“Đối với trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén, do các hồ sơ thủ tục bồi thường chưa được gửi đến cơ quan thụ lý, số tiền bồi thường cũng chưa được thỏa thuận nên việc tạm ứng cho ông Nén 1 tỷ đồng là không thể thực hiện”, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) nói.
Tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý IV/2015, trả lời phóng viên về việc “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén có được tạm ứng 1 tỷ đồng để trang trải cho cuộc sống khó khăn của gia đình, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục này đã nhận được đơn đề nghị của ông Nén từ 2 hôm trước.
Theo quy định Luật Bồi thường nhà nước, liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp lập dự toán bồi thường oan sai. Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện chưa có quy định nào người bị oan sai được tạm ứng tiền bồi thường khi các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chưa thụ lý hồ sơ.
Vị này cũng cho rằng, trường hợp người bị oan nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và thỏa thuận xong số tiền bồi thường, số tiền nhỏ, nằm trong mức cho phép kinh phí thường xuyên của cơ quan đó, thì cơ quan đó mới có thể tạm ứng cho người được bồi thường.
“Đối với trường hợp của ông Nén, do các hồ sơ thủ tục bồi thường chưa được gửi đến cơ quan thụ lý, số tiền bồi thường cũng chưa được thỏa thuận nên việc tạm ứng cho ông Nén 1 tỷ đồng là không thể thực hiện”, ông Hưng nói.
Trước đó, báo cáo về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã bước đầu phát hiện 51 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền và tiến hành xem xét, xử lý được 14 văn bản sai. Riêng trong quý IV/2015, Bộ đã kiểm tra được 421 văn bản, phát hiện 12 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, nâng tổng số văn bản đã kiểm tra cả năm 2015 lên 2.248 văn bản.
Về việc triển khai việc cấp thẻ Căn cước công dân, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) thông tin thêm, từ 1/1/2016 bắt đầu triển khai thí điểm đăng ký khai sinh, phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân trên 4 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và Đà Nẵng. Theo đó, lý do chọn 4 điểm thành phố này bởi điều kiện hạ tầng thông tin tốt hơn các tỉnh thành khác, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch cũng khá hơn so với mặt bằng chung.
Ông Khanh cũng cho biết, để phục vụ cho hoạt động này, ngày 29/12 vừa qua, Cục đã tiến hành tập huấn trực tuyến cho cán bộ tư pháp hộ tịch của 4 tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện phần mềm đăng ký khai sinh và kết nối để lấy số định danh cá nhân. Thời gian thí điểm dự kiến hết tháng 3/2016, sau đó các đơn vị sẽ sơ kết, báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an để tiến hành triển khai trên diện rộng.
Ông Khanh cũng giải thích việc mới chỉ tiến hành thí điểm trên 4 tỉnh thành trong cả nước bởi các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật về thẻ căn cước công dân, nghị định, thông tư của Bộ Công an chưa có hiệu lực.
Về phía Bộ Tư pháp, Bộ đã trình Chính phủ ban hành đúng thời hạn nên tất cả các văn bản đồng bộ có hiệu lực vào ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành luật căn cước công dân có hiệu lực muộn hơn.
“Đến hết quý III, tất cả hệ thống văn bản hướng dẫn luật căn cước công dân cũng sẽ có hiệu lực. Đến lúc đó, cơ sở pháp lý để cấp số định danh cá nhân mới chắc chắn”, ông Khanh kết luận.
Theo Bizlive