Chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã đi đến bế tắc: việc xét xử một cựu quan chức an ninh đầy quyền lực bị trì hoãn; người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng đã đưa ra một bài phát biểu củng cố tinh thần tại một tỉnh lẽ ra đã bị thanh trừng; còn cuộc điều tra và thanh trừng các quan chức cấp hàng đầu đã trở nên nhỏ giọt.
(Từ trái sang) Ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh ngày 30/9/2014 (Ảnh: Feng Li/Getty Images)
Các nhà phân tích nói rằng sự tạm dừng này là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu tranh giữa các phe phái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ở một giai đoạn rất quan trọng, và rằng các lựa chọn được đưa ra trong tương lai gần sẽ mang tính quyết định – dẫn tới việc nghiền nát phe đối kháng với ông Tập, hoặc có thể gây ra sự suy yếu của quyền lực của ông Tập, và đòn trả thù có thể xảy ra trong tương lai.
“Đây là vấn đề ‘một mất một còn ‘ đối với ông Tập Cận Bình và ông Giang Trạch Dân.”
– Ông Trần Phá Không, nhà phân tích chính trị về Đảng Cộng sản Trung Quốc
Góp thêm vào cuộc tranh luận này gần đây nhất là tạp chí tin tức tiếng Trung – Minh Kính. Tạp chí này đã mở đầu số báo mới nhất với dòng tít nổi bật: “Chiến dịch chống tham nhũng bị hãm phanh; Cuộc săn ‘hổ lớn’ tạm dừng”. Bài báo cho rằng rằng ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc, và ông Tăng Khánh Hồng, trợ thủ của ông Giang, đã chấm dứt có hiệu quả chiến dịch chỉnh đốn Đảng của ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu cơ quan kỷ luật của Đảng
Trang bìa số báo tháng 6 năm 2015 của tạp chí tiếng Trung Minh Kính được xuất bản ở nước ngoài. (Ảnh chụp màn hình/ Mingjingnews.com)
Bài báo viết rằng ông Tăng Khánh Hồng đang can thiệp để ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh của Trung Quốc, khỏi bị kết án tử hình mặc dù ông Chu đã thú nhận dính líu đến nhiều vụ giết người. Ông Tăng cũng yêu cầu rằng một số quan chức hàng đầu, bao gồm ông Lệnh Kế Hoạch, trợ lý của ông Hồ Cẩm Đào – lãnh đạo Đảng tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, và ông Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc – chỉ bị phạt nhẹ, vì mối quan hệ của họ với ông Giang Trạch Dân.
Tạp chí Minh Kính cũng đặt ra nghi vấn về tính chính đáng của chiến dịch của ông Tập và ông Vương, chỉ ra việc các thành viên trong gia đình của ông Tập Cận Bình bị cáo buộc làm giàu cho bản thân. Hiện không rõ tạp chí này đang đưa tin hay cố gắng tạo ra tin tức trên, theo chỉ thị của các thế lực chính trị ở Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp nào thì các nhà quan sát cũng đồng ý rằng nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình dường như đã ngừng theo đuổi các mục tiêu cấp cao, và nhiều vụ việc chống lại các quan chức hàng đầu dường như đang bị bế tắc.
Theo ông Trần Phá Không, một tác giả và nhà phân tích chính trị về Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố cho rằng các “vệ binh già” là ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng ở sau hậu trường đang chặn tay ông Tập có vẻ đáng tin cậy.
“Đó là vấn đề ‘một mất một còn’ đối với ông Tập Cận Bình và ông Giang Trạch Dân”, ông Chen nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông sử dụng một cụm từ tiếng Trung phổ biến để mô tả cuộc chiến tranh chính trị này.
Kể từ khi “con hổ” (ám chỉ các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ) thứ 100 – ông Triệu Lê Bình, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nội Mông thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, bị bắt vào cuối tháng 3, các vụ bắt giữ đã giảm dần, và chỉ có hai quan chức bị bắt giữ kể từ đó.
Việc xét xử ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cũng đã bị đẩy lùi, tin tức cho biết vì ông Chu đang tìm cách rút lại lời thú tội của mình, theo Tờ Buổi sáng Nam Trung Quốc (South China Morning Post) có trụ sở tại Hồng Kông.
Ngoài ra, từ ngày 08-10/5, ông Vương Kỳ Sơn đã tới Chiết Giang, một tỉnh miền đông Trung Quốc, nơi “con hổ” lớn nhất – ông Tư Hâm Lương, cựu phó chủ tịch Ủy ban Nội Mông của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã bị bắt giữ. Do những cuộc thanh trừng thường diễn ra sau khi ông Vương đến thăm một khu vực nào đó, các nhà bình luận Trung Quốc hiện bối rối không hiểu tại sao ông Vương lại tới Chiết Giang mà không tới thành phố láng giềng Thượng Hải, căn cứ quyền lực truyền thống của ông Giang Trạch Dân, mặc dù đã có một số cuộc điều tra và thanh trừng tại đó.
Ông Trần Phá Không nói rằng ông Tập và ông Vương phải đẩy nhanh chiến dịch chống tham nhũng của họ về phía trước, để nhổ tận gốc lực lượng của ông Giang trước khi họ tấn công trở lại.
Ông Cao Văn Khiêm, một học giả viết cuốn tiểu sử của ông Chu Ân Lai, đã trình bày các phân tích của ông về tình trạng của chiến dịch trong một chương trình mạn đàm chính trị của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America).
Ông nói “Đó là cuộc chiến sinh tử đối với ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn. Họ đang cưỡi trên lưng cọp, và không thể xuống được. Phạm vi và quy mô của chiến dịch này đã vượt quá những gì họ dự đoán, và nếu họ thực hiện chiến dịch này đến cùng, thì có thể ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Nhưng nếu họ đột ngột dừng lại, thì có khi họ sẽ bị cọp ăn thịt”.
“Phạm vi và quy mô của chiến dịch này đã vượt quá những gì họ dự đoán, và nếu họ thực hiện chiến dịch này đến cùng, thì có thể ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Nhưng nếu họ đột ngột dừng lại, thì có khi họ sẽ bị cọp ăn thịt”
– Ông Cao Văn Khiêm, một học giả viết tiểu sử của ông Chu Ân Lai
“Vì vậy, họ không biết đi tiếp thế nào. Họ tiến một bước, phát biểu gì đó, lại tiến một bước, rồi lại phát biểu gì đó. ”
Ông Trần Phá Không nói rằng nếu ông Giang Trạch Dân – người sắp 90 tuổi – bị bệnh nặng hoặc qua đời, con đường này có thể sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu ông Giang tiếp tục phản kháng với kế hoạch của ông Tập Cận Bình, trong suốt thời gian cho đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào năm 2017, lúc đó giới lãnh đạo hiện nay có khả năng sẽ phải đối mặt với “sự trừng phạt.”
Ông Trần có một gợi ý mới lạ: hợp nhất với những người theo chủ nghĩa tự do và các nhà cải cách, để chiến đấu chống lại những người theo chủ nghĩa bảo thủ.
Ông Trần nói: “Tại thời điểm này, ông Tập Cận Bình đang cố gắng hạ bệ cả hai phe bảo thủ và tự do, điều này hiện không giúp gì cho tình thế của ông ta”. Nhưng nếu ông Tập quảng bá công cuộc chống tham nhũng tới công chúng như một hoạt động lập pháp xác thực, và thực sự tước quyền lực của Đảng trả lại cho các tổ chức thật sự độc lập, thì ông này sẽ tham gia vào không chỉ đơn thuần một cuộc đấu tranh nội bộ Đảng, mà là một hoạt động nhằm đặt Trung Quốc lên một cơ sở quản trị hợp pháp hơn.
Tất nhiên có một tiền lệ tích cực cho ông Tập làm theo – cựu Thủ tướng Đài Loan Tưởng Kinh Quốc đã dần dần mở cửa nhà nước độc tài vào cuối những năm 1980, dẫn đến việc tự do hóa của Đài Loan.
Ông Trần nói: “Nếu nhìn xa trông rộng, ông Tập sẽ về phe với nhân dân, nơi ông ta có sự ủng hộ đại chúng và được hậu thế nhớ đến.”
Larry Ong và Matthew Robertson, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan biên dịch