Việt Nam Thời Báo

Cải cách không đủ mạnh, doanh nghiệp tư nhân… ra rìa

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, nếu không cải cách đủ mạnh thì Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng nhưng các cơ hội chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, trong khi doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam bị ra rìa…

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn chưa chạm được vấn đề cốt lõi

Một trong những hạn chế khi đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (2011- 2014) do CIEM vừa công bố chỉ ra rằng: “Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường, những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN chưa được chạm đến”. 
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM, những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN chưa được chạm đến, đó là: Tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm; tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo; chưa tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp và khác cấp; phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước phân bổ, chưa sử dụng được cơ chế thị trường trong phân bổ đầu tư công…
Theo Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Trưởng QLNN Harvard Kennedy) mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra nhưng chương trình cổ phần hóa DNNN đã thực sự được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao (90% trong tổng số 514 DNNN đã được cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 – 2015). 
Tuy nhiên, trong số các DN mà Nhà nước nắm quyền kiểm soát, kết quả thoái vốn ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nòng cốt vẫn còn khiêm tốn (4.460 tỷ đồng được thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, bất động sản trong số 16.193 tỷ đồng chính thức đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản tính đến tháng 10/2014). Cùng với đó, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế (tổng nợ phải trả của 781 DNNN tính đến cuối năm 2014 là 1,87 triệu tỷ đồng). 
“Rõ ràng, đầu tư tư nhân tiếp tục bị chèn ép, DN dân doanh gặp khó khăn khi cạnh tranh với DN có sức mạnh độc quyền. Cấu trúc quản trị nội bộ DN và cơ chế giám sát của Nhà nước đối với DNNN vẫn chưa được đổi mới” – ông Thành nhận xét.
Kinh doanh tư nhân như đi trên cầu khỉ
Tiến trình cải cách chậm, chưa thống nhất khái niệm về tái cơ cấu, cơ chế theo dõi và giám sát còn hạn chế và chưa chú trọng vào xây dựng thể chế kinh tế là những tồn tại lớn của quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam được ông Raymond Mallon, Cố vấn Cao cấp Dự án RCV chỉ ra. Theo vị chuyên gia này, việc quan trọng nhất lúc này là Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế để thúc đẩy cạnh tranh và công bằng…
Phân tích nguyên nhân sâu sa của tình trạng này, theo Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung, vấn đề chính hiện nay nằm ở chỗ Việt Nam chưa chuyển đổi được mô hình sở hữu hiện nay sang sở hữu kinh tế thị trường. Việc chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân chưa được hoàn thành, nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận là tài sản nên chưa có sở hữu. Sở hữu toàn dân còn chiếm tỷ trọng lớn, và nhiều loại tài sản không có chủ sở hữu rõ ràng. 
“Phần lớn tài sản không thương mại được hoặc khó thương mại, không thể chuyển thành vốn đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy mà nhiều nguồn lực không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả” – ông Cung phân tích. 
Ông ví dụ: “Chúng ta không có thị trường sơ cấp về đất đai, quan hệ giữa người dân, DN với cơ quan nhà nước là quan hệ phân phối, xin – cho theo phương thức hành chính, không phải giao dịch thị trường. DN tư nhân trong nước, sau khi mua và tích tụ được đất thì DN đó chưa phải là chủ sở hữu, mà là người đi thuê mảnh đất mà chính họ bỏ tiền ra mua để kinh doanh…”.
Cùng với vấn đề sở hữu, gia nhập thị trường có bước tiến lớn nhưng vẫn chưa có một môi trường cạnh tranh trật tự và công bằng với một loạt vấn đề tồn tại như: Số lượng kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường còn quá cao; hạn chế, thậm chí ngăn cản cạnh tranh; giao dịch kinh doanh (với Nhà nước và đối tác) còn rủi ro về thể chế, tốn kém thời gian và chi phí cao; méo mó và không công bằng; quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các bên chưa được bảo vệ đầy đủ và tin cậy; chưa có thiết chế và công cụ đảm bảo thiết lập và duy trì cạnh tranh trật tự và công bằng…
“Chúng ta không thể tiếp tục để tình trạng làm kinh doanh tư nhân ở Việt Nam chênh vênh như đi trên cầu khỉ thế này…” – Viện trưởng CIEM sốt ruột. Ông Cung cho rằng, tới đây, với các FTAs mà Việt Nam tham gia, thách thức chính là cơ hội để “lột xác” và thay đổi. “Nếu không cải cách đủ mạnh thì Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng nhưng các cơ hội chủ yếu rơi vào tay DN nước ngoài trong khi DN tư nhân của Việt Nam bị ra rìa…” – Viện trưởng CIEM lo ngại…
“Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa… Giai đoạn mới có những đòi hỏi gay gắt hơn nhiều. 5 năm tới nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách kinh tế thì cơ hội của Việt Nam là rất mong manh…”- Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cũng tỏ ra sốt ruột.
Theo báo Pháp Luật

Tin bài liên quan:

VNTB – Những Chữ Thường Dùng Sai Nghĩa: Cơ Chế và Cơ Cấu

Trương Thế Tử

VNTB – Thế sự & thương trường (ngày 4/12/2021)

Phan Thanh Hung

VNTB – Những Chữ Thường Dùng Sai Nghĩa: Cơ Chế và Cơ Cấu

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo