Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bàn về NS.Trần Long Ẩn, GS.Mai Quốc Liên và các người “bảo hoàng hơn vua”

 

Phùng Hoài Ngọc

(VNTB) – Nhân theo dõi cuộc họp của cái gọi là “Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật tp. HCM” do Báo Phụ nữ tp.HCM tường thuật, xin trao đổi với Ns.Trần Long Ẩn và Gs.Mai Quốc Liên mấy điều tâm huyết và thất vọng.

 Với nhà báo Phụ nữ tp HCM

Trước hết trao đổi với nhà báo Quốc Ngọc về tựa bài “Truyền thông ‘định hướng’ thị trường đang tạo ra gam màu tối cho đời sống văn hóa” trên báo Phụ Nữ tp. HCM tôi rất ngạc nhiên về cái tựa đề này.

Nhà báo Quốc Ngọc tóm tắt vội vàng: “Góc nhìn của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM cho thấy đang tồn tại những mối nguy hại trong đời sống văn hóa khi chạy theo thị trường, hội nhập mà thiếu nguyên tắc đúng đắn”. Cái dở của tự đề là tránh né không dám chỉ rõ đối tượng phê phán 1à ai (hiểu ngầm là nhà nước chứ gì).

Nhà báo sai lầm ở chỗ rút tít đổ tội cho hệ thống truyền thông định hướng của nhà nước mà bất chấp thực trạng.

Khái quát sai lầm của Hội đồng lý luận VHNT.Tp HCM là không hiểu rõ bản chất của thực trạng dù có nhìn thấy tình trạng u ám và bi đát (theo góc nhìn chính thống quan phương bảo thủ) của đời sống văn nghệ “cách mạng” ở thành phố SG-HCM.

O Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn chủ tịch Liên hiệp Hội VH-NT tp. Hồ Chí Minh hằn học cay cú nói về “Việt Nam cộng hòa”

Hàng chục năm nay thấy NS.Trần Long Ẩn “ẩn danh” trên đài báo, ngỡ là nghỉ hưu rồi. Hoặc là vì thị trường âm nhạc lỡ quên anh ta rồi.

Anh biểu hiện triệu chứng bệnh “kiêu ngạo cộng sản” rõ nét nhất trong đời sống văn học nghệ thuật. Đây là trường hợp mẫu mực của căn bệnh này (nhắn với báo Quân Đội Nhân dân và đài VTV1 nghiên cứu kỹ ca bệnh này thì sẽ hiểu căn bệnh do ông tổ Lê Nin chẩn trị từ hơn trăm năm trước. Bởi các anh đã nhầm lẫn gán bệnh này cho thiếu tướng Lê Mã Lương và một số vị tướng khác).

Trần Long Ẩn than vãn tại Hội nghị có mặt bí thơ Nguyễn Thiện Nhân chủ xị: “63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm”.

Để chứng tỏ lòng trung thành mù quáng và “bảo hoàng hơn vua”, ông nhạc sĩ này chê trách toàn bộ hệ thống đài báo toàn quốc buông lơi “trận địa tư tưởng văn hóa”, không chịu “phản bác” các thế lực thù địch (!)

Trần Long Ẩn nói tiếp “Cục Biểu diễn nghệ thuật Bộ Văn hóa từng bảo tôi, làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. Tôi nghe sốc và đau lắm”.

Tôi hiểu, cái sốc của anh là do nhận thức và trình độ mỹ học và âm nhạc học của ông còn hạn chế bất cập.

Có vẻ ông ta cũng muốn cấm nhạc Sài gòn cũ để cho nhạc “cách mạng” của ông ta không bị cạnh tranh, nên ông ta nói tiếp: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược”.

“Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa” …

Ông Ẩn vẫn còn căm ghét nhạc Việt Nam Cộng Hòa lắm.

Ông Ẩn phản bác Cục biểu diễn nghệ thuật và khối đài báo nhà nước rằng:

“Phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

Nhận định trên của Trần Long Ẩn sai bét lịch sử rồi.

Anh nhạc sĩ tự huyễn hoặc về cái gọi là “Phong trào văn học, nghệ thuật cách mạng trong văn học nghệ thuật ở miền Nam”.

Thực chất thế nào ?

Chỉ có một nhóm sinh viên tập viết mấy bài ca dụ dỗ thanh niên SV “cắm trại” hoặc “xuống đường”, thức đêm nghêu ngao hát những bài ca “yêu nước” chung chung, có chống lạiđược ai đâu? Đó là các anh đã hưởng thụ chế độ tự do văn nghệ của chế độ VNCH đó. Trần Long Ẩn mắc bệnh con gà trống gáy sáng cứ tưởng mặt trời lên là nhờ tiếng gáy của nó. Đó cũng là chứng bệnh “kiêu ngạo cộng sản”.

(Riêng về cái gọi là “văn học cách mạng mền Nam” của mấy cây bút Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê văn Thảo, Vũ Hạnh… thực chất chỉ được phát hành ở miền Bắc, độc giảmiền Nam không biết gì hết đâu nhá (tôi gọi đích danh là “khúc ruột thừa, khúc đuôi văn học miền Bắc nối dài” – vn đềnày sẽ bàn kỹ trong một bài khác).

Ông Ẩn cay cú bẽ bàng vì bây giờ giới showbiz và đài truyền hình nhà nước không ngó ngàng mấy bài ca của nhóm “sinh viên yêu nước” trước 1975 nữa. Ý ông ấy là đòi dẹp hết các bài hát chế độ cũ đi thì nhạc của Trần Long Ẩn mới có chỗ đứng ? Trần Long Ẩn quên rằng cả một “binh đoàn văn nghệ chiến tranh miền Bắc hùng hậu ngày nay nay cũng xếp vào “bảo tàng” rồi (chỉ lôi ra khi cúng giỗ thôi).’ Tục ngữ bảo: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”.

Tôi thất vọng vì trình độ âm nhạc và mỹ học của ông Trần Long Ẩn chỉ học mót được ba mớ vội vàng tại nhạc viện Hà Nội thời còn chiến tranh. Sau 1975 ông Ẩn lại lo làm quan chức văn nghệ, lười học nên bất cập thời đại.

Trần Long Ẩn còn kiêm danh Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Tp.HCM sao không thúc giục hội viên của ông sáng tác ‘bài ca cách mạng” nữa đi ?

Trần Long Ẩn đã học khoa Triết phương Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975 mà không biết chân lý “Thế gian vô thường” (thế giới không đứng yên), thế cũng uổng công.

Ông sáng tác ca khúc “Xin làm người hát rong” để dạy dỗ ca sĩ, còn bản thân ông thích làm quan chức văn nghệ hơn.

Với GS. TS Mai Quốc Liên

Mai Quốc Liên học Khoa Ngữ văn tổng hợp (ước cùng khoá với ông Nguyễn Phú Trọng)…Sau đó ông Liên đi sâu mảng Hán Nôm, học thêm Đại học Hán Nôm, công tác Viện văn học, vào Hội Nhà văn, rồi về Sài Gòn công tác sau 1975, dạy ĐH Sư phạm. Rồi ông lại ra Hà Nội học chật vật lấy cái bằng phó tiến sĩ. (Bạn hữu sau này kể rằng ông từng than vãn mỉa mai “ra Hà Nội lấy được cái bằng phó tiến sĩ phải mất cái xe honda” (ý nói bán xe biếu quà thầy).

Rồi ông Liên đi sâu nghiên cứu mảng văn học trung đại Việt Nam và có một số thành tựu nhất định. Sau đó ông lại đòi Hội Nhà văn cho lập ra một cái cơ quan bậc 2 của Hội gọi là “Trung tâm Nghiên cứu Quốc học” ở Sài gòn-HCM nghe rất kỳ cục (nghe nói nhờ lão anh ruột là Mai Thúc Lân Phó chủ quốc hội xét cấp cho món kinh phí kha khá gì đó, Hội Văn gật đầu ngay)…

Sau 1986, trước phong trào “đổi mới” nói chung của Đảng (thực chất là cởi trói) và các vị tướng Trần Độ, Gs. Nguyễn Văn Hạnh, nhà văn Nguyên Ngọc khởi xướng phục hưng tinh thần văn học nghệ thuật nói riêng (chủ yếu ở miền Bắc), ông Liên là một trong số ít kẻ “lội ngược dòng”, ông nhảy vào lãnh vực phê bình, chứng tỏ bọn chúng ta đây “bảo hoàng hơn vua”.

Đặc biệt khi phong trào Web-Blog phản biện bắt đầu rầm rộ trên mạng internet, với trang Web tiên phong lừng danh “Bauxite Việt Nam”, “Anh Ba Sàm”.v.v… ông Liên có vẻ cay cú muốn khẳng định cá nhân hằn học. Ông đả kích tấn công cá nhân GS Nguyễn Huệ Chi chủ trang Bauxite VN đó, bất chấp tình bạn đồng môn Hán Nôm thuở xưa (thói xấu “tự kỷ văn chương, tha nhân thê thiếp / nôm na là Văn mình vợ người”) và chí trích các văn nghệ sĩ đổi mới khác.

Ông ta không thể chen chân đưa bài vào báo Văn nghệ ở Hà Nội nữa, ông cố vấn và viết bài ẩn danh cho tờ “Văn nghệ TP.HCM” vì ông ta biết tờ báo này muốn làm “bốt gác tư tưởng” cho Đảng bộ SG-HCM (ông Liên hà hơi, làm chỗ dựa cho đám “chí phèo văn nghệ” như Đông La và nhóm viết báo ký ẩn danh… Rồi lại giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương (từ 2003).

Tuy nhiên, cũng khen ông Mai Quốc Liên nêu ý kiến thẳng tuột trần truị tại hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11, với nhận định cay đắng rằng “sáng tác văn học, nghệ thuật đang xuống thấp một cách không tưởng”!

Có điều ông ngắc ngứ và dẫn chứng trật ruộc với nhận định, vì tuổi tác đã quá cao, lại không dám nói thẳng rằng văn nghệ sĩ đã chẳng còn tính “cách mệnh” nữa:

“Tàu Trung Quốc vào Biển Đông như thế, đáng lẽ ít ra phải có một bản nhạc nào đó nói lên lòng yêu nước, khí phách của dân tộc chứ. Tôi muốn nói về văn nghệ sĩ, không ai xúc động, không ai làm cả”, ông nói.

Ông Liên già cả không theo dõi chính sự nóng hổi từ quốc hội và báo chí. Đám tướng tá lãnh đạo còn chả dám nhắc tên “Trung Quốc” mà gọi là “nước ngoài”thì mong gì nhạc sĩ sáng tác “bản nhạc nào đó” chống TQ ? Ông cũng không biết bài ca cũ chống xâm lược Trung Quốc không thiếu trong quá khứ, nhưng ai cho phép hát và ai chịu hát đâu?

Nhận định thứ 2 của ông Liên về “công chúng văn nghệ” cũng đúng luôn:

“lòng người hiện biến động dữ dội. Đặc biệt, lớp trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chí chính thống. Các diễn biến tư tưởng phức tạp này là hệ quả khi đi vào thị trường và hội nhập quốc tế, thì những vấn đề tư tưởng đang bị đặt vào hàng thứ yếu”.

Nhưng ông Liên sai lầm khi giải thích nguyên nhân. Ông tin rằng lại phải dùng sự đàn áp văn nghệ sĩ như xưa và chấn chỉnh hệ thống media của Đảng.

“Văn học, nghệ thuật phải đứng vào vai trò như thời chiến tranh. Thấy kinh tế lên mà bỏ qua mặt trận văn hóa tư tưởng là sai lầm. Giữ chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt, mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó…

Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam – Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh”.

Ngày xưa các cụ lão nho bảo những người như ông Mai Quốc Liên là “đồ gàn”.

KẾT

Ý kiến Trần Văn Tuấn và Nguyễn Thiện Nhân – dĩ hoà vi quý và tảng lờ.

Cây bút Trần Văn Tuấn, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đưa ra nhận xét, “hiệu quả của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố thực sự chưa cao”. Ông Tuấn chê luôn cái “hội đồng ný nuận” của ông Liên và ông Ẩn còn gì nữa mà trách ngược lên trên!

Chủ Hội Văn Trần Văn Tuấn nói: “Tôi tâm đắc với ý kiến phải thay đổi bằng phương thức đối thoại. Muốn các chương trình lý luận phê bình đến công chúng thì tất cả hệ thống truyền thông phải vào cuộc. Chúng ta nên chọn lọc các chủ đề nóng về văn học, nghệ thuật để có phản ứng và tăng cường đối thoại thì mới ra nhẽ, vấn đề mới có giá trị lan tỏa”.

Ông chủ tịch hội văn Trần Văn Tuấn cũng nói chung chung, vu vơ, chả ra làm sao cả.

Ông bí Nguyễn Thiện Nhân bất khả tri về cái “Hội đồng” này nên cũng chọn cách nói chung chung và trừu tượng kiểu tiến sĩ kinh tế đại cương:

“Tiến tới làm hệ sinh thái văn hóa, cần đánh giá thực trạng cuộc sống văn hóa của người dân TP.HCM. Người ta cảm nhận gì, hưởng thụ gì, chỉ số văn hóa là gì hiện nay không có… Lượng hóa được cảm nhận của người dân về chính sách văn hóa là rất quan trọng. Chúng ta làm gì thì làm, cuối cùng phải đến người dân chứ!”.

Rút cục ông Nhân chỉ đạo “rà soát lại hoạt động của các hội quản lý nhà nước để hình dung hệ sinh thái văn hóa của thành phố hiện nay khâu nào mạnh, khâu nào yếu, muốn đổi mới phải nhấn vào đâu”. Nói cũng như không!

Ông bí Nhân không trả lời kiến nghị vớ vẩn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn và Gs Mai Quốc Liên, hai anh già lẩm cẩm. Miễn là cuối cùng ông không quên “cảm ơn ý kiến tâm huyết củacác đồng chí” thế là XONG hội nghị!

* Báo Phụ nữ online:
https://www.phunuonline.com.vn/…/truyen-thong-dinh-huong-t…/

http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-ban-ve-nstran-long-gsm…

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sun group – ‘ông trời’ không từ trên cao

Phan Thanh Hung

VNTB – Cái chết bí ẩn của nhà văn Ngô Tất Tố

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao vẫn ngộ nhận về ‘ba danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo