Thụy My
(RFI)
Cảng Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. |
The Economist tuần này có bài viết mang tựa đề « Việt Nam dùng quân cảng Cam Ranh để kết thêm bạn mới », với ghi nhận, vịnh Cam Ranh lại hồ hởi đón tiếp các chiến hạm Mỹ.
Tờ báo nhận định, đây có lẽ là cảng nước sâu thiên nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Trong thời kỳ đô hộ, Pháp có một hạm đội ở đây. Các tàu Nga sử dụng cảng Cam Ranh trong chiến tranh Nga-Nhật, người Nhật đặt căn cứ ở Cam Ranh trong Đệ nhị Thế chiến, và người Mỹ dùng Cam Ranh là quân cảng chính trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi Mỹ rút quân, và miền Bắc cộng sản chiến thắng, chính phủ của nước Việt Nam thống nhất đã cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân tại đây. Nga trả lại Cam Ranh năm 2002, và ngày nay khách du lịch Nga đổ xô đến cảng quốc tế Cam Ranh với các phi đạo do người Mỹ xây dựng, để đến các bãi biển gần đó của Nha Trang.
Hiện nay Việt Nam có vẻ theo chính sách « Ba Không » : không liên minh quân sự, không có căn cứ ngoại quốc và không liên kết với một nước nào để chống lại nước thứ ba.
Dù vậy, bên cạnh căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh, là cơ sở tiếp nhận các tàu quân sự nước ngoài. Trên lý thuyết, đây là vấn đề thuần túy thương mại. Cảng Cam Ranh mở rộng tiếp đón tàu của bất kỳ nước nào muốn chi trả để có được dịch vụ sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Nhưng Cam Ranh còn phục vụ cho các mục tiêu chiến lược : gởi một thông điệp thách thức cho bành trướng Trung Quốc, qua việc mở rộng quan hệ quân sự giữa Việt Nam và một nhóm nước ngày càng đa dạng.
Tình cảm chống Trung Quốc ngày càng sâu đậm nơi những người dân Việt bình thường. Việt Nam đã chiến đấu chống lại cả Mỹ và Trung Quốc trong thập niên 70. Nhưng lúc này người Mỹ lại được người dân tiếp đón với thiện cảm, trong khi nhiều người Việt vẫn tin chắc rằng Trung Quốc vẫn luôn âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nước mình.
Năm 2014, Bắc Kinh đã cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa, gây ra những vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam. Sau đó đôi bên đã thận trọng tránh gây căng thẳng. Trung Quốc rút giàn khoan đi, còn Việt Nam không ồn ào chỉ trích việc giải quyết tranh chấp song phương, như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Nhưng đối với Việt Nam, vấn đề căn bản vẫn không thay đổi : làm thế nào một quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn có thể tự vệ trước một nước lớn hơn, giàu hơn ?
Philippines dưới quyền ông Rodrigo Duterte đã đi tiên phong trong một giải pháp : rõ ràng là sự đầu hàng. Để đồi lấy đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, ông Duterte đã quyết định không gây áp lực với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Còn Việt Nam thì sử dụng vịnh Cam Ranh, cố gắng làm cách khác : đó là đa dạng hóa.
Từ khi khai trương cơ sở dịch vụ cách đây một năm, Cam Ranh đã đón tiếp 19 tàu từ 10 quốc gia. Trung Quốc và Hoa Kỳ đến nhiều nhất – mỗi nước ba tàu. Nhưng những chuyến viếng thăm khác là từ các nước đã bày tỏ những dạng thức chống đối lại tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, trong đó có Pháp và Nhật Bản. Việt Nam dường như đang nhắc nhở Trung Quốc là họ có được bao nhiêu bạn bè cũng như người tranh chấp, và làm thế nào giám sát được các chiến hạm của họ.