Việt Nam Thời Báo

Con đường của Tân đại sứ Mỹ sẽ không trải đầy hoa hồng

Untitled-1.jpg

Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius

Cuối năm 2014, Việt Nam chuẩn bị đón chào vị tân đại sứ Hoa Kỳ mới vừa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc bổ nhiệm vào tháng 11 vừa qua. Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius sẽ đến Việt Nam giữa lúc có nhiều những thay đổi tích cực trong quan hệ hai nước nhưng đồng thời ông cũng sẽ phải đối mặt với những tin tức không mấy tốt đẹp về vấn đề nhân quyền ở đất nước mà ông yêu mến và đã từng có thời gian làm đại diện ngoại giao của Mỹ trước kia.

Trong đoạn video dài gần 2 phút được đưa lên internet vào đầu tháng 12 vừa qua, vị tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói rằng việc ông được bổ nhiệm trở thành đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã biến ước mơ của ông trở thành hiện thực và ông mong muốn trong cương vị mới của mình ông sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Đoạn băng ngắn ngủi nhưng chưa đựng thông điệp về mong muốn không của chỉ một cá nhân vị tân đại sứ mà còn của cả chính phủ Mỹ đối với Việt Nam. Đó là nước Mỹ muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và tôn trọng nhân quyền, là người bạn đồng hành không thể thiếu được của Hoa Kỳ.
Những lý do để lạc quan
Tân đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius có thể có nhiều lý do để lạc quan về nhiệm kỳ sắp tới của ông tại Việt Nam. Chỉ cách đây hơn 1 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng tầm quan hệ hai nước lên thành hợp tác đối tác toàn diện, một bước tiến dài sau hơn 30 năm kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Không những thế, vào đầu tháng 10 vừa qua, Mỹ cũng tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như một nhìn nhận về những tiến bộ nhất định trong vấn đề cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và để đáp ứng quyền lợi về an ninh chiến lược của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương. Chính vị tân đại sứ Mỹ là người đã tích cực ủng hộ việc dỡ bỏ này. Trong buổi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ vào 18 tháng 6, ông Ted Osius nói rằng Việt Nam đã có tiến bộ trong một vài lĩnh vực như quyền của người lao động, chăm sóc người khuyết tật, cho phép không gian rộng mở hơn đối với xã hội dân sự và vấn đề tự do tôn giáo. Ông nhìn nhận dù những tiến bộ này còn khiêm tốn nhưng đã đến lúc Mỹ phải xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Ông cũng cho rằng đây là một cơ hội để Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Nhận xét về những thuận lợi trước mắt của tân đại sứ Mỹ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết:
Chắc chắn là cũng có những thuận lợi với ông Ted Osius vì dù sao thì ông cũng tới Việt Nam vào năm 2014 chứ không phải 2012 tại vì nếu ông tới Việt Nam vào năm 2012 thì lúc đó đàm phán Việt Mỹ về vấn đề nhân quyền vẫn chưa được diễn ra và phải đến tháng 4 năm 2013 mới bắt đầu có một số tín hiệu nào đó.
Đối thoại nhân quyền giữa hai nước được bắt đầu thực hiện từ năm 2006 nhưng vào năm 2012 bị chững lại một thời gian do tình hình nhân quyền xấu đi tại Việt Nam.
Trong đoạn video chào người dân Việt Nam, vị tân đại sứ cũng nói đến mong muốn thúc đẩy mối quan hệ toàn diện giữa hai nước thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác trong lĩnh vực y tế và môi trường. Đây cũng có thể coi là những lĩnh vực hợp tác mạnh giữa hai nước. Theo báo cáo mới đây của Viện giáo dục quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ trong năm 2014 là hơn 16 ngàn người, tăng 3% so với năm trước đó. Việt Nam hiện là nước nằm trong số 10 nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ. Hoa Kỳ cũng là nước nhiều năm qua hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình y tế, đặc biệt là chương trình phòng chống HIV/AIDS. Trong lĩnh vực môi trường, Hoa Kỳ mới đây cũng đã cam kết một khoản viện trợ 17 triệu đô la cho Việt Nam dành cho chương trình thích nghi và biến đổi khí hậu.
Con đường đầy chông gai?
Nhưng con đường trước mắt của vị tân đại sứ cũng không hẳn đã trải đầy hoa hồng mà còn có thể có nhiều chông gai, theo như lời bình luận của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Theo nhà báo này việc ông Ted Osius đến Việt Nam giữa lúc chính quyền Việt Nam vừa bắt giữ hai blogger nổi tiếng và ra tay đàn áp những hoạt động của giới dân chủ trong nước nhân ngày quốc tế nhân quyền ngày 10 tháng 12 đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho vị tân đại sứ.
Có lẽ là một thách thức còn lớn hơn so với đại sứ cũ tới Việt Nam vì thời điểm đại sứ cũ đến thì chưa xảy ra những vụ bắt bớ các blogger như thế này và cũng chưa tới cái ngày quốc tế nhân quyền đang bị ngăn cản. Cho nên việc Ted Osius đến Việt Nam vừa nhận nhiệm sở và chuẩn bị trình quốc thư thì tôi cho đó là một thách thức lớn với ông Ted Osius vì có nhiều vấn đề ông phải giải quyết ở Việt Nam, mặc dù trước khi ông tới Việt Nam thì ông có vẻ lạc quan. Ông đã ra quốc hội và đề nghị giảm hạn chế bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Có lẽ cần phải có thời gian…. Khi ông đến Việt Nam thì tôi nghĩ là ông sẽ có thời gian suy nghĩ lại đặc biệt là về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Có lẽ là một thách thức còn lớn hơn so với đại sứ cũ tới Việt Nam vì thời điểm đại sứ cũ đến thì chưa xảy ra những vụ bắt bớ các blogger như thế này và cũng chưa tới cái ngày quốc tế nhân quyền đang bị ngăn cản. 
– Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng 

Chỉ trong vòng một tuần qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hai blogger nổi tiếng là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập.
Báo cáo về tự do internet mới đây của tổ chức Freedom House đánh giá Việt Nam vẫn là nước không có tự do internet. Báo cáo cho biết chính quyền Việt Nam đã bắt giữ gấp đôi con số người dùng internet trong vòng 3 năm qua tính đến năm 2014 và thậm chí bỏ tù nhiều blogger hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo báo cáo, Việt Nam đã áp dụng các nghị định 72 và 174 để hạn chế tiếp cận internet, và áp dụng điều 258 của luật hình sự, một điều luật mù mờ về lạm dụng quyền tự do xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước và cá nhân, để bỏ tù các bloggers.
Blogger Hoàng Vi, thành viên của mạng lưới blogger Việt Nam, người đã từng nhiều lần tiếp xúc với đại diện ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cho rằng mặc dù Mỹ đã gây áp lực lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền nhưng những thay đổi vẫn chưa đáng kể.
Em thấy vừa rồi Mỹ đã có những áp lực lên Việt Nam, buộc họ phải thay đổi một số thứ nhưng tuy nhiên vấn đề thay đổi ở Việt Nam chỉ để đáp ứng những cái thỏa thuận ngoại giao với Mỹ thôi chứ vấn đề đàn áp nhân quyền vẫn không thay đổi, có nghĩa là họ sẽ đem tù nhân lương tâm ra để trao đổi với phía Mỹ và các quốc gia khác. Sau đó họ lại đi đường khác và bắt nhiều người khác.
Không những thế, trong lĩnh vực kinh tế, đàm phán về hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên thái Bình Dương TPP giữa hai nước cũng chưa phải đã suôn sẻ dù lãnh đạo hai nước đều mong muốn sớm hoàn tất việc ký kết hiệp định này. Hôm 23 tháng 10 vừa qua, 8 dân biểu Mỹ đã có thư gửi đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, người phụ trách đàm phán TPP với Việt Nam, thúc giục chính phủ Hoa Kỳ gắn vấn đề nhân quyền vào việc ký kết TPP với Việt Nam.
Vị tân đại sứ có thể có nhiều lạc quan về nhiệm kỳ sắp tới dựa vào kinh nghiệm đã từng phục vụ tại Việt Nam từ những năm đầu hai nước đặt nền tảng quan hệ ngoại giao của ông, cũng như những gì đã diễn ra trong quan hệ hai nước. Nhưng ông sẽ làm gì trước những khó khăn không nhỏ trong vòng 3 năm tới thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người.
Việt Hà

(RFA)

Tin bài liên quan:

Chuyến trở về của Nguyễn Bá Thanh: thấy và không thấy…

Phan Thanh Hung

Định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN có gì khác biệt?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc, Lào là quan hệ 4 tốt: anh em tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo