Thiền Lâm
Việt Nam – Cali Today News – Một hiện tượng đáng chú ý và cần mổ xẻ trong đời sống chính trị và “chống tham nhũng” bất thần sôi sục ở Việt Nam là trùng với thời điểm đại gia Trầm Bê – nhân vật được dư luận đặt cho biệt hiệu “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng – bị Bộ Công an bắt vào đầu tháng Tám năm 2017, một số tờ báo nhà nước, trong đó đặc biệt là những “mũi xung kích” Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tổ Quốc… đã đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của cơ quan Ngân hàng nhà nước trong mối liên quan mật thiết với các đại án ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước mỗi năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra lớn, bé và có quyền chủ động công bố về sai phạm liên quan của các ngân hàng, các cá nhân liên quan. Cơ quan này được phụ trách bởi một chánh thanh tra được xem là “người của Thống đốc Bình”. Thế nhưng từ sau vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) – một đại gia ngân hàng – bị công an bắt giam vào năm 2012, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước đã không phát hiện hay xử phạt được vụ việc thất thoát lớn nào tại Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu – những ngân hàng mà vào năm 2015 Thống dốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo “mua lại với giá 0 đồng”, nhưng bị rất nhiều dư luận nghi ngờ rằng ông Bình đã tìm cách rút rỉa một số tiền lớn của ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để cứu 3 ngân hàng sắp sụp đổ này.
Mặc dù dư luận nghi ngờ trên đã lan cả vào kiến nghị của một số đại biểu quốc hội từ năm 2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ giải đáp minh bạch nào từ phía Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Nếu chỉ riêng đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng đã “nuốt” đến 9 ngàn tỷ đồng, có thể mường tượng con số mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình dùng để “mua lại với giá 0 đồng” của 3 ngân hàng đại án có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Và nếu trò ma quái này là có thật thì sau Thống đốc Bình, nhân vật mà nay là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì đã “gật”.
Nguyễn Văn Bình lại được xem là “cánh tay mặt” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về “thành tích” thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.
Vụ bắt Trầm Bê vào đầu tháng 8/2017 lại chỉ xảy ra ít ngày sau khi nhân vật được coi là “tử thù” của Nguyễn Phú Trọng là Trịnh Xuân Thanh “bỗng dưng” đến Bộ công an để “đầu thú”.
Logic “đúng quy trình” của Tổng bí thư Trọng có lẽ đang biến động nhanh và mạnh hơn hẳn, được khơi nguồn cảm hứng bởi ca khúc chế trên mạng xã hội “Thanh đã về, Thanh đã về!”.
Ngay sau vụ bắt Trầm Bê, đến lượt Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư phát triển, người được xem là rất gần gũi với Nguyễn Văn Bình và chỉ “dưới anh ba X nhưng trên vạn người” – có tin có thể bị bắt bất kỳ lúc nào.
Đến đây, hai “đường dây” xuất phát từ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê cùng giao nhau ở một điểm: Nguyễn Văn Bình.
Hiện tượng báo nhà nước “xét lại” những vụ việc ở Ngân hàng nhà nước, tuy chưa đề cập trực tiếp về tách hiệm của ông Nguyễn Văn Bình, đang phác ra một logic dễ hiểu: “kiểm tra theo báo”.
Được trợ thủ đắc lực bởi cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang – một nhân vật rất “sùng” báo chí và rất hiểu tác động của nó, Tổng bí thư Trọng mang tư duy hành động chiến thuật “kiểm tra theo báo” rất rõ.
Vào chiều ngày 6/8/2017, ông Nguyễn Phú Trọng có một cuộc tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ. Tại đây, khi nói về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ông Trọng giải mã: “Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì có bài báo của báo Thanh niên, chúng tôi chỉ đạo làm rõ. Phát hiện ra thì thôi chức Phó Chủ tịch tỉnh, rồi thôi đại biểu quốc hội. Bây giờ đang giao Ủy ban kiểm tra trung ương tiếp tục kiểm tra, vừa rồi chỉ là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tiếp tục kiểm tra thi hành kỷ luật, mức gì nữa thì còn làm tiếp nhiều việc lắm chứ không phải chỉ dừng ở đây”.
Ứng với chiến thuật “kiểm tra theo báo”, sau khi hàng loạt tờ báo nhà nước “phản biện” về Ngân hàng nhà nước và bóng gió đề cập, hoặc nói thẳng về trách hiệm của cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Quốc Vượng – người vừa được giao thêm trách nhiệm “tham gia Thường trực Ban bí thư” sau khi đương kim thường trực là Đinh Thế Huynh bất chợt đổ bệnh đến mức “ăn không hết tô cháo” – sẽ “vào cuộc” như cái cách mà cơ quan này đã âm thầm kiểm tra tình hình tài chính và số thất thoát khủng khiếp tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) thời Đinh La Thăng, để đến tháng 5/2017 đã chính thức hất đổ ông Thăng hỏi cái ghế ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy TP.HCM.
Giờ đây, Đinh La Thăng lại “cùng chung chiến hào” với Nguyễn Văn Bình tại Ban Kinh tế trung ương – một cơ quan mà đã từ lâu bị xem là vô thưởng vô phạt và thực chất chẳng có quyền lực gì, cũng là cơ quan mà rất có thể Nguyễn Phú Trọng đã “nhốt quyền lực vào lồng” khi đưa cả Bình và Thăng vào một “rọ”.
Cung đường công danh của Nguyễn Văn Bình đang lâm nguy.
Còn nếu Tổng bí thư Trọng nhất quyết muốn “trảm” Đinh La Thăng bằng biện pháp hình sự, số phận của Nguyễn Văn Bình có lẽ cũng không khác hơn và chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thiền Lâm