Việt Nam Thời Báo

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Minh Tâm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: T.Tân – TTO

Hôm 18-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có cuộc gặp mặt với giáo viên, học sinh tỉnh Đắk Nông.

Sau khi giải đáp những thắc mắc của giáo viên và học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin MC cho thêm ít phút để nói lên suy nghĩ của mình”.

Ông đứng lên đặt câu hỏi: “Vì sao phải đổi mới?” rồi trả lời: “Qua 3-4 lần cải cách giáo dục, trung ương rút ra những lần cải cách đó không đụng chạm đến phương thức giáo dục. Phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua. Tức là tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế. Vẫn cứ một phương thức quen thuộc là thầy đọc – trò chép, đến ngày thi học sinh lại chép lại những điều học thuộc”.

(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141019/bo-truong-den-dak-nong-doi-thoai-ve-doi-moi-giao-duc/660181.html)

Nếp nghĩ “bề trên”

“Suy thoái về đạo đức là nguyên nhân tệ nạn gia tăng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc hôm 18-10 với cán bộ chủ chốt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề gốc, có ý nghĩa quyết định của mọi quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng nội bộ, xây dựng Đảng, cơ quan, xây dựng con người. “Người làm công tác văn hóa càng phải gương mẫu, phải thực hiện cho tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, kết hợp với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-suy-thoai-ve-dao-duc-la-nguyen-nhan-te-nan-gia-tang/286850.vnp)

Nếu làm một so sánh kiểu tam đoạn luận, giả dụ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá đúng về “tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế”, thì hơn nửa thế kỷ qua có rất nhiều thế hệ được đào tạo kiểu “nhân y bản sao” như vậy.

Các đảng viên đến từ nền giáo dục “tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế”, sẽ là tác giả của những Nghị quyết, những Chỉ thị. Vậy có phải tiếp tục là câu chuyện “đèn cù” trong các quyết sách từ đảng cầm quyền?

Nói như lời chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cách dạy hiện nay vẫn là phương thức truyền thụ kiến thức theo hướng tiếp nhận một chiều. “Cách dạy như vậy cùng lắm chúng ta có một kỹ sư giỏi, một bác sĩ giỏi chứ không làm nên một tập thể giỏi, những nhà khoa học xuất sắc được. Trong môi trường lao động hiện đại như ngày nay thì việc giáo dục như vậy là lạc hậu”.

Một tập thể đảng viên giỏi, lẽ ấy cũng hạn hữu.

Mía sâu có đốt…

Từ niên học 1976 trở đi, ở miền Nam tuy cũng là “tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế”, song tư duy độc lập trong các thế hệ học trò vẫn là sự tiếp nối nền giáo dục của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Người viết bài này được thụ hưởng cả hai nền giáo dục trước và sau 1975.

Miền Nam sau 1975, các thầy cô giáo đa phần vẫn là những người được học hành đầy đủ theo triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và quy định nền giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí, “nền giáo dục đại học được tự trị”, và “những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”.

Thụ hưởng triết lý giáo dục đó, nên mặc dù buộc phải đồng ý nguyên tắc “sách giáo khoa là pháp lệnh” trong giảng dạy sau năm 1975, song các thầy cô giáo tốt nghiệp trường sư phạm ở miền Nam trước 1975, không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều trong việc truyền dạy kiến thức cho thế hệ học trò.

Và điều này còn tìm thấy ở nhiều giáo sư trên giảng đường đại học ở miền Nam sau 1975. Trong đó có không ít vị giáo sư từ miền Bắc vào giảng dạy.

Tôi muốn nhắc đến các bậc ân sư hiện đã khuất bóng: GS Hoàng Như Mai, GS Hoàng Thiệu Khang, GS Lê Trí Viễn, GS Lê Đình Kỵ. Trên giảng đường đại học, các Thầy không “thuyết giảng một chiều”, không “tung hô khẩu hiệu”, mà cùng dẫn dắt sinh viên vào từng ngóc ngách của sự thật mà chính các Thầy là người trong cuộc.

Có một điểm chung: những người Thầy đại học này vốn được đào tạo từ nền giáo dục Pháp, lúc Việt Nam còn là thuộc địa.

Sách giáo khoa thời Việt nam Cộng hòa


Con người không phải là công cụ

“Qua 3-4 lần cải cách giáo dục, trung ương rút ra những lần cải cách đó không đụng chạm đến phương thức giáo dục” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhìn nhận.

Ở đây có lẽ bài học cần rút ra nhất, là người ta đã cải cách theo nguyên tắc nền tảng nào? Nếu “cải cách” được hiểu như lời Tổng Bí thư, “vấn đề gốc, có ý nghĩa quyết định của mọi quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng nội bộ, xây dựng Đảng, cơ quan, xây dựng con người”, thì xem ra Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải tiếp tục tìm chuột bạch dài dài cho những chính sách giáo dục mà ông “loay hoay” đề xuất buộc phải thỏa mãn cả chuyện “xây dựng Đảng”.

Trước 1975, những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967). Theo đó, những mục tiêu mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại?

Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý.

Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.

“Như vậy, phải chuyển phương thức giáo dục tiếp nhận một chiều sang phương thức chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Dù không phủ nhận vai trò truyền thụ kiến thức của nhà trường nhưng đó không phải là ưu tiên số 1 nữa. Giáo viên phát hiện năng lực, phẩm chất từng học sinh và bồi dưỡng để các em phát triển hơn nữa. Với phương thức này, sách giáo khoa phải thiết kế không theo hướng ưu tiên một môn học nào cả. Lần này sẽ đưa lượng kiến thức phù hợp vào sách giáo khoa tùy vào đối tượng, thời kỳ của học sinh sao cho phù hợp, không xem môn nào là quan trọng nhất” – Bộ trưởng Luận nói.

Câu hỏi đặt ra: Thay vì cứ loay hoay cải cách, trong lúc người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam cũng nhận thức được sự thích hợp của triết lý giáo dục ở miền Nam trước 1975, vậy tại sao không “công khai nhìn nhận” để áp dụng?

Tin bài liên quan:

Phần lớn công bố khoa học VN đứng tên chung với tác giả ngoại

Phan Thanh Hung

VNTB- Ai đã khiến người dân mất lòng tin vào chế độ?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Công dân Bùi Thị Minh Hằng không phạm tội hình sự (Bài 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo