Trung Ương Đảng CSVN họp hội nghị lần thứ 11 đưa ra các tiêu chuẩn để “giới thiệu nhân sự” vào các chức vụ chủ chốt của guồng máy đảng và nhà nước cho nhiệm kỳ kế tiếp, sẽ bầu bán đầu năm tới.
Mô hình phi trường Long Thành, dự án tốn kém đến hơn 15 tỷ đô la chưa biết lấy tiền ở đâu, bất ngờ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này của Đảng CSVN. (Hình: VTC News) |
“Công tác nhân sự” là vấn đề cốt lõi của mỗi nhiệm kỳ 5 năm của Đảng CSVN. Trên nguyên tắc, đây là cuộc họp theo thông lệ của Trung Ương Đảng CSVN tổ chức bề ngoài thì có vẻ công bằng, dân chủ, nhưng những tin tức bị xì ra về những đấu đá phe nhóm hầu tranh ghế, nắm quyền trong nội bộ thượng tầng của chế độ, luôn luôn thấy vào dịp này.
Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng CSVN đọc bài diễn văn khai mạc khóa họp kéo dài 4 ngày từ Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015 nhấn mạnh đến tiêu chuẩn lựa chọn những người lãnh đạo của đảng và nhà nước tương lai vẫn phải bám chặt lấy “đường lối, nhiệm vụ chính trị của đảng” là quyết ôm chặt lấy quyền lực để “xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Khi nhà cầm quyền CSVN chuẩn bị sửa bản hiến pháp rồi thông qua vào cuối năm 2013, hàng chục ngàn người qua một số tổ chức quần chúng đã ký tên trên các bản kiến nghị thúc giục bỏ Điều 4 Hiến Pháp vốn dành độc quyền cai trị cho Đảng CSVN, cũng như trả lại quyền tư hữu cho nhân dân. Các đề nghị này đã bị lờ đi.
Bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra 4 vấn đề chính được đưa ra thảo luận trong kỳ họp trung ương đảng lần này là “Phương hướng công tác nhân sự”; “Số lượng và phân bổ đại biểu dự đại hội đảng lần thứ 12” dự trù vào đầu năm 2016; “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương”; và cuối cùng, đáng ngạc nhiên là bàn về “Dự án phi trường Long Thành.”
Ông Trọng đưa ra các “tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư trong thời điểm hiện nay” là “phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của đảng, Hiến Pháp của nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong đảng, được quần chúng thực sự tin yêu.”
Lời ông Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc phiên họp trung ương Đảng CSVN được một người bình luận trên mạng là “theo tiêu chí kể trên, không tìm được ai cả.”
Nhiều người khác bầy tỏ sự phẫn nộ về chủ trương bám chặt lấy quyền lực để tiếp tục vơ vét tiền bạc tài sản đất nước vào tay một thiểu số đảng viên Đảng CSVN, bất chấp sự khốn khó của đại đa số quần chúng và quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc.
Một bản phúc trình về tham nhũng tại Việt Nam gần đây được Liên Hiệp Quốc phối hợp với nhà cầm quyền CSVN tổ chức khảo sát cho thấy tham nhũng vẫn tràn lan từ trên xuống dưới trong guồng máy công quyền. Bản phúc trình hàng năm của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế cũng nói những điều không kém tệ hại.
Điều gây ngạc nhiên cho những ai quan tâm đến tình hình thời sự Việt Nam là bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng lại coi chuyện đầu tư xây dựng phi trường Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai là một trong những điều quan trọng ngang với vấn đề nhân sự của đảng và “mô hình tổ chức chính quyền địa phương.”
Một số chuyên gia đã vạch ra các điều phi lý khi nhất quyết thực hiện dự án phi trường quốc tế Long Thành, tốn kém đến hơn 15 tỷ đô la chưa biết lấy tiền ở đâu. Trong khi đã có phi trường Tân Sơn Nhất và chỉ cần nới rộng phi trường Tân Sơn Nhất bằng cách lấy sân gôn nằm bên cạnh hiện đang do quân đội CSVN quản lý, nếu muốn mở rộng thêm, vừa đỡ tốn kém, vừa không phải đuổi hàng chục ngàn người đang sinh sống ở Long Thành đi chỗ khác.
Một bài viết hôm Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015 của báo Nhật Japan Times nói rằng phi trường Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được vì cái sân gôn là cái chỗ để nhóm tướng lãnh quân đội có chỗ chấm mút tiền bạc. Nguồn lợi từ cái sân gôn “được để ngoài sổ sách.” Tham vọng xây dựng phi trường Long Thành để cạnh tranh với phi trường quốc tế Singapore khai thác dịch vụ trung chuyển hàng không là điều không tưởng, theo giới chuyên viên nhận định.
Tại Việt Nam, đám quan chức chế độ lâu nay có châm ngôn được mọi người biết đến là “tư duy nhiệm kỳ.” Điều này được hiểu khi còn tại chức, các quan chức chế độ cố gắng vơ vét càng nhiều càng tốt. Mất chức rồi hoặc nghỉ hưu thì không còn cơ hội.
Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% người dân Việt Nam đã phải hối lộ viên chức nhà nước mỗi khi đến “cửa công.” Có 55% số người được phỏng vấn cho rằng tham nhũng tăng lên. Trong khi đó, 38% người được phỏng vấn tin rằng các nỗ lực của nhà cầm quyền CSVN nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước CSVN từng than rằng quan chức của chế độ khắp nơi “mỗi ngày người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì” trong một cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN ngày 11 tháng 9, 2013 nhân dịp cơ quan này, “Cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.”
Gần chục năm trước, khi được đôn lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói trên truyền hình rằng nếu không chống được tham nhũng ông ấy từ chức. Đến nay ông Dũng còn đang hy vọng leo lên ghế tổng bí thư Đảng CSVN tại đại hội đảng vào tháng 1 năm tới, dù tham nhũng ngày một kinh hoàng.
Cuộc họp 4 ngày của trung ương Đảng CSVN chuẩn bị cho chuyện bầu bán, cắt đặt người vào trung ương đảng và các chức sắc chóp bu đảng và guồng máy cầm quyền nhà nước ở trung ương không có dấu hiệu gì như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên truyền “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh…”
(Người Việt)