Minh Tâm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Một số nhà báo hoạt động tự do (theo nghĩa không thuộc cơ quan báo chí nào) của Việt Nam hiện tại không thể sang Hong Kong để tìm hiểu về cuộc “Cách mạng Dù” nơi đây.
“Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”, là viện dẫn được trích từ khoản 6 Điều 21, Nghị định 136/2007/NĐ-CP “Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”, để cơ quan xuất nhập cảnh từ chối.
Chiêu bài “an ninh quốc gia”
Được biết, các biên bản về việc chưa được xuất cảnh đều chỉ rõ đương sự này chưa được xuất cảnh “Theo đề nghị của Bộ Công an”, căn cứ quy định ở điểm d Khoản 1 Điều 22 Nghị định 136 “Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này”.
Chưa có văn bản pháp quy nào yêu cầu “người ra quyết định chưa cho xuất cảnh phải có văn bản thông báo cho công dân bị cấm”. Tại Điều 25 Nghị định trên chỉ yêu cầu “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện người thuộc diện nêu tại Điều 21 và Điều 23 Nghị định này đã có hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đang làm thủ tục để đề nghị cấp giấy tờ đó, có trách nhiệm thông báo kèm theo bằng chứng cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền nêu tại Điều 22 Nghị định này xem xét, quyết định không cấp hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ngăn chặn người đó xuất cảnh”.
Đại diện cơ quan công an xuất nhập cảnh cho biết các quy định nói trên không mẫu thuẫn với quyền tự do đi lại như hiến định.
Lập luận từ phía công an như sau: Quyền tự do đi lại được nêu ra tại Điều 12 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR), chỉ ra “quyền tự do đi lại không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định”.
Như vậy, Quyền tự do đi lại và cư trú không phải là một quyền tuyệt đối (absolute right), tại Khoản 3 Điều 12 chỉ rõ mà có thể bị hạn chế nếu… do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được ICCPR công nhận.
Như vậy, mọi nhà nước vì lý do “an ninh quốc gia” phải giới hạn quyền tự do đi lại của công dân nước mình là hoàn toàn chính đáng.
Mỹ cũng từ chối tương tự
Tài liệu nói trên cũng cho biết Luật Hộ chiếu Hoa Kỳ quy định rõ chính quyền có thể từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu vì chính sách đối ngoại hoặc các lý do an ninh quốc gia bất cứ lúc nào (Nguồn:http://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_movement_under_United_States_law).
Nội dung tài liệu này viết rằng Mỹ đã từng không cấp hộ chiếu cho một số người ra nước ngoài nhằm tham dự hoạt động liên quan đến “cộng sản”. Năm 1948, Leo Isacson (1910-1996) là Hạ Nghị sĩ đầu tiên bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp Hộ chiếu khi ông cố gắng tới Paris để tham dự một hội nghị với tư cách quan sát viên của Hội đồng vì Hy Lạp dân chủ Mỹ – một tổ chức cộng sản chống lại chính quyền Hy Lạp trong Nội chiến Hy Lạp.
Bộ Ngoại giao cho rằng cấp hộ chiếu cho ông này “không thuộc lợi ích của nước Mỹ” nên đã từ chối cấp theo Luật Hộ chiếu năm 1926, theo đó cho phép chính quyền được từ chối cấp hoặc hủy hộ chiếu vì lý do an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại. Trong những năm sau đó, chính quyền Mỹ từ chối cấp visa cho những người bị nghi là cộng sản.
Ví dụ thứ hai về án lệ của Mỹ: Philip Agee là một cựu nhân viên CIA ở hải ngoại vào năm 1974 tuyên bố sẽ chống lại các hoạt động của CIA và tuồn thông tin về một số sĩ quan khiến họ bị tấn công.
Năm 1976, Bộ Ngoại giao Mỹ hủy visa của Agee, sau đó Agee khởi kiện Bộ Ngoại giao do cho rằng Bộ này không có đủ thẩm quyền và đã vi phạm quyền tự do được bảo vệ trong Tu chính án thứ 5 (về tự do đi lại) và Tu chính án thứ nhất (quyền chỉ trích chính quyền). Sau cùng, năm 1981 Tòa tối cao Mỹ ra quyết định chấp thuận quyết định trên của Bộ Ngoại giao, và tạo án lệ: cơ quan hành pháp được toàn quyền quyết định trong trường hợp an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại bị xâm phạm. Việc bị hủy visa dẫn tới Philip Agee không thể xuất nhập cảnh vào Mỹ.
Một nửa sự thật…
“Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” và viện dẫn đây là phù hợp với Điều 12 ICCPR như tài liệu nói trên, hoàn toàn là trích dẫn đứt đoạn về toàn bộ nội dung của ICCPR, dẫn tới những ngộ nhận trong hành xử của cơ quan công quyền.
Nội dung đầy đủ của Điều 12 ICCPR, như sau: “1. Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. 2. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình. 3. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận. 4. Không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình”.
(Article 12: 1. Everyone lawfully within the territory of a State shall, within that territory, have the right to liberty of movement and freedom to choose his residence. 2. Everyone shall be free to leave any country, including his own. 3. The above-mentioned rights shall not be subject to any restrictions except those which are provided by law, are necessary to protect national security, public order (ordre public), public health or morals or the rights and freedoms of others, and are consistent with the other rights recognized in the present Covenant. 4. No one shall be arbitrarily deprived of the right to enter his own country).
“trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận”, đó là những chi tiết nhấn mạnh của yếu tố loại trừ ở Điều 12 ICCPR.
Vi phạm điều ước cam kết quốc tế
Điều 2.1 của ICCPR, ràng buộc các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.
Điều 5.2 ICCPR, yêu cầu không được hạn chế hoặc huỷ bỏ bất kỳ quyền cơ bản nào của con người mà đã được công nhận hoặc hiện đang tồn tại ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này trên cơ sở luật, điều ước, các quy định pháp luật hoặc tập quán, với lý do là Công ước này không công nhận những quyền ấy hoặc công nhận ở một mức độ thấp hơn.
Như vậy, ngay cả khi bất đồng chính kiến chính trị và thể hiện điều này qua các bài viết, lời nói…, thì việc cấm xuất cảnh một số nhà báo, một số nhà hoạt động xã hội của Công an Việt Nam là vi phạm các cam kết quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã ký và tham gia ICCPR vào ngày 24-9-1982.
Điều 19 ICCPR, công nhận mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
Điều 2.3 ICCPR về “Các quốc gia thành viên Công ước cam kết”, ghi rõ: a) Bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước này đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra; b) Bảo đảm rằng bất kỳ người nào có yêu cầu về các biện pháp khắc phục sẽ được các cơ quan tư pháp, hành pháp hoặc lập pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác có thẩm quyền do hệ thống pháp luật của quốc gia quy định, xác định quyền lợi cho họ và sẽ mở rộng khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục mang tính tư pháp; c) Đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ thi hành các biện pháp khắc phục đã được đề ra.
Theo cách hiểu như quy định này, thì viện dẫn Điều 25 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP để cho rằng “Không có bất cứ quy định nào yêu cầu người ra quyết định chưa cho xuất cảnh phải có văn bản thông báo cho công dân bị cấm”, là tiếp tục vi phạm vào điều luật quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết.
Hộ chiếu công vụ…
Dẫn chứng của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam về trường hợp Leo Isacson ở Mỹ để so sánh với những nhà báo, nhà hoạt động xã hội Việt Nam bị cấm xuất cảnh, tiếp tục là trích dẫn sai đối tượng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cấp hộ chiếu công vụ cho Nghị sĩ Leo Isacson của Đảng Lao động Mỹ để đi dự một hội nghị tại Paris nội dung liên quan đến tổ chức cộng sản Hy Lạp. Không phải từ chối cấp hộ chiếu cho công dân Mỹ Leo Isacson.
Còn hành vi của Philip Agee thì có lẽ bất kỳ quốc gia nào cũng từ chối, thậm chí nếu Philip Agee ở Việt Nam, ông ta sẽ không có cả cơ hội để khởi kiện cơ quan ngoại giao.
Lưu ý, cả hai nhân vật được trích dẫn trong tài liệu của cơ quan công an xuất nhập cảnh Việt Nam, đều thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao, không liên quan bất kỳ vấn đề gì so hộ chiếu phổ thông mà một số nhà báo, nhà hoạt động xã hội của Việt Nam đã bị cấm đoán.
Chúng tôi yêu cầu
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 20-10. Theo kế hoạch được Thủ tướng phân công thì Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2014…
Ở đây, với tư cách là một cử tri với các quyền theo hiến định, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an giải trình vì sao đã tham mưu để Chính phủ ký ban hành Nghị định 136/2007/NĐ-CP, với những điều khoản đi ngược lại với các cam kết quốc tế trước đó mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết.