Đồng Tâm vui và buồn

Đoan Trang
Cuộc đàm phán sáng nay (22/4/2017) giữa Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung và cư dân xã Đồng Tâm, và cuộc thả con tin vào buổi chiều, đã kết thúc và sẽ đi vào lịch sử.
Ta thấy gì trong sự kiện này? Thấy cả niềm vui và nỗi buồn.
VUI:
1. Đã không có (thêm) bạo lực và đổ máu sau vụ việc sáng 15/4. Ngay cả vào thời điểm căng thẳng nhất, đêm 19/4, bạo lực của công an và côn đồ nhằm vào dân cũng đã được kiềm chế. Phía dân Đồng Tâm không có hành động bạo lực nào.
2. Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân.
3. Với việc ông Chung hứa hẹn sẽ có điều tra về vụ bắt giữ trái phép cụ Lê Đình Kình, (hy vọng) sự việc góp phần thay đổi tư duy của một số người, giúp họ nhận ra rằng chính quyền có thể sai, công an có thể phạm pháp, và dân thường luôn cần được bảo vệ.
4. Vụ việc có thể tạo tiền lệ dân bắt giữ công an để phản ứng trong trường hợp cần thiết. Nhưng nếu công an, quân đội không làm sai, không phạm tội, không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp hà hiếp dân, thì sẽ chẳng có tiền lệ đó.
BUỒN:
1. Câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào. Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng.
2. Vụ Đồng Tâm gây chia rẽ sâu sắc giữa giới báo chí “chính thống” với cộng đồng mạng (và chia rẽ giữa chính làng báo với nhau). Nó củng cố định kiến của nhiều người về “bọn facebooker” chuyên đưa tin nhảm, tin bịa đặt. Trong khi đó, những người ấy không nhận thấy rằng để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, chính là tội của chính quyền và của nền báo chí công cụ. Những người đổ tội cho “bọn facebooker” cũng không nhận ra rằng, nếu ngay từ đầu nhà nước và công an không làm sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội, thì Đồng Tâm đã bị đàn áp tàn bạo trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.
3. Kết quả đối thoại hôm nay cho thấy Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có ghi nhận ý kiến của cộng đồng mạng để phân định đúng, sai trong vụ Đồng Tâm, và ông cũng có ý thức “công tội phân minh”. Nhưng VTV và những cơ quan báo chí quốc doanh đã từng đưa tin sai sự thật, vu khống, mạ lị dân Đồng Tâm, thì chưa thấy phải chịu trách nhiệm gì. Chưa thấy ông Chung nhắc gì đến họ. Trên nguyên tắc, VTV và các báo đã đưa tin sai, đã viết bài bình luận nhảm nhí, thì phải đính chính và xin lỗi công khai. Trên thực tế, họ sẽ chẳng làm như thế, mà việc gì phải hạ cố xin lỗi dân khi họ đơn thuần là công cụ phục vụ chủ nhà nước, “ăn cơm chúa, múa tối ngày”?
4. Ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.
_______________
18056889_1700736579941228_8353649655337334251_n.jpg

Cam kết viết tay của Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung với dân làng Đồng Tâm.
THẮNG LỢI LỚN CỦA DÂN LÀNG ĐỒNG TÂM
Sự kiện Đồng Tâm rồi sẽ đi vào lịch sử như một trong những thất bại lớn nhất của đảng cầm quyền – với tư cách một thế lực chuyên chính – trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và người dân.
Cam kết không truy cứu hình sự hành vi bắt giữ cán bộ/công an của dân làng Đồng Tâm không chỉ là một biệt lệ trong diễn giải pháp luật hình sự, cũng không chỉ là sự thoái lui của giải pháp bạo lực quen thuộc nhằm chiếm thế thượng phong; mà quan trọng hơn còn là chấp nhận tạo ra tiền lệ rằng nếu sự phản kháng của dân chúng đủ mạnh (bắt giữ nhiều cán bộ chẳng hạn), các yêu sách của họ sẽ được chấp thuận mà chẳng ai chịu bất kì trừng phạt gì.
Tiền lệ này có sức nặng của một quả bom nguyên tử nổ chậm trong chính trị Việt Nam khi đặt những người nắm quyền trước chỉ hai lựa chọn. Hoặc là chấp nhận thay đổi căn bản chính sách đất đai để hạ nhiệt các bất ổn xã hội. Hoặc là phải đối mặt với hàng loạt Đồng Tâm khác khắp cả nước.
Nhìn dưới góc độ đó, những tiểu tiết như vẫy hoa, căng băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng không nói lên điều gì khác ngoài việc người dân giữ thể diện cho chính quyền (vì thực tế là họ chẳng được lợi gì nếu làm mất mặt nhà cầm quyền thêm nữa). Vậy nên, quan trọng hơn là nhìn vào kết quả cuối cùng xem bên nào đã đạt được mục tiêu của mình để nhận định; những chuyện khác chỉ là phụ.
Về phía những người nắm quyền mà nói, cũng không nên xấu hổ làm gì nếu thua dân lần này, và còn có thể nhiều lần sau này nữa, vì lẽ những thất bại này là cần thiết để họ dần nhận ra quyền lực nhà nước nên để phụng sự chứ không phải trấn áp quốc dân.
Ấy cũng là lúc họ hiểu ra đôi bên cùng thắng vậy.
Nguyễn Anh Tuấn
Theo FB Nguyen Anh Tuan

———————-

Lời phát biểu của bô lão Đồng tâm:
Chúng tôi rất đau lòng vì những việc vừa qua. Ông Nguyễn Đức Chung nguyên giám đốc công an chắc phải hiểu rõ không ai có tội trừ khi bị kết tội. Để giải quyết vấn đề phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ như vậy mới giải quyết thấu tình đạt lý. Những gì đã xảy là sự việc đáng tiếc. Ở chừng mực nào đó nếu người dân chúng tôi không hiểu thì phải tuyên truyền cho chúng tôi…
Quê hương Đồng Tâm là xã anh hùng trong kháng chiến, để xảy ra chuyện này không ai không đau lòng, nhất là chuyện ông Kình là cán bộ lão thành 82 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng bị bắt. Chúng tôi hiểu luật pháp cho phép bắt một người trong trường hợp khẩn cấp không cần lệnh. Nhưng thử hỏi ông Kình gây nguy hiểm cho ai mà bắt như thế. Đá như quả bóng, quăng lên ô tô. Tôi nói xin lỗi là quăng như quăng một con lợn. Chúng tôi chứng kiến mà rơi nước mắt.

Phản ứng mà người dân tạm giữ một số cán bộ công an là phản ứng nhất thời vì quá bức xúc. Theo pháp luật giữ người như thế là sai nhưng cái sai của chúng tôi xuất phát từ 2 cái sai của cán bộ:
Cái sai thứ nhất là khu vực đất 59 hecta đất đồng Sênh của chúng tôi không liên quan đến đất sân bay, mà lãnh đạo xã khẳng định là đất quốc phòng. Loa phát thanh nói ra rả nhưng càng nói thì làm người dân căm phẫn hơn. Cái sai là không làm rõ đất thuộc quyền của dân Đồng Tâm không thuộc đất quốc phòng.
Nếu đất quốc phòng phải có quyết định của Thủ tướng, để thu hồi 59 hecta phải thông qua Quốc hội là dự án có khả thi không. Phê chuẩn xong Thủ tướng mới ra quyết định thu hồi. Nhưng đến giờ không có bất kỳ quyết định nào của các cấp có thẩm quyền cả.
Cái sai thứ hai là bắt người trong trường hợp khẩn cấp, nhưng thực tế là lừa. Các đồng chí bảo nhân dân lên dẫn chỉ mốc giới để giải quyết đâu là phần đất nông nghiệp đâu là quốc phòng. Những người dân chúng tôi trong đó có ông Kình tin tưởng đi theo, nhưng chỉ mới đến cột mốc thứ 2 đã bắt người một cách dã man. Mọi người không chứng kiến không thể hiểu nổi sự đau lòng…
Trích phát biểu của cụ Kỷ, 63 tuổi tại phiên đối thoại sáng 22/4 với Chủ tịch Chung

———————-



VTV 1 vẫn dùng chiêu trò dối trá, bỉ ổi. Chúng đưa hình ảnh cuộc họp tại huyện Mỹ Đức ngày 20- 4 nói là hôm nay. Hôm đó không có người dân Đồng Tâm dự, chúng cho một ông cụ nào đó nhân danh dân Đồng Tâm thú nhận là mình sai. Cuối cùng chúng mới đưa hình ảnh người dân thả cscđ ngày hôm nay và nói là người dân đã nhân biết được sai trái , không hiểu biết nên sau khi đối thoại với chú tịch Nguyễn Đức Chung đã đồng ý thả. Và nói ông Nguyễn Đức Chung sẽ xem xét và xứ nhẹ.

Bọn vô lương tâm, bịp bợm này vẫn tiếp tục luận điệu dối trá trắng trợn.


GHÊ TỞM LŨ NÀY.


FB Suongquynh

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)