Việt Nam Thời Báo

Chính quyền Bình Dương bị tư thù hóa

Hòa Cầm

Câu chuyện giữa chủ tịch tỉnh Bình Dương với ông Huỳnh Uy Dũng (chủ Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương) ngày một gay cấn. Cả hai đang tìm cách nắn gân nhau. Trong một tuyên bố gần đây, ông Huỳnh Uy Dũng đã nhấn mạnh việc đóng cửa khu du lịch Đại Nam là thật – không phải dọa.

Thông báo trên Website chính thức của Khu du lịch Đại Nam

Ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch tỉnh Bình Dương), người sở hữu 100ha cao su tại khu đất đắc địa, lại thêm cái biệt thự xa hoa trị giá hàng chục tỷ đồng tại ở phường Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương) gây xáo xào dư luận bởi tính mập mờ của nó. Nay ông tham gia với tư cách “đứng đầu đòi đất”. Nó khiến người ta nhớ về cái cách khinh khi của ông Chủ tịch tỉnh nhận định về ông Dũng lò, khi ông Dũng đâm đơn kiện: “Ông Dũng sống được cũng nhờ “xương”, “máu” của tỉnh Bình Dương chứ … chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi.”

Có lẽ, chính vì cái cách nhìn đó, khiến cho chỉnh quyền Bình Dương bị lôi vào cuộc trên phương diện “tư thù” nhiều hơn là “công quyền”.

Trong trả lời phỏng vấn với báo Thanh Niên Online, ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục thuế Bình Dương đã cho rằng: “Việc Khu du lịch Đại Nam đóng cửa trong khoảng 2 tháng và có thể lâu hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì đến việc thu ngân sách của tỉnh Bình Dương. Một khu du lịch hay một doanh nghiệp không thể so sánh với trên 15.000 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định ở Bình Dương”.

Môi trường đầu tư là một trong những thứ quyết định việc đi hay ở lại, cam kết lâu dài hay ngắn hạn với tỉnh. Việc cho rằng “không ảnh hưởng đến việc thu ngân sách” và cho việc đóng cửa một khu du lịch hay một doanh nghiệp là “không sánh với trên 15.000 doanh nghiệp” ở Bình Dương thể hiện một tư duy thiếu công tâm, ngắn hạn của lãnh đạo tỉnh này.

Với cách phát ngôn và đối xử đó của tỉnh Bình Dương, thì liệu 15 ngàn doanh nghiệp đó có yên tâm mà “ổn định sản xuất” được không? Nhất là hiện nay, doanh nghiệp đang bị mỏi mệt vì thảm trạng của nền kinh tế?

Chưa kể, một quan chức tỉnh trong trả lời báo VNN vào ngày 3/11, cho biết, thiệt hại về phía tỉnh “chỉ ở khía cạnh thuế mà thôi”. Trong khi thuế là nguồn thu lớn nhất của ngân sách?

Sự vụ “đòi đất” cũng gây ra nhiều đồn đoán về việc ăn chia giữa doanh nghiệp và quan chức tỉnh Bình Dương. Khi mà theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu “đất ở” (61,4 ha) vốn thuộc dự án khu công nghiệp, với mục đích chính là xây nhà ở cho lao động, thời hạn sử dụng 50 năm. Nhưng đến tháng 7/2008, “bất ngờ” Bình Dương lại cho phép biến “50 năm” thành “lâu dài” và Sở TNMT tỉnh đã cấp hàng chục sổ đỏ cho Công ty cổ phần Đại Nam của ông Dũng, dẫn đến quyết định đưa đất tách thành khu đô thị, và khu công nghiệp của ông Dũng và nhóm đầu tư sau đó. Nếu lần này tỉnh quyết tâm thu hồi, thì buộc phải bồi thường 1.800 tỷ cho ông Huỳnh Uy Dũng, đó là lẽ tất nhiên. Nhưng rõ ràng, việc này khiến Bình Dương mất nhiều hơn là được, nhất là kiểu “cạn tàu ráo máng” trong cách hành xử với doanh nghiệp tỉnh nhà.

Khu đất 61,4 ha là “đấu trường” của cá nhân. Nhưng ai là châu chấu, ai là xe? Quyền chống tiền hay tiền chống lại quyền? Ai “dọa” được ai? Có cả một màn kịch hay, dài phía trước.

* Tác giả gửi bài cho VNTB

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai chịu trách nhiệm về phát biểu của khách mời?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Khu dân cư Đại Nam của ông Dũng ‘lò vôi’: những lùm xùm pháp lý

Phan Thanh Hung

VNTB – Suy đoán vô tội với hành vi bị tố cáo hình sự đối với công dân Nguyễn Phương Hằng?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo