Phong Uyên – Theo Patrick Saint-Paul, phóng viên của nhật báo Le Figaro ở Bắc Kinh, “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình thấy chỉ có một con đường độc nhất có thể cứu vãn được ĐCSTQ, là làm sống lại lý tưởng cộng sản. Tập Cận Bình cho là vì Mao và Goóc Ba Chốp đã quên lý tưởng này nên đã gây ra 2 chấn thương làm sụp đổ Liên Xô và làm nguy hại chế độ cộng sản Trung Quốc.
Trong cuộc cách mạng Văn hóa (1966-1976), chính Mao đã làm tan vỡ Đảng để dễ bề khống chế Đảng. Mao cũng xuýt làm tiêu tan cái nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi gây ra cuộc nội chiến mà chỉ nội năm 1967 đã làm chết 500 ngàn người. Cha của Tập đã bị thanh trừng và chính Tập cũng bị đẩy đi cải tạo ở vùng quê.
Khi mới lên cầm quyền, Tập cũng đã kêu gọi Đảng phải nhớ lại bài học vì sao ĐCSLX đã bị tan vỡ và sụp đổ. Lí do chánh là vì các đảng viên đã mất mọi lý tưởng và lòng tin để chỉ cần một câu nói nhỏ của Goóc Ba Chốp mà Đảng bị giải tán và không một ai dám lên tiếng phản đối. Tập Cận Bình sẽ không để làm như vậy: Với bàn tay sắt, Tập sẽ nắm chặt Đảng và đất nước… dù cho vì vậy mà có thể làm chế độ đi đến chỗ chết mau chóng hơn.
Sự tận cùng của chế độ Đảng – Nhà nước đang được đưa lên chương trình?
Đó là luận đề của học giả trứ danh về Trung Quốc David Shambaugh. Luận đề của vị giáo sư trường đại học George Washington, trước nay vẫn được coi là người có nhiều thiện cảm với chế độ CSTQ, và là người được được trường Đại học Ngoại giao Mỹ xếp hạng thứ hai trong số các chuyên viên về Trung Quốc có ảnh hưởng nhất ở Mỹ, đã có hiệu quả như một trái bom ở Bắc Kinh. David Shambaugh viết trên Wall Street Journal:
“Tuy về hình thức thì vẫn vậy, nhưng hệ thống chính trị của Trung Quốc đã bị tổn thương nặng và không ai biết hơn là chính ĐCSTQ. Tập Cận Bình hi vọng sự đàn áp những kẻ ly khai và sự chống tham nhũng sẽ củng cố sự ngự trị của Đảng. Tập quyết tâm không trở thành một Gốt Ba Chốp của Trung Quốc. Nhưng đáng lẽ là phản đề của Gốt Ba Chốp, thì đường lối của họ Tập rút cục cũng sẽ đi đến cùng một kết quả. Sự chuyên chế của họ Tập đã làm quá căng thẳng hệ thống chính trị và xã hội Trung Quốc, khiến gần đi đến chỗ bị đứt vỡ “.
Shambaugh nói thêm “Sự ngự trị của CSTQ đang bắt đầu đi đến chỗ tận cùng. Bất kể Đảng đi theo con đường cải cách chính trị ôn hòa hay theo con đường đàn áp, Đảng cũng sẽ mất quyền hành. Chỉ khác nhau ở chỗ mất một cách hung tợn hay mất một cách ôn hòa”. Theo Shambaugh, 3 lí do làm chế độ cáo chung là: Tham nhũng đã ăn vào tới xương tủy. Những thành phần ưu tú chạy ra nước ngoài hết. Không thể tránh được nền kinh tế sẽ mỗi ngày một chậm tiến.
Báo chí “lề phải” Trung Quốc đồng thanh la ó, cho Shambaugh, mà từ trước tới nay vẫn được ĐCSTQ xưng tụng, là “kém khả năng”, là “kết luận vô căn cứ”, là không nhìn thấy “những điểm tích cực” và đua nhau ca tụng sự can đảm của họ Tập trong chến dịch chống tham nhũng.
Nhà Trung Quốc học người Pháp Jean-Pierre Cabestan, Giám đốc khoa Chính trị học Đại học đường Baptiste Hồng Kông, nói nương nhẹ hơn: “Trung Quốc bị cai trị bởi một chế độ chuyên chế sáng suốt. Chính quyền được bao bọc bởi những chuyên viên, nhất là về kinh tế. Các chuyên viên này canh tân kinh tế một cách thận trọng. Cải cách thuế má, hệ thống ngân hàng và sự mở cửa được thực hiện một cách dè dặt, nhờ vậy mà tránh được những va chạm. Những chuyên viên này có đủ dụng cụ để đương đầu với những bó buộc của kinh tế.”
Không có bầu cử dân chủ dân chủ, ĐCSTQ gắn bó với người dân bằng một hiệp ước ngầm là bảo đảm cho người dân một nền thịnh vượng mỗi ngày một lớn. “Nếu giá cả tăng vọt và người thất nghiệp nhiều, thì sẽ có cơ sẽ xẩy ra biến động xã hội và nổi loạn chính trị. Nhưng hiện giờ tôi không thấy sự khủng hoảng kinh tế đang sà xuống Trung Quốc. Tôi chỉ thấy sự tăng trưởng kinh tế đang chậm lại một cách điều đặn.” Hu Xingdu, Giáo sư Kinh tế học Viện Kỹ thuật Bắc Kinh nói như vậy. Nhưng những bất bình đẳng xã hội quá lớn, ô nhiễm đến độ không thể chịu đựng được nữa, tham nhũng tràn lan, và cảm tưởng mọi nơi đều mất an ninh, đã tạo ra những thách đố quá là nghiêm trọng cho chính quyền.
Sự đấu tranh chống tham nhũng và những cải cách có làm vững chế độ không?
Tháng này qua tháng khác, những tuyên bố về những điều tra và những vụ cách chức được nhân lên gấp bội từ những tổ hợp Nhà nước lên đến tận trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, đến nhứng chức vụ cao trong quân đội trong số đó có cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương ĐCSTQ. Không một ai có vẻ có thể thoát được. Chiến dịch bài trừ tham nhũng của Tập nhằm những cán bộ tham nhũng đã tạo ra những trạng thái khích động và sự bối rối trong những hàng ngũ Đảng.
Tập cho hệ thống Liên Xô sở dĩ bị sụp đổ là vì sự gặm nhấm của tham nhũng, nên coi tham nhũng là nguy hiểm lớn nhất mà ĐCSTQ phải đương đầu. Chiến dịch “bàn tay sạch” rất được lòng dân. Nhưng rất nhiều người nghi ngờ sự kiến hiệu thật sự của nó và có đánh trúng đích như mong muốn của mọi người không. Sự hiển nhiên mỗi ngày một thêm bộc lộ, là chiến dịch này đã biến thành một vũ khí khá lợi hại để triệt tiêu những kẻ đối lập với Tập. “Nhưng những kẻ đối lập với Tập trong lòng Đảng mạnh hơn Tập tưởng tượng nhiều. Chiến dịch bài trừ tham nhũng của Tập đã tạo ra tình trạng đứng ỳ tại chỗ của bộ máy nhà nước và sự chia rẽ nhau trong lòng Đảng”. Nhà chính trị học Zhang Lifan xét đoán như vậy. Ngoài lãnh vực kinh tế, nhiều người cũng nghi ngờ sự hữu hiệu của những cải cách, nhất là cái cải cách nhằm cải thiện “chính phủ theo luật pháp”, để công lý tới gần người dân thường hơn chỉ là một lời hứa hẹn rỗng tuếch. Khi tăng cường sự đàn áp những người ly khai, những luật sư, những bloggers, những nhà báo, những tổ chức xã hội dân sự, nhưng người Hồi giáo, những người Tây tạng, Tập muốn chứng tỏ rằng Tập không bao giờ để cho sự kiểm sát chặt chẽ chiến dịch bài trừ tham nhũng, cũng như sự kiểm sát những cải cách, thoát khỏi tay mình.
Sự sùng bái cá nhân có phải là một công cụ quyền hành cốt lõi của Tập?
Khi mới nhậm chức Chủ tịch cách đây 2 năm, Tập, khi đó là tổng bí thư ĐCSTQ, được coi là một ứng cử viên trung dung không thuộc về phe phái nào trong đảng, nên sự lựa chọn được cả hai người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân tán thành. Hình ảnh đó đã bị vỡ tan khi Tập vứt bỏ cái nguyên tắc ngầm là bất cứ một quyết định nào cũng phải có sự thỏa thuận của những chóp bu lãnh đạo Đảng. Nhưng Tập đã vượt qua được những thử thách hồi trẻ khi bị đi cải tạo để tin chắc là cá tính của mình có đủ sức mạnh để đương đầu với những kẻ khác. Tập cảm thấy được trao cho một đặc quyền mà không ai đã có thể đạt được từ Mao trở đi. Tập đã nắm trong tay đủ mọi quyền hành để trở thành một lãnh tụ quyền thế nhất sau Mao. Bộ mặt có vẻ hiền lành của Tập được trưng bày ở khắp mọi nơi: trên báo chí, ngoài đường phố, trong các quán ăn. Những bài hát ca tụng Tập nhan nhản trên Internet… Nhiều nhà phân tích cho sự sùng bái cá nhân chỉ cốt để che giấu cái trống rỗng về lý tưởng của Đảng.
Trung Quốc có đang gây chiến tranh với Tây Phương không?
Trung Quốc đã khai chiến với những giá trị Tây phương, với nhân quyền, với những nền tự do và dân chủ mà Trung Quốc coi là nguy hiểm cho sự ngự trị của Đảng. Sự sống còn của Đảng dựa trên sự tự co cụm lại, như khi cấm các sách vở Tây phương trong trường học. Giáo sư Cabestan nói “Sự sai biệt giữa chiến dịch chống Tây phương và thực tế Trung Quốc rất đáng tức cười. Đảng đã hơi liều khi đưa ra chiến dịch này, vì người Trung Quốc rất tò mò muốn biết những tư tưởng và những kinh nghiệm Tây Phương”.
Có hay không chủ nghĩa Xã hội với đặc tính Trung Quốc?
Tập Cận Bình có ý muốn canh tân lý tưởng của Đảng khi tìm cách kết hợp Mao với Đặng Tiểu Bình, người cha của những cải cách. Tập đưa ra lí thuyết “Bốn toàn bộ” nhằm mục đích kiến tạo một xã hội“thịnh vượng vừa vừa”, tăng cường cải cách, chính phủ theo luật pháp, kỷ luật trong lòng Đảng. Cái vỏ Mácxít được nhuộm màu dân tộc chủ nghĩa – mà có người cho là nguy hiểm vì có thể thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng -, cộng thêm với một chút giá trị Khổng giáo. Cabestan cũng nói thêm: “Tập muốn chứng tỏ mình là người bảo đảm cho sự sung túc, cho công lý và đưa ra một đường lối chính trị tạo ra hài hòa xã hội. Thật ra Tập đứng về phía những người kinh doanh. Vấn đề của Tập là chả ai còn tin vào lý tưởng của Tập.” Cũng nên biết cựu thủ tướng Singapor Lý Quang Diệu là người đã khám phá ra Tập Cận Bình năm 1990 khi mời Tập đến ăn riêng với mình. Tập khi đó mới là bí thư tỉnh Phúc Châu. Từ năm 1990 tới nay đã có hơn 22 ngàn cán bộ Trung Quốc tới Singapor học hỏi và coi Singapor như một mô hình kinh tế hữu hiệu nhất trong sự cạnh tranh và làm giầu. Ở Trung Quốc mọc ra như nấm những khu kỹ nghệ phỏng theo những khu kỹ nghệ ở Singapor.
Kết luận: Chả ai dám cá cược ĐCSTQ còn sống được bao lâu nữa. Cuộc sống của Đảng có thể kéo dài nhiều thập kỷ … hay cũng có thể bị vấp ngã mà chết bất đắc kỳ tử vì một tính toán sai lầm.
(Theo Dân Luận)