Nguyễn Thông
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT chiều 4/2. Ảnh: Lê Văn. |
Bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo ngày 4.2 (mùng 8 Tết) đã đặt ra yêu cầu ngành giáo dục nước nhà phải đào tạo được những “công dân toàn cầu”. Không sai, đó là mục tiêu, mục đích cần phải vươn tới của bất kỳ nền giáo dục nào, chứ không phải chỉ riêng xứ này. Chỉ có điều, khi còn luẩn quẩn dưới hố mà đã đòi bao la cao vời thế thì có vẻ không tưởng. Nói như kiểu của các cụ ngày xưa, là lãng mạn cách mạng quá đà.
Chuyện này cũng giống như đám đông (tức là các bác ấy cùng đám dân chúng bị lôi kéo) đang miệt mài xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tức là cái đích còn xa tít mù, có thể không bao giờ tới. Biết vậy nhưng cứ cố, cứ động viên nhau đi nào, đi nào…
Lại tẩn mẩn nhớ mỗi lần các vị lãnh đạo xứ ta đi thăm nước này nước nọ, hoặc đón khách đến từ nước ấy nước kia, bao giờ cũng hứa hẹn VN sẽ góp phần tích cực vào ổn định khu vực, có trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới. Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cười nhạt, bảo ốc chưa mang nổi mình ốc, lại cứ đòi mang cọc cho rêu.
Trở lại chuyện bác Quang, chuyện công dân toàn cầu. Hãy đặt đích cụ thể hơn, xây dựng được những con người biết yêu thương nhau, trước hết hãy gắn bó yêu thương chính gia đình mình, làng quê, đất nước mình đã. Đừng vội ngóng vọng ra xa. Chẳng hạn xây dựng được cô giáo đừng cầm dép đập vào đầu trẻ mầm non 3-4 tuổi, thiếu nữ đừng gạt chân bà cụ già đi trảy hội chùa Hương ngã bổ chửng để trả thù khi bị chen, thanh niên com lê ca vát đừng xúm lại đánh một thương binh cụt chân, đám đông đừng hò reo vui sướng khi nhìn lễ hội treo cổ con trâu… Cứ thế đã. Rồi hãy toàn cầu.
Nguyễn Thông