Lấp, lấn hay nắn sông Đồng Nai?
Châu Tấn PhátGửi tới BBC từ Sài gòn
Một khu đô thị mới khang trang, thơ mộng dọc dòng sông hiền hòa, không dây điện chằng chịt, không ngập nước. Một bờ kè thẳng thớm, xanh, sạch, đẹp, kiên cố chống xói lở lưng đường cong của dòng sông vào những mùa mưa lũ. Một cơ hội tăng việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân khu vực trong hiện tại và tương lai, thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thuế phí lâu dài cho đất nước…
Còn nhiều lợi ích hơn nữa của Dự án cải tạo và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai – The Pegasus Riverside của Công ty Cổ Phần Đầu Tư – Kiến Trúc – Xây Dựng Toàn Thịnh Phát mang lại, nhưng đang trên đà chết yểu bởi sự phản ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội kèm hỗ trợ của báo chí, với những lý do viển vông, những lập luận lấp lửng mà không có cơ sở khoa học xác đáng nào.
‘Tác động tích cực’
Nhìn tổng thể, dự án The Pegasus River đựợc xây dựng trên phần diện tích xói lở với mục đích nắn lại dòng chảy sông Đồng Nai thẳng hơn, trả lại phần đất bị xói lở lũy kế của nhiều năm trước đây do tác động của hướng dòng chảy đâm thẳng vào phần đất dự án và bồi đắp phía nên bờ đối diện.
Tiết diện thoát nước dòng sông tại vị trí dự án sau khi xây dựng vẫn còn lớn hơn nhiều so với tiết diện khống chế hai đầu bởi hai cây cầu vĩnh cửu (tồn tại trên 100 năm) là cầu Hóa An và cầu Đồng Nai. Chiều rộng dòng sông tại vị trí sau khi đã san lấp thực hiện dự án lớn hơn 650m so với chiều rộng bình quân hạ lưu cầu Hóa An là 500m.
“Nếu cho rằng san lấp phần lưng đường cong dòng sông để làm dự án sẽ thu nhỏ tiết diện dòng chảy hiện tại và gây giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt thì thực tế là ngược lại”.
Nếu cho rằng san lấp phần lưng đường cong dòng sông để làm dự án sẽ thu nhỏ tiết diện dòng chảy hiện tại và gây giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt thì thực tế là ngược lại.
Nên hiểu diễn biến lòng sông là quá trình vận động tự điều chỉnh để đạt tới trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố: vận tốc hướng dòng nước, bùn cát và lòng sông. Khi thay đổi hướng chuyển động và vận tốc của dòng nước thì cũng thay đổi sự vận chuyển của bùn cát, hệ quả sẽ tạo thành lòng sông mới có tiết diện ngang mới.
Dự án trên được xây dựng sẽ tái tạo con sông có dòng chảy từ cong sang thẳng, làm dịch chuyển hướng dòng chảy vào giữa dòng sông, vận tốc dòng nước lớn hơn, tác dụng xóa bỏ bãi bồi bờ đối lập, hình thành tiết diện ngang cân đối hơn, lớn hơn nhờ thay đổi đáy lòng song. Khi đó năng lực thông hành lưu lượng nước trong lũ sẽ lớn hơn nhiều so với dòng chảy cong, tăng điều kiện thoát lũ phần thượng lưu nhanh hơn hiện tại mà không gây xói lở bờ.
Đặc thù riêng của dòng sông Đồng Nai là dòng sông rất ít bùn cát bởi đã bị bồi lấp trong hồ chứa Trị An, nên việc tái lập bồi lấp dọc lòng sông tại vị trí dự án sẽ không xảy ra sau khi đã xóa bỏ bãi bồi. Lũ hạ lưu sông Đồng Nai chủ yếu bởi tác động nước dềnh triều cường vào thời điểm cuối năm, làm giảm khả năng thoát nước, gây nên ngập lụt các chân ruộng thấp dọc bờ sông, còn ảnh hưởng gây ra lũ lụt của tiết diện dòng chảy hiện tại hầu như không đáng kể.
‘Không nên cảm tính’
Nếu cho rằng giữ nguyên bề rộng phần dự án để giảm áp lượng nước mưa lũ cho phía hạ lưu dự án thì hoàn toàn là nhận định theo cảm tính.
Theo số liệu quan trắc sông Đồng Nai tại cầu Đồng Nai, lưu lượng nước lũ lớn nhất cho chu kỳ 10 năm (Tần suất P=10) dao động từ 4000 – 6800m3/s tùy theo mực nước dềnh của thủy triều, cho chu kỳ 100 năm (Tần suất P=1) là 12800m3/s. Với lưu lượng nước lũ trên thì thể tích chiếm chỗ nắn dòng bờ sông của dự án cũng chỉ có tác dụng giảm áp tồn tại tính theo giây và có thể bỏ qua.
“Không vì quá máy móc mà kết luận việc làm tương tự của dự án The Pegasus Riverside đang thực hiện (không từ nguồn vốn vay của chính phủ) lại đem đến những ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng tài nguyên nước, vi phạm hành lang bờ sông, thậm chí cho rằng ảnh hưởng kéo dài đến đời con cháu”.
Nếu cho rằng dự án thực nghiệm sẽ gây ảnh hưởng môi trường, tài nguyên nước thì ngược lại. Hàng năm Việt Nam đang phải huy động nhiều nguồn vốn vay ứng phó biến đổi khí hậu để thực hiện nhiều dự án trong đó có nắn dòng chảy, kè dọc bờ sông, phòng chống sạt lở bờ sông…
Không vì quá máy móc mà kết luận việc làm tương tự của dự án The Pegasus Riverside đang thực hiện (không từ nguồn vốn vay của chính phủ) lại đem đến những ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng tài nguyên nước, vi phạm hành lang bờ sông, thậm chí cho rằng ảnh hưởng kéo dài đến đời con cháu.
Trên dòng sông Đồng Nai đã tồn tại hàng loạt công trình thủy điện đã và đang xây dựng, việc ngăn dòng, xả lũ gây lụt khi triều cường, hủy hoại tài nguyên rừng, thay đổi môi trường sinh thái, dòng chảy, ảnh hưởng tài nguyên nước gấp rất nhiều lần so với dự án trên. Nên chăng chúng ta chỉ xét lại mỗi dự án này với mặt trái nho nhỏ để rồi nâng quan điểm, tự kết luận tác hại lớn, dựa vào những thủ tục hành chính thiếu sót để đánh đổ và bỏ qua mọi lợi ích khác.
Những tiêu đề: “Can thiệp thô bạo”, “Vi phạm nghiêm trọng”, “Nhắm mắt làm bừa”, “Không thay đổi tự nhiên”… chưa phải là cách đánh giá đúng đắn, thực tế, khoa học, cân nhắc lợi hại vì nhân sinh và kinh tế, phát triển xã hội và lợi ích cho tương lai.
Với sự biến đổi khí hậu, mực nước biển đang ngày càng tăng. Tương tự giải pháp chống nhiễm mặn trên diện rộng đồng bằng sông Cửu Long, việc ngăn dòng làm đập tràn hay giảm tiết diện dòng chảy sông Đồng Nai để tăng cao độ mực nước cần thiết là điều khó tránh khỏi. Lúc đó có còn nên cân nhắc “Can thiệp thô bạo” hay không? Và phải làm gì để vì tương lai con cháu và đất nước?
Uống thuốc kháng sinh có hại cho cơ thể, nhưng không vì vậy mà chỉ biết lợi dụng sự có hại để cấm sử dụng kháng sinh, quên đi rằng chỉ còn con đường duy nhất là phải uống thuốc mới trị được căn bệnh đang lở loét và thành người khỏe mạnh.
Nước Việt Nam đã từng lỡ nhịp, lỡ đường mà hệ quả là nền kinh tế yếu kém và thu nhập đầu người thấp nhất khu vực. Đừng nên giữ lại dòng sông cong bên lở bên bồi giữa thành phố với những lý do mơ hồ, với những trách nhiệm hão huyền để cố tình ép buộc cho chết yểu những dự án mang nhiều lợi ích thiết thực.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết, một độc giả BBC từ TP Hồ Chí Minh.
BBC
————————
* Tựa đề do VNTB đặt