Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-06-10
Mấy chục người dân khiếu kiện thuộc các nơi khác nhau trên cả nước vào ngày 9 tháng 6 đến tại nơi quốc hội đang họp ở thủ đô Hà Nội với mong muốn được gặp các đại biểu và trình bày trường hợp bị cho là oan ức của họ. Thế nhưng họ không những chẳng được gặp mà còn bị bắt về trụ sở công an thủ đô. Có bốn người bị câu lưu tại số 6 Quang Trung cho đến 6 giờ chiều, và cuối cùng một người bị đưa đi bằng xe bị bùng.
Đây là trường hợp mới nhất dân oan lên đến tận thủ đô khiếu kiện lâu nay bị bắt đưa đi mất tích, mà theo những người hiểu luật thì việc làm đó hoàn toàn vi phạm qui định hiện hành của Việt Nam. Có thể biện pháp được thực hành nhằm bịt đầu mối của những vụ tiêu cực cấp cao nào đó.
Bắt ‘nóng’
Người bị bắt đi là chị Trần Thị Hải, người Ninh Bình, từng phải đi khiếu kiện nhiều năm qua nhưng vụ việc của bản thân vẫn không được giải quyết.
Cháu Phước, con của một gia đình dân oan hiện đang có mặt tại Hà Nội để khiếu kiện cho biết về việc bắt giữ chị Trần Thị Hải vào ngày 9 tháng 6 như sau:
“Ngày hôm qua có chú Tu, bà Hòa cùng một người có cháu nhỏ đã về; còn riêng cô Hải bị đưa lên xe tù chở đi đâu không rõ. Cô ta đập cửa, kêu cứu quá luôn mà bà con không thể chạy theo được.”
Một thành viên của nhóm Cứu Lấy Dân Oan lâu nay chuyên giúp đỡ cho những người từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước về Hà Nội để khiếu kiện, ông Mai Xuân Dũng, cũng cho biết thông tin về việc chị Trần Thị Hải bị bắt mà đến lúc này chưa biết đưa đi đâu:
Ngày hôm qua có chú Tu, bà Hòa cùng một người có cháu nhỏ đã về; còn riêng cô Hải bị đưa lên xe tù chở đi đâu không rõ. Cô ta đập cửa, kêu cứu quá luôn mà bà con không thể chạy theo được
Cháu Phước
“Trường hợp chị Hải này thì vào ngày hôm qua mùng 9, chị có đi cùng một số bà con khoảng độ 30 người. Chị mang đơn đến tòa nhà quốc hội đang họp để nộp đơn khiếu nại tố cáo về vấn đề tham nhũng đất đai. Chị bị lực lượng chức năng: an ninh, công an, cảnh sát, dân phòng bắt lên xe đưa về trụ sở Công an Hà Nội số 6 Quang Trung, Hà Đông. Chị bị bắt cùng 4 người khác nữa, có một cháu nhỏ. Sau khi chị bị bắt vào đó rồi thì đến chiều người ta thả 4 người ra vì bà con đến đòi người rất đông mang theo khẩu hiệu. Dù có trấn áp nhưng cuối cùng công an thả 4 người ra còn chị Hải thì đưa vào thùng xe bịt bùng chở đi. Người ta đọc được số xe và nghe tiếng la hét, đập cửa xe. Bây giờ chở đi đâu thì không ai biết nữa!”
Chị Trần Thị Hải, người Ninh Bình đã bị bắt cóc, chưa biết hiện ở đâu.
Lâu nay cùng nhau đi khiếu kiện nên cháu Phước còn cho biết chị Trần Thị Hải không có thân nhân bà con gì cùng đi theo trong suốt quá trình khiếu kiện được nói là cả hai chục năm nay.
Trường hợp tương tự
Vào tháng ba vừa qua, một người dân oan Tây Ninh ra Hà Nội khiếu kiện là ông Nguyễn Văn Thông cũng bị bắt như trường hợp chị Trần Thị Hải, Ninh Bình.
Cháu Phước kể lại lần bắt đó như sau:
“Ông Nguyễn Văn Thông bị bắt cùng tình trạng đó. Ông ấy đi cùng ba con là Đoàn Thanh Giang. Lúc đó có xe 16 chỗ với lực lượng rất đông nhảy xuống bắt ông ta lên xe giống như bắt cóc vậy. Ba con chạy về báo với bà con là ông Thông bị bắt cóc rồi. Mọi người có đến trụ sở tại công an Hà Đông để hỏi, họ nói không ai bắt cóc hết, ở Tây Ninh ra lệnh bắt. Bà con nói Tây Ninh ra lệnh bắt sao không bắt hôm qua mà đến hôm nay bắt lén người như thế. Bà con cũng liên lạc nhiều nhưng đến giờ không biết họ đưa bác Thông đi đâu!”
Chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng của những dân oan như thế này. Họ bị oan ức, bị cướp đất đai, nhà cửa rồi. Đến khi họ kêu oan phải giải quyết mà không giải quyết; đằng này còn bịt miệng, trấn áp và bắt họ đi như thế!
Ông Mai Xuân Dũng
Ông Mai Xuân Dũng thuộc nhóm Cứu Lấy Dân Oan cho biết có tìm hiểu về trường hợp ông Nguyễn Văn Thông; và những thông tin mà nhóm có được đến lúc này:
“ Chúng tôi cũng tìm hiểu trường hợp anh Nguyễn Văn Thông nên đã tìm ra manh mối là anh ta bị biệt giam tại nhà giam B2 của thành phố Tây Ninh. Chĩ biết đến vậy và có liên lạc gia đình anh Thông thì biết gia đình không được thăm gặp mà họ chỉ cho gửi đồ mà thôi. Đến nay cũng không biết thêm thông tin vì ở trong đó chúng tôi không có nhiều bà con lắm.”
Ông Mai Xuân Dũng cũng bày tỏ sự lo lắng cho những người dân oan bị bắt như ông Nguyễn Văn Thông, chị Trần Thị Hải.
“Chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng của những dân oan như thế này. Họ bị oan ức, bị cướp đất đai, nhà cửa rồi. Đến khi họ kêu oan phải giải quyết mà không giải quyết; đằng này còn bịt miệng, trấn áp và bắt họ đi như thế!”
Bắt để bịt đầu mối?
Khi được hỏi những người dân từ các nơi khác về Hà Nội khiếu kiện như ông Nguyễn Văn Thông ở Tây Ninh và chị Trần thị Hải ở Ninh Bình bị cơ quan bắt đi và đưa về địa phương giam giữ như thế liệu họ có vi phạm điều gì không, ông Mai Xuân Dũng đưa ra nhận định:
Theo tôi nghĩ đằng sau vấn đề này có chỗ là có thể những vụ kêu oan đó của họ động chạm đến những vụ tiêu cực, tham nhũng, hối lộ gì đó của các quan chức địa phương cấp cao, và có những móc nối với cấp cao hơn nữa nên họ muốn vùi dập những người này đi để bịt miệng
ông Mai Xuân Dũng
“ Bà con dân oan toàn là những người lao động xuất thân từ nông dân. Họ không có suy nghĩ gì khác ngoài việc khi bị oan ức thì phải kêu lên, như người bị đánh phải kêu lên thế thôi! Họ mang những giấy tờ để trình lên các cấp cao. Họ ra Hà Nội với hy vọng đó là nơi mà các cấp trung ương đóng với mong muốn những cơ quan thẩm quyền cao nhất của Việt Nam giải quyết những oan khuất của họ. Chứ họ có mong muốn gì hơn đâu.
Theo tôi nghĩ đằng sau vấn đề này có chỗ là có thể những vụ kêu oan đó của họ động chạm đến những vụ tiêu cực, tham nhũng, hối lộ gì đó của các quan chức địa phương cấp cao, và có những móc nối với cấp cao hơn nữa nên họ muốn vùi dập những người này đi để bịt miệng!”
Ngay sau khi chị Trần Thị Hải bị cơ quan chức năng đưa đi trong xe thùng trước sự chứng kiến của những người dân cùng đi khiếu kiện, và họ nghe được tiếng kêu la của chị này; nhóm Cứu Lấy Dân Oan đã ra một tuyên bố nêu rõ việc cưỡng bức chị này lên xe công an đưa về trụ sở tại số 6 Quang Trung, thành phố Hà Nội là hành động bắt người tùy tiện, trắng trợn và vô luật pháp của chính quyền.
Nhóm Cứu Lấy Dân Oan cho biết sẽ gửi bản tuyên bố đến cho các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội, các chính phủ tham gia Công ước Quốc tế về Nhân quyền để giúp can thiệp, lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho hai công dân Trần thị Hải cũng như Nguyễn Văn Thông.
Nhóm Cứu Lấy Dân Oan tập trung một số nhà hoạt động chuyên giúp đỡ cho những người dân từ nhiều địa phương khác phải đến tận các cơ quan trung ương để khiếu kiện. Đây là một trong những nhóm xã hội dân sự độc lập ra đời tại Việt Nam gần đây.
RFA