1975 còn lại khá nhiều và đủ mọi xu hướng nên việc chọn lọc, đãi cát tìm vàng, khai thác sử dụng di sản cho thế hệ sau thực là phức khó trong xu hướng hòa hợp dân tộc. Tôi nghĩ cần nhất là phải lấy tiêu chí Chân- Thiện- Mỹ làm thước đo. Sách Văn cho học sinh sẽ được lựa chọn như thế nào để trung thực với lịch sử dân tộc. Đó là vấn đề chắc sẽ còn phải bàn luận nhiều hơn nữa, trước mắt trong việc biên soạn lại sách văn trong đợt cải cách giáo dục sắp tới..
Chú thích
*1. Trích trong sách Những phát hiện độc chiêu kỳ thú” nhà xuất bản Hương viên các (tự xuất bản vi tính) của Thái Doãn Hiểu, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng với bộ sách “Việt Nam thi nhân hiện đại” và cựu giảng viên văn học cổ điển.
*2. Tố Hữu ám chỉ rằng nàng Kiều chỉ được hưởng hạnh phúc ở một nửa nước là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, còn nửa kia ở miền Nam thì “gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh/ Cũng loài hổ báo ruồi xanh /Cũng phường gian ác hôi tanh hại người”(!) .
*3. Tố Hữu viết câu thơ tối nghĩa và kỳ cục: “Hỡi người xưa của ta nay” .


Tin bài liên quan:

7 điểm chất vấn bài vu khống chính trị của báo Sài Gòn Giải Phóng

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội 19 với chính trường Tàu: hậu sinh khả uý!

Phan Thanh Hung

VNTB- “Gặp gỡ cuối năm”: cơ hội trút ấm ức của nhóm nghệ sĩ Hà thành và sự giằng co tuyên giáo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo